Các giải pháp giảm tác hại thuốc lá: Hiểu đúng để lựa chọn

13/06/2022 08:00 GMT+7

Hiện nay, 60-80% người hút thuốc ở Việt Nam đều muốn bỏ thuốc nhưng chưa thành công. Do đó, cần đánh giá lại đâu là những giải pháp giảm tác hại phù hợp để cải thiện chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá.

Tỷ lệ cai thuốc thành công ở Mỹ là 7,5%, ở Anh là 23%, ở Úc là 23% và ở Trung Quốc là 20%. Con số của Việt Nam cũng tương tự. Những con số thực tế này đã cho thấy rằng các chương trình chống và giảm tác hại thuốc lá điếu trên toàn cầu không thành công như mong đợi, thậm chí có thể được xem là thất bại, cần có giải pháp mới để vá lỗ hổng này.

ThS-BS Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội Tổng Quát và Y học Gia đình, Bệnh Viện FV

Giảm tác hại bằng liệu pháp nicotin thay thế: Tốt nhưng chưa thành công

Có 3 yếu tố khiến việc cai thuốc lá không đơn giản.

Đầu tiên, cần biết rằng người hút thuốc lá ngoài chịu ảnh hưởng gây nghiện của nicotin, còn bị lệ thuộc vào tâm lý và thói quen. Hút thuốc lá và đốt điếu thuốc lá đều là những phản xạ có điều kiện. Theo đó, người hút thuốc lá sẽ hình thành thói quen hút một điếu thuốc sau khi ăn cơm, trong khi gặp gỡ bạn bè, hay khi vừa ra khỏi máy bay… Dần dần, cứ mỗi một khoảng thời gian hay một hành vi nhất định, người hút thuốc sẽ có phản xạ đốt điếu thuốc, không thể bẻ gãy được.

Tổng hợp hai yếu tố tâm lý này sẽ lý giải được vì sao các giải pháp thay thế nicotin bao gồm nicotin dán, ngậm... đều thất bại. Từ năm 1985, khi FDA của Mỹ bắt đầu chấp thuận các liệu pháp nicotin thay thế thì tỷ lệ cai thuốc lá thành công cũng không có sự thay đổi nào đáng kể, dù liệu pháp này được bán phổ biến khắp các siêu thị Mỹ.

Yếu tố thứ ba phổ biến hơn ở châu Âu, đó là việc tăng cân. Nhiều người quan tâm đến thẩm mỹ và lo ngại chuyện tăng cân nếu như bỏ thuốc lá.

Từ thực tế này, thế giới hiện đã nghiên cứu và áp dụng cách tiếp cận theo hướng giảm tác hại vì không thể mãi bám vào những chiến lược hiện tại khi số liệu và lịch sử đã chứng minh những giải pháp này không đem lại hiệu quả đáng kể ở mức độ cộng đồng.

Loại bỏ quá trình đốt cháy: Giải pháp giảm tác hại mà người hút thuốc cần

Ai cũng biết, muốn hút thuốc lá điếu thì phải đốt thuốc. Khi đó, nhiệt độ đầu điếu thuốc lá bị đốt tăng lên đến 900oC và sinh ra những chất và hợp chất cực kỳ độc hại như: những chất sinh ung thư, carbon monoxid, chất gây xơ vữa thành động mạch tăng lên đáng kể và gây ra các bệnh lý liên quan đến hút thuốc lá. Do đó, nếu quá trình đốt cháy được loại bỏ, hàm lượng các chất gây hại sẽ giảm đi đáng kể.

Trong khi đó, nicotin là một chất tương đối không độc hại, không có tác dụng ngoại lý nghiêm trọng, không tăng yếu tố tim mạch, tỷ lệ ung thư và tử vong. FDA của Mỹ và Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia Anh (NICE) đã xác nhận rằng nicotin không phải là nguyên nhân chính của những bệnh lý do hút thuốc.

Từ những hiểu biết về tập tính của người hút thuốc và khoa học của việc loại bỏ quá trình đốt cháy, các giải pháp giảm tác hại thế hệ tiếp theo phải đáp ứng được cả hai yếu tố này. Có như vậy thì mới dễ dàng thuyết phục được người hút thuốc chuyển đổi.

Đến nay, các nghiên cứu trong lĩnh vực tim mạch về các sản phẩm giảm tác hại thay thế thuốc lá điếu áp dụng công nghệ loại bỏ quá trình đốt cháy đã được công bố trên các tạp chí uy tín trên thế giới như Tạp chí Tim mạch châu Âu, Tạp chí Y khoa châu Âu... Tạp chí uy tín Circulation còn đăng tải một nghiên cứu được thực hiện trên 5 triệu người hút thuốc lá nhằm đánh giá mối liên hệ giữa những thay đổi trong thói quen sử dụng thuốc lá đốt cháy và thuốc lá không đốt cháy với nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong ngắn hạn. Kết quả cho thấy, khi người dùng thuốc lá điếu đốt cháy chuyển đổi sang sử dụng thuốc lá không đốt cháy thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch thấp hơn 34% so với tiếp tục hút thuốc lá điếu đốt cháy. Dĩ nhiên, việc cai hoàn toàn thuốc lá và nicotin vẫn là tốt nhất.

Hiện nay, trên thế giới, ngoài hai tổ chức uy tín trên, Bộ Y tế Nhật Bản cũng đã chính thức cho phép thương mại các sản phẩm áp dụng công nghệ loại bỏ quá trình đốt cháy này. Thậm chí, Bộ Y tế Anh Quốc còn có khuyến cáo sử dụng các sản phẩm công nghệ này để giúp người hút thuốc cai thuốc lá.

Có thể nói, chính sách ‘zero thuốc lá’ này cũng tương tự như chính sách ‘zero Covid’, đều là những hướng tiếp cận không khả thi. Nếu xã hội chấp nhận sống chung hòa bình với Covid-19 và áp dụng chiến lược giảm thiểu tác hại bằng 5K; thì tương tự với thuốc lá, cũng nên nhìn nhận công bằng dựa trên sở cứ khoa học và sớm áp dụng chiến lược giảm tác hại để bổ trợ cho các chính sách về sức khỏe cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.