Trang báo của xứ sở vạn đảo cho biết: "Giải U.23 Đông Nam Á (từ 17- 26.8) không liên quan trực tiếp đến vòng loại U.23 châu Á (bắt đầu từ ngày 6.9). Giải U.23 châu Á cũng mang tính chất vòng loại Olympic. Vì thế, các đội chỉ xem giải U.23 Đông Nam Á như một sự kiện khởi động cho vòng loại giải châu Á".
Cụ thể, U.23 Indonesia chỉ mang đến Thái Lan dự giải U.23 Đông Nam Á đội hình có 10 cầu thủ từng tham dự SEA Games 32 hồi tháng 5. Con số này của chủ nhà U.23 Thái Lan tương ứng là 3 cầu thủ.
Trong khi đó, U.23 Việt Nam cũng chỉ có tiền vệ Khuất Văn Khang, tiền đạo Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Quốc Việt, trung vệ Lương Duy Cương nằm trong số ít các cầu thủ còn sót lại từ SEA Games 32. Đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn sử dụng nòng cốt là nhóm cầu thủ trong lứa tuổi 20 để tham dự giải U.23 Đông Nam Á.
Đội hình tối ưu của U.23 Việt Nam tham dự U.23 Đông Nam Á 2023
Dù không sử dụng đội hình mạnh nhất, các đội Indonesia, Thái Lan, Việt Nam đều là các ứng viên vô địch hàng đầu của giải. Những đội khác, thậm chí còn bị đánh giá thấp hơn. Họ cũng không dùng tối đa số cầu thủ giỏi nhất trong lứa tuổi 23 của từng quốc gia, để đưa đến Thái Lan lần này.
HLV Shin Tae-yong (người Hàn Quốc) của U.23 Indonesia giải thích lý do không dùng đội hình mạnh: "Giải vô địch quốc gia Indonesia vẫn đang diễn ra, tôi không thể có đủ tất cả các cầu thủ mà tôi mong đợi. Riêng nhiều cầu thủ được lên tuyển đợt này chỉ ngồi dự bị ở CLB của họ.
Đây không phải là tình trạng của riêng chúng tôi. Timor Leste, Malaysia hay đến cả U.23 Việt Nam đều giống vậy cả. Theo tôi thấy, đội nào tham dự giải U.23 Đông Nam Á đều rơi vào tình trạng tương tự", HLV Shin Tae-yong nói thêm.
Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy, đó là các đội bóng ở Đông Nam Á càng không có lực lượng tốt nhất tại giải U.23 khu vực, càng cho thấy bóng đá Đông Nam Á đang ngày một chuyên nghiệp hơn.
Đầu tiên, các đội Đông Nam Á giờ không còn quá đặt nặng khâu thành tích ở các giải đấu không quá quan trọng. Thay vì tranh nhau thành tích bằng mọi giá, các đội bóng trong khu vực xem đây là cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, tích lũy bản lĩnh cho những gương mặt còn vô danh, có nhu cầu phát triển bản thân cũng như định hình tên tuổi.
Thứ nhì, việc xem giải U.23 Đông Nam Á làm bàn đạp cho vòng loại giải châu Á và vòng loại Olympic, cho thấy các nền bóng đá trong khu vực hiện giờ đều mơ những giấc mơ lớn. Bóng đá Đông Nam Á giờ mơ về việc tiến ra châu Á, hướng về thế giới, thay vì quanh quẩn trong "ao làng".
Thứ ba, chuyện các đội U.23 Đông Nam Á không thể gom đủ quân nói cho cùng đó là tín hiệu… tốt. Ở chỗ bản thân các CLB ở từng giải trong nước của từng quốc gia hiện cũng rất chuyên nghiệp, từ chối "nhả" quân cho các đội tuyển khi họ được phép từ chối.
Không phải ngẫu nhiên Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) lập ra hệ thống thi đấu thống nhất trên toàn cầu, tạo ra các đợt FIFA Days để các đội tuyển tập trung. Nếu không có lịch thi đấu thống nhất ấy, hệ thống bóng đá trên thế giới sẽ rất chồng chéo, các cầu thủ và bản thân các đội bóng rất khó tính toán theo hướng khoa học nhất, hợp lý nhất.
Thành ra, ngoài những đợt FIFA Days, các CLB có quyền tính toán cho mình, nhất là trong bối cảnh giải trong nước vẫn đang diễn ra. Các cầu thủ đã thành danh, hạn chế xuất hiện ở các giải đấu trẻ vừa tạo cơ hội cho những nhân tố mới, vừa tránh quá tải cho chính bản thân họ, tránh những chấn thương đáng tiếc do quá tải. Điều này cũng giúp giải quyết hài hòa quan hệ 3 bên: đội tuyển, CLB và cầu thủ!
Bình luận (0)