Các dự án BĐS được gỡ vướng ra sao?

09/05/2023 06:37 GMT+7

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, cho biết tổ công tác đến nay vẫn đang rà soát gần 600 dự án trên cả nước.

Rà soát nhiều nhưng gỡ chưa bao nhiêu

Trong đó, Tổ công tác đã rà soát 180 dự án tại TP.HCM, 170 dự án tại TP.Hà Nội, 75 dự án tại Đà Nẵng, 65 dự án tại Hải Phòng và 79 dự án tại TP.Cần Thơ... Ngoài ra, Tổ công tác nhận được 71 văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp (DN) liên quan 121 dự án bất động sản (BĐS). Ngay sau đó, Tổ công tác đã có văn bản gửi các địa phương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài nguyên - Môi trường để các địa phương, bộ ngành tập trung hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ ngay từng dự án.

Các dự án BĐS được gỡ vướng ra sao? - Ảnh 1.

Dự án Sóng Việt của Quốc Lộc Phát được xem xét cho bán 50% căn hộ

ĐÌNH SƠN

Tại TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết Tổ công tác đang rà soát để tháo gỡ 30 dự án cụ thể. Các dự án này vướng mắc liên quan đến nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, quy hoạch, đến đầu tư và đấu thầu và liên quan đến đất đai. Trong khi đó tại Đồng Nai, Tổ công tác rà soát có 7 dự án liên quan các DN lớn như: Novaland, Hưng Thịnh, DIC, Tổ công tác nhận diện khó khăn vướng mắc liên quan đến quy hoạch: sự không phù hợp giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết và các dự án.

Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án tại Đồng Nai, mới đây ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai, đã kiến nghị Thủ tướng về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó có kiến nghị về điều chỉnh quy hoạch chung của TP.Biên Hòa (Đồng Nai), về nhà ở xã hội. Những kiến nghị này trước đó đã được Tổ công tác thống nhất cùng UBND tỉnh và các DN để tháo gỡ. Theo đó, khi tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2045, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ tiến hành xem xét điều chỉnh các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án BĐS đã triển khai trước đó cho phù hợp thực tế.

Theo thông tin từ Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), tính đến thời điểm hiện tại đã có 11 dự án BĐS tại TP.HCM có chủ trương gỡ vướng pháp lý và hỗ trợ cho phép được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, cấp sổ hồng cho khách hàng, cho dự án triển khai trở lại.

Trong đó, Tập đoàn Hưng Thịnh được tháo gỡ pháp lý cho 6 dự án bao gồm: Moonlight Park View - phần thương mại còn lại (Q.Bình Tân), Moonlight Boulevard (Q.Bình Tân), 9 View Apartment (TP.Thủ Đức), 8X Đầm Sen (Q.Tân Phú), dự án Moonlight Avenue, (TP.Thủ Đức) và dự án Moonlight Centre Point (Q.Bình Tân). Một dự án của Novaland được gỡ vướng là The Grand Manhattan (Q.1) được thi công trở lại sau thời gian tạm ngưng...

Vẫn trên nóng dưới lạnh?

Dù Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã hết sức nỗ lực, quyết liệt nhưng thực tế những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường vẫn khá chậm chạp. Lãnh đạo một công ty BĐS nằm trong danh sách được TP cho bán 50% số lượng căn hộ thừa nhận đến nay DN của ông vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ Sở Xây dựng TP.HCM về việc cho bán nhà, dù từ cuối tháng 2.2023, lãnh UBND TP.HCM đã họp thống nhất và cho chủ trương cho 4 dự án BĐS được bán 50% lượng căn hộ trong dự án.

"Nếu đã giải quyết cho DN thì cần làm nhanh, làm sớm. TP đã có chủ trương nhưng không hiểu sao Sở Xây dựng vẫn rất chậm chạp trong khi dự án đã đủ điều kiện, làm đúng các quy định của pháp luật như đóng tiền sử dụng đất, được cấp sổ hồng cho dự án, được cấp phép xây dựng và đã xây dựng phần thô. Nếu để chậm gỡ vướng ngày nào DN thiệt hại ngày đó", vị lãnh đạo DN này cho hay.

Theo chuyên gia BĐS Nguyễn Hoàng, thời gian qua Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng, các bộ ngành và các địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, cho DN. Nhưng kết quả cụ thể vẫn chưa thấy rõ ràng và những khó khăn của thị trường vẫn còn đó.

"Sau mỗi cuộc họp nên chốt vấn đề gì thì cần triển khai, xử lý ngay. Thủ tướng, các Phó thủ tướng rồi Tổ công tác cùng các bộ, ngành đã liên tục họp với các địa phương để làm rõ những vướng mắc liên quan đến từng dự án cụ thể. Như vậy những người cao nhất đã nắm được dự án nào vướng ở đâu, vì sao mà vướng. Từ đó có thể xác định được trách nhiệm của ai và cấp thẩm quyền nào có thể giải quyết các vướng mắc đó. Từ đó có thể tháo gỡ ngay cho những dự án BĐS gặp vướng mắc điển hình. Khi một dự án được tháo gỡ, thì các dự án khác có vướng mắc tương tự cũng sẽ được tháo gỡ theo. Thủ tướng đã giao cụ thể cho Tổ công các, các địa phương, các bộ ngành phải có phương án giải quyết khó khăn cụ thể, thời hạn hoàn thành thì sau các cuộc họp phải nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS. Từ đó tạo chuyển biến, tác động tích cực đến thị trường BĐS", chuyên gia Nguyễn Hoàng phân tích.

Là chủ DN BĐS và cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, ông Trần Minh Hoàng nói rằng Tổ công tác đã làm việc với các địa phương, các DN. Đặc biệt là tại TP.HCM, Tổ công tác đã nhiều lần làm việc và nhận định có 30 nội dung vướng mắc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài nguyên - Môi trường. Trong đó riêng Bộ Xây dựng đã có 25 nội dung vướng mắc về nhà ở xã hội, cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ, quy hoạch, chuyển nhượng dự án… "Những vướng của các dự án BĐS đã được chỉ mặt đặt tên. Như vậy, vướng nơi đâu thì nơi đó phải gỡ, không nên chậm trễ hoặc đùn đẩy trách nhiệm", ông Trần Minh Hoàng nhấn mạnh.

Mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cũng đã công bố danh sách 355 dự án, với khoảng hơn 81.000 căn nhà đủ điều kiện cấp sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TP.HCM. Trong danh sách các dự án được gỡ vướng để cấp sổ đỏ, có những dự án kéo dài nhiều năm của các chủ đầu tư lớn trong ngành như Hưng Thịnh, Novaland, Vingroup, Phát Đạt, Him Lam, Gotec Land, Đất Xanh, Đức Khải, Sài Gòn Thương Tín…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.