Khôi phục kinh tế: Các giải pháp của TP.HCM

20/10/2021 06:07 GMT+7

Tại kỳ họp thứ 3 kết thúc trưa qua (19.10), HĐND TP.HCM đã thảo luận, thông qua nhiều tờ trình quan trọng tạo tiền đề cho việc khôi phục kinh tế của TP sau hơn 5 tháng căng mình chống dịch Covid-19.

Giải phóng năng lượng trong dân, doanh nghiệp

Tiêm vắc xin cho trẻ em trên nguyên tắc tự nguyện

Trao đổi với các đại biểu về việc mở cửa trường lớp đón học sinh, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá đây là vấn đề phức tạp, yêu cầu đặt ra là tổ chức hoạt động dạy học trong môi trường an toàn. TP.HCM đã chuẩn bị cơ sở vật chất, sửa sang trường học trước đây được sử dụng cho công tác phòng chống dịch, điều chỉnh chương trình dạy và học cho phù hợp với điều kiện giãn cách, rút gọn nhưng đảm bảo được trọng tâm, trọng điểm.

Về tiêm vắc xin cho trẻ em, ông Mãi cho biết sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời giữ vững nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng quyết định của phụ huynh, trước mắt tập trung các cháu có nguy cơ như béo phì, bệnh nền để giảm rủi ro khi mở cửa trường học. Ngoài ra, TP.HCM cũng đang xây dựng bộ tiêu chí trường học an toàn để mở lại hoạt động dạy và học.

Nêu lý do chưa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết từ dự thảo hướng dẫn tạm thời của T.Ư lấy ý kiến địa phương cuối tháng 9.2021, UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 18 ngày 30.9 về phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, trong đó tiếp thu những nội dung cập nhật mới nhất của bản dự thảo sau này được hoàn thiện thành Nghị quyết 128. “Dù chưa có kế hoạch tổng thể nhưng trên thực tế, tinh thần chung của Nghị quyết 128 đã được TP.HCM cập nhật và vận dụng trong Chỉ thị 18”, ông Mãi thông tin. Sắp tới, TP.HCM sẽ đánh giá cấp độ dịch theo từng nhóm nguy cơ và thực hiện các biện pháp siết chặt hoặc nới lỏng giãn cách trên từng địa bàn cụ thể; hoàn thiện các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt…

TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em theo nguyên tắc dựa trên quyết định phụ huynh

Về các giải pháp khôi phục kinh tế, ông Mãi cam kết tập trung công tác cải cách hành chính, hỗ trợ về vốn và nguồn lao động, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để “giải phóng năng lượng trong dân, trong doanh nghiệp”, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chịu nhiều tổn thương trong đợt giãn cách vừa qua. Xác định đầu tư công sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng và dẫn dắt cho đầu tư tư nhân, các sở, ngành làm việc với nhà đầu tư rà soát từng dự án, công trình để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu giải ngân đạt 95% vào cuối năm.

Ông Mãi đề ra 5 nhóm giải pháp để tăng thu ngân sách hợp lý, vừa đảm bảo thu cao nhất có thể vừa chăm lo, nuôi dưỡng nguồn thu; rà soát nhà công, đất công và cổ phần hóa doanh nghiệp. “Trong tháng 11 và tháng 12.2021, TP.HCM sẽ đấu giá 3.970 căn hộ và 8 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm để thực hiện kết luận của T.Ư và hoàn trả khoản tạm ứng”, ông Mãi thông tin.

Ngoài ra, TP.HCM tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo người già neo đơn, trẻ mồ côi; đề xuất chính sách cải tạo nhà trọ để đón lao động cũng như triển khai sớm kế hoạch chỉnh trang nhà trên, ven kênh rạch và chung cư cũ.

Trong tháng 11 và tháng 12.2021, TP.HCM sẽ tổ chức đấu giá 8 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Độc Lập

Tập trung phát triển nhà ở xã hội

Về vấn đề nhà ở xã hội, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cho biết trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, TP.HCM sẽ xây dựng 50 triệu m² nhà ở với 366.000 căn; trong đó gần 30.000 nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp. Qua khảo sát nhu cầu và hiện trạng nhà thuê trọ của công nhân, toàn TP có 99.108 hộ cho thuê với hơn 723.000 phòng, gần 1,7 triệu người thuê, trong đó có 886.000 công nhân. Ông Quân cho biết trong năm 2020 đã ban hành hướng dẫn xây nhà trọ, trong đó đưa ra tiêu chí đảm bảo cứu hộ, cứu nạn và PCCC nhưng qua đợt dịch này, Sở Xây dựng sẽ bổ sung tiêu chí đảm bảo phòng tránh dịch lây lan, những nhà trọ không đủ điều kiện sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ. “Hiện Sở Xây dựng đang trình đề án xây dựng nhà ở xã hội, từ đó cho thuê hoặc thuê mua, đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp để thuê ở”, ông Quân nói.

Cũng tại kỳ họp, HĐND TP.HCM đã thông qua nhiều tờ trình như kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với nguồn vốn ngân sách hơn 142.500 tỉ đồng. Một số dự án quan trọng đã và đang tiếp tục được đầu tư trong giai đoạn này gồm có: metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2, dự án cải thiện môi trường nước, dự án chống ngập do triều… HĐND TP.HCM cũng thông qua nghị quyết đồng thuận đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) giai đoạn 1 với tổng vốn 15.900 tỉ đồng, hỗ trợ học phí học kỳ 1 cho trẻ mầm non, học sinh các cấp với tổng kinh phí 427 tỉ đồng…

Covid-19 sáng 20.10: Cả nước 865.558 ca nhiễm, 792.029 ca khỏi | TP.HCM thí điểm mở cửa trường học

TP.HCM xem xét mở thêm dịch vụ phục vụ tại chỗ

Ngày 19.10, Sở Công thương đã gửi văn bản đề xuất UBND TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được tổ chức hoạt động cả hình thức bán mang đi và phục vụ tại chỗ; trừ các loại hình kinh doanh bán bia, rượu.

Hàng quán kết thúc hoạt động trước 21 giờ hằng ngày, công suất không quá 50% năng lực phục vụ. Mật độ phục vụ tại chỗ đảm bảo không quá 2 người/bàn, khoảng cách giữa các bàn ăn tối thiểu 2 m.

Chiều cùng ngày, UBND TP.HCM họp với TP.Thủ Đức và các quận, huyện về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị thời gian tới cần xem xét mở thêm một số dịch vụ như quán ăn phục vụ tại chỗ, hoặc các hoạt động sinh kế khác để tạo ra thu nhập cho người dân. “Ví dụ việc bán vé số cần nghiên cứu vì nó sẽ mở ra việc làm, cơ hội tăng thu nhập cho nhiều người dân, giảm gánh nặng cho an sinh xã hội, cần đánh giá kỹ lưỡng để mở các dịch vụ, hoạt động sinh kế”, ông đề nghị.

Ông Mãi cũng yêu cầu TP tập trung hoàn thiện đề án trung tâm tài chính; đeo bám đề xuất điều chỉnh tỷ lệ ngân sách để lại là 23%; phân công các sở, ngành tham mưu rà soát lại các văn bản còn nợ; Sở KH-ĐT, Viện Nghiên cứu phát triển tập trung hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế gắn với kế hoạch xây dựng kinh tế 2022.

Sỹ Đông - Phan Thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.