'Các cô, chú có giải pháp mới nào không?'

27/08/2017 09:07 GMT+7

Hôm qua (26.8), tại phiên đối thoại với lãnh đạo các bộ, ngành trong khuôn khổ Diễn đàn trẻ em quốc gia, đã có nhiều kiến nghị về vấn đề bạo lực và xâm hại trẻ em.

Khi phiên đối thoại bắt đầu, nhiều đại biểu trẻ em lên xin được chất vấn lãnh đạo, các bộ ngành. Nguyễn Thị Thanh Hòa (Quảng Trị) nêu thắc mắc: “Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em diễn ra phổ biến, cho đến nay, tình trạng này vẫn không hề thuyên giảm. Sắp tới các cô, chú có giải pháp mới nào để làm giảm tình trạng này hay không?”.
Trẻ em cơ nhỡ tìm sự giúp đỡ ở đâu ?
Thừa nhận bạo lực và xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết luật Trẻ em bắt đầu có hiệu lực từ 1.6.2017 quy định tương đối đầy đủ những người vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự. Những hành vi ít nghiêm trọng hơn bị xử lý vi phạm hành chính. Sắp tới, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ quy định chi tiết hơn hành vi nào gây ra bạo lực, xâm hại trẻ em bị xử lý vi phạm hành chính. Theo ông Nam, ngoài các giải pháp của cơ quan chức năng, cần phải tăng cường giáo dục kỹ năng cho các bậc cha mẹ và trẻ em biết cách tránh xa các hành vi bạo lực và xâm hại.
Câu trả lời trên dường như vẫn chưa làm các em thỏa mãn. Ngay lập tức, một em nhỏ đứng lên nêu câu hỏi: “Những bạn nhỏ là trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa, không có gia đình mà bị ức hiếp sẽ dựa vào ai? Các cô, chú đưa biện pháp nào để bảo vệ các bạn? Nếu có những vụ việc xảy ra, các bạn sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ ở đâu, gặp ai để báo cáo?”.

tin liên quan

Ám ảnh kinh hoàng nạn xâm hại tình dục
Các vụ trẻ em bị, hoặc nghi bị xâm hại tình dục trên cả nước liên tục xuất hiện trong thời gian qua khiến dư luận phẫn nộ, các bậc phụ huynh cảm thấy bất an, lo lắng. 
Đại tá Nguyễn Văn Pháp, Phó cục trưởng Cục Công tác Đảng và quần chúng Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị (Bộ Công an), cho rằng thông thường, khi vụ việc xảy ra ở địa bàn nào, cán bộ công an ở địa bàn đó sẽ tiếp nhận vụ việc. Đối với những trẻ em không nơi nương tựa đang ở các trung tâm bảo trợ xã hội thì các trung tâm có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ bảo vệ các em. Còn với những em lang thang, cơ nhỡ có thể gặp ngay công an phường, xã ở địa bàn diễn ra vụ việc để được các cô, chú giúp đỡ.
Nơi nào rèn kỹ năng phòng chống bạo lực ?
Không chỉ quan tâm đến việc hỗ trợ, giúp đỡ giải quyết khi xảy ra vụ việc, tại buổi đối thoại, các em cho rằng công tác phòng, ngừa cũng không kém phần quan trọng.
Thu Minh (TP.Hải Phòng) bày tỏ: “Hiện nay, trẻ em là đối tượng dễ bị bạo hành, xâm hại, nhất là các em học mẫu giáo, tiểu học chưa có kỹ năng bảo vệ. Việc đưa giáo dục kỹ năng vào trường mầm non, trường tiểu học được thực hiện như thế nào để giảm nguy cơ trẻ bị xâm hại, đảm bảo an toàn trong trường học”.
Ông Nguyễn Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD-ĐT), cho hay đối với trường mầm non, nhận thức của các bé còn non nớt, rất cần sự bảo vệ của thầy cô. Việc triển khai dạy kỹ năng bài bản cho trẻ em ở mầm non còn quá sớm. Các giáo viên chỉ hướng dẫn một số kỹ năng để trẻ nhận biết nguy cơ. Đối với giáo dục kỹ năng sống trong giáo dục phổ thông, hiện Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai xây dựng các bộ tài liệu tham khảo về kỹ năng sống. Trong quá trình giảng dạy, Bộ đã chỉ đạo đưa nội dung này vào nhà trường để học sinh nhận biết nguy cơ, có thể phòng tránh bạo lực, xâm hại.
Lê Kim Ngọc Hằng (tỉnh Quảng Nam) hỏi: “Ngoài những giờ giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường, trẻ em có thể tự học kỹ năng phòng vệ bản thân hay kỹ năng ứng xử ở đâu?”. Anh Nguyễn Thái An, Phó trưởng ban Công tác thiếu nhi (T.Ư Đoàn), cho biết hiện T.Ư Đoàn tổ chức nhiều hoạt động cho các em thiếu nhi. Trong trường học, các em được trang bị kỹ năng thông qua các buổi sinh hoạt chi đội, liên đội. Ngoài nhà trường hoặc ngoài giờ học, có rất nhiều kênh sinh hoạt để các em tham gia. T.Ư Đoàn và các địa phương hiện có hệ thống 70 nhà thiếu nhi cấp tỉnh và gần 200 nhà thiếu nhi cấp huyện, các em có thể rèn luyện thêm các kỹ năng từ đây.
Bên cạnh đó còn các chương trình do các tổ chức Đoàn, Đội tổ chức vào dịp hè. Anh Nguyễn Thái An chia sẻ: “Trên các trang mạng xã hội của T.Ư Đoàn có những ấn phẩm truyền thông, clip hướng dẫn kỹ năng cho các em. Tới đây, chúng tôi sẽ có thêm các chương trình hỗ trợ, giáo dục kỹ năng cho trẻ em với nhiều hình thức phong phú và đa dạng”.
Hơn 8.100 trẻ em bị xâm hại tình dục
Chiều 26.8, tại xã Tân Quới, H.Bình Tân (Vĩnh Long), T.Ư Hội LHPN VN tổ chức sự kiện truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em với chủ đề “Hãy yêu thương và bảo vệ cơ thể con”, với sự tham dự của hơn 200 giáo viên và học sinh.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2012 - 2016, cả nước xảy ra 6.686 vụ xâm hại trẻ em với 8.146 nạn nhân. Thống kê hằng năm cho thấy, số vụ xâm hại tình dục trẻ em ở các tỉnh, thành phía nam chiếm gần 30% của cả nước. Đối tượng xâm hại tình dục phần lớn chưa có tiền án, tiền sự, là người có quan hệ gần gũi với nạn nhân. Đặc biệt, gần đây nổi lên tình trạng các đối tượng là người nước ngoài đến VN làm việc, du lịch đã có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, kể cả trẻ em nam...  
Thanh Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.