Tờ The Guardian ngày 26.10 dẫn nghiên cứu của tổ chức ActionAid International cho rằng các công ty công nghệ lớn của Mỹ đang lợi dụng những lỗ hổng trong quy định thuế để tránh trả đến 2,8 tỉ USD tiền thuế hằng năm tại các nước đang phát triển.
Các hãng Facebook, Google và Microsoft lâu nay bị cáo buộc không trả mức thuế công bằng tại các nước nghèo, nơi chính phủ thậm chí còn đang chật vật cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục cơ bản cho người dân.
Nghiên cứu cho thấy “khoản trống thuế” tương đương với chi phí đủ trả để bổ sung thêm hơn 700.000 - 850.000 giáo viên.
Nghiên cứu không nói rằng các hãng công nghệ đang phạm luật hay chủ động né thuế. ActionAid cho rằng các khoản thuế không thu được vì giới lãnh đạo các nước hiện không áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về thuế nhằm buộc các công ty đa quốc gia chi trả thêm thuế tại những nước mà các công ty đó có thu nhập.
“Việc các công ty này đang trả bao nhiêu thuế tại các nước đang phát triển cũng khó biết, bởi vì họ không buộc phải công khai thông tin này”, theo ActionAid.
Nghiên cứu cho thấy hàng tỉ USD tiền thuế có thể được thu, đủ để cải thiện hệ thống y tế và giáo dục tại nhiều nước nghèo nhất thế giới.
“Khoản trống 2,8 tỉ tiền thuế chỉ là phần nổi. Nghiên cứu này chỉ liên quan 3 hãng công nghệ nhưng đã cho thấy số tiền mà Facebook, Alphabet và Microsoft lẽ ra phải trả theo quy định thuế công bằng hơn đã đủ để cải thiện dịch vụ công cho hàng triệu người”, theo phát ngôn viên David Archer của ActionAid.
Theo nghiên cứu, các nước có khoản trống thuế lớn nhất liên quan đến 3 hãng trên là Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Nigeria và Bangladesh.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính rằng 20 nước trong nghiên cứu của ActionAid cần thêm ít nhất 1.790.000 điều dưỡng đến năm 2030 nhằm đạt mức 40 điều dưỡng/10.000 dân.
Khoản thiếu hụt này có thể được bù đắp hoàn toàn chỉ trong 3 năm từ tiền thuế thu thêm nếu các quy định thuế toàn cầu cho phép đánh thuế công bằng với 3 công ty trên. Các hãng công nghệ liên quan chưa đưa ra phản hồi liên quan.
Bình luận (0)