Các địa phương sẵn sàng các điều kiện ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

02/08/2022 10:43 GMT+7

Bệnh đậu mùa khỉ biểu hiện trên da rất sớm và dễ thấy, tuy nhiên rất dễ nhầm lẫn với thủy đậu hoặc các bệnh ngoài da. Vì vậy, các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường cảnh giác, phát hiện các trường hợp nghi ngờ.

Đây là cảnh báo của ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tại Hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức sáng nay 2.8.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ

T.Hằng

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, trước nguy cơ cao bệnh đậu mùa khỉ có thể thâm nhập vào Việt Nam, ngày 29.7 Bộ Y tế đã có quyết định ban hành hướng dẫn chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 1.8 Bộ Y tế đã tập huấn về chẩn đoán và điều trị bệnh này cho các địa phương và các cơ sở y tế.

Ông Khoa nhấn mạnh: “Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về điều trị, cách ly, các phương tiện cần thiết, có thuốc và điều trị và các vật tư phương tiện giúp điều trị bệnh nhân. Bên cạnh đó là phòng lây nhiễm và bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế”.

Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay, theo tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đối với đậu mùa khỉ hầu hết các ca bệnh đều nhẹ, tuy nhiên có một số trường hợp sẽ có một số biến chứng.

Trong phân tuyến điều trị, Bộ Y tế lưu ý tuyến xã, phường, quận, huyện có thể cách ly, điều trị các ca bệnh nhẹ, không nhất thiết phải đưa lên T.Ư hay tuyến tỉnh.

Đối với tuyến xã, phường, quận huyện quản lý các ca nhẹ, tạm thời hội chẩn với bệnh viện tuyến trên để điều trị, có thể chuyển viện khi có biến chứng trong nhóm nguy cơ cao.

Đối với tuyến tỉnh, T.Ư cần tăng cường cảnh giác phát hiện các trường hợp nghi ngờ với các bệnh nhân đến khám.

“Bệnh đậu mùa khỉ biểu hiện trên da rất sớm và dễ thấy, tuy nhiên, rất dễ nhầm lẫn với bệnh thủy đậu hoặc các bệnh ngoài da. Vì vậy, các cơ sở khám cần tăng cường cảnh giác, nắm vững các triệu chứng lâm sàng, phát hiện các trường hợp nghi ngờ khi đến khám chữa bệnh; đồng thời phối hợp với các cơ sở tuyến dưới tập huấn, điều trị khi phát hiện các ca bệnh đầu tiên”, ông Khoa nhấn mạnh.

Ngoài phát hiện, điều trị bệnh, các địa phương cũng hành nghiên cứu bệnh đậu mùa khỉ khi thâm nhập vào Việt Nam. Đặc biệt, lưu ý khi có các ca bệnh chuyển nặng cần theo dõi chuyển tuyến lên tuyến trên.

Do Việt Nam chưa có ca nhiễm nên việc chẩn đoán bệnh hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm quốc tế, các địa phương cần cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, cần rút kinh nghiệm từ các các bệnh nặng, tử vong (nếu có) tăng cường công tác giám sát các cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo yêu cầu sẵn sàng.

Liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, bà Nguyễn Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết Hà Nội cũng đã có hướng dẫn về chẩn đoán điều trị bệnh. Tuy nhiên, bà Hà kiến nghị: “Bộ Y tế cần sớm có hướng dẫn về giám sát về kiểm dịch đậu mùa khỉ. Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện T.Ư hỗ trợ xét nghiệm bệnh phẩm nghi ngờ, có hướng dẫn về phân nhóm bệnh cụ thể cho phù hợp”.

Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết hiện nay tổ chức này đang làm việc với các đối tác để có cơ chế tiếp cận vắc xin cho bệnh đậu mùa khỉ. Khi có vắc xin, WHO sẽ thông tin với Bộ Y tế. Trong những ngày tới, WHO sẽ chuyển tài liệu kỹ thuật về bệnh đậu mùa khỉ cho cho Bộ Y tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.