Chỉ bán túc tắc qua mạng
HAGL có thể xem là đội bóng đi tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh áo đấu và đồ lưu niệm ngay khi lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện HAGL JMG gây sốt khắp VN lúc bấy giờ, được bầu Đức cho đá V-League mùa 2015. Vì sức hút của CLB là cực lớn nên sau khi HAGL khai trương 2 cửa hàng chuyên bán đồ lưu niệm tại sân Pleiku và nhà truyền thống đặt phía trong “đại bản doanh” Hàm Rồng, khán giả đến mua nườm nượp. Sản phẩm khá đa dạng như ly, chén, móc khóa, khăn choàng, mũ, túi xách…
Chỉ sau trận đánh bại Sanna Khánh Hòa 4-2 ở trận mở màn V-League 2015, HAGL đã thu về đến 120 triệu đồng tiền bán áo đấu của Công Phượng. Hơn 600 áo đấu của Công Phượng có in số 44 (giá mỗi chiếc 200.000 đồng) được bán hết sạch chỉ trong 2 ngày. Áo số 8 của tiền vệ Tuấn Anh cũng bán đắt như tôm tươi và thu về khoảng 80 triệu đồng. Cựu Giám đốc điều hành CLB HAGL Huỳnh Mau khi đó cho biết áo đấu của HAGL nhập từ Malaysia.
Mấy năm trước, sân Cẩm Phả của Than Quảng Ninh (TQN) luôn có một cửa hàng bán đồ lưu niệm, áo đấu và mỗi trận đá trên sân nhà, tiền thu về khoảng được 10 triệu đồng. Con số không quá cao nhưng dù sao còn hơn thời điểm hiện tại bởi sau khi sân Cẩm Phả được cải tạo, cửa hàng cũng không còn nên bộ phận kinh doanh chuyển sang bán qua mạng. “Áo đấu của TQN được sản xuất tại Tây Ban Nha nên phí vận chuyển về VN cao, giá thành vào khoảng 700.000 đồng/chiếc. Chúng tôi bán túc tắc, thi thoảng cũng có người đặt. Nhưng nếu coi đây là nguồn thu thì đội bóng chết đói mất”, chị Mai Thúy, một nhân viên phòng marketing của CLB, cho hay.
Cả đội sở hữu nhiều hảo thủ như CLB Hà Nội cũng chưa thể tạo được nguồn thu từ bán áo đấu và những vật dụng khác. Lượng áo bán qua mạng từ đầu mùa đến giờ cũng chưa vượt quá 1.000 chiếc. Năm nay, lần đầu tiên Hà Nội áp dụng bán vé theo mùa kèm khăn, mũ, áo. Sau 9 vòng đấu V-League 2020, số tiền thu về gần 600 triệu đồng.
Trong khi đó, CLB TP.HCM chưa khai thác thêm các sản phẩm lưu niệm mà hiện chỉ bán áo đấu chính hãng Kappa. Mỗi trận khi được thi đấu trên sân nhà, đội đều mở 2 quầy ở sân Thống Nhất. Từ đầu mùa đến giờ bán được khoảng 500 áo với giá 500.000 đồng/chiếc, thu được khoảng gần 250 triệu đồng. Là tân binh hạng nhất, nhưng Bà Rịa-Vũng Tàu cũng bán áo đấu với giá 250.000 đồng và từ đầu mùa, CLB đã bán được gần 400 áo, thu về khoảng 100 triệu đồng.
Phải biết cách “móc ví” khán giả
Đại diện CLB HAGL cho biết đang rục rịch kế hoạch mở lại mảng kinh doanh áo đấu, nhưng kế hoạch này khi nào chính thức được triển khai thì còn phải chờ. Người hâm mộ không thể mua đồ ủng hộ khi đội bóng “đá cho vui” hoặc chỉ đá đẹp mà không cần thắng thua
|
Là người từng đặt chân đến nhiều đội bóng châu Âu và có nhiều trải nghiệm, nhà báo Trương Anh Ngọc kể: “Những người phụ trách marketing của các đội bóng ở nước ngoài có ý tưởng cực kỳ phong phú. Họ nghĩ ra đủ loại sản phẩm có logo đội bóng, từ huy hiệu, bút chì, bút bi, bật lửa đến áo đấu, áo tắm, bàn chải đánh răng… Giá có thể rất rẻ, chỉ từ 1 - 2 euro/món nhưng cũng có sản phẩm rất đắt, vài trăm euro. Các sản phẩm phục vụ mọi tầng lớp, đối tượng khán giả, có thể phục vụ lớp người hoài cổ, hoặc trẻ con hoặc thanh niên... Cả một thế hệ gia đình khi ra sân xem bóng đá, nếu muốn mua đồ lưu niệm, đều tìm được cho mình một thứ phù hợp. Khi tôi đến AS Roma, Juventus, Lazio (Ý) hay Liverpool (Anh), tôi không thể không mua một thứ gì đó, thậm chí mua rất nhiều. Mà còn phải xếp hàng. Không chỉ vì mẫu mã rất đẹp mà vì cách bộ phận kinh doanh của các CLB muốn gửi gắm đến người mua”.
Nhà báo Trương Anh Ngọc nói tiếp: “Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao các CLB ở VN chưa thể kinh doanh được các sản phẩm “phụ trợ”? Nói một cách công bằng, vài CLB của chúng ta đã bắt đầu tiến lên chuyên nghiệp bằng cách muốn khai thác hình ảnh của CLB thông qua bán áo đấu và đồ lưu niệm. Khi còn giữ chức Chủ tịch CLB TP.HCM, cựu tuyển thủ Lê Công Vinh cũng đã có phương án marketing vấn đề này nhưng mới chỉ ở hình thức, gây tò mò cho khán giả chứ chưa hẳn có chiều sâu. Hay như đội Hà Nội cũng đã chú ý đặc biệt đến việc quảng bá hình ảnh cầu thủ phía ngoài ô tô của đội, mặt tiền sân Hàng Đẫy. Tuy nhiên, có cảm giác việc kinh doanh áo đấu tại VN chỉ dừng lại ở dạng “khái niệm”, chưa có kế hoạch khai thác thực sự bài bản, chưa biết cách “móc ví” khán giả, để khán giả tự nguyện bỏ tiền ra. Nhưng nên nhớ rằng chỉ “móc” được ví khán giả, khiến họ không tiếc tiền mua đồ khi thành tích các CLB phải thật tốt. Áo đấu khó có thể bán chạy nếu phong độ phập phù, kết quả thì thấp, thua hết trận này đến trận khác”.
Bình luận (0)