Các giải pháp giáo dục bắt buộc và miễn phí 9 năm

14/03/2018 09:02 GMT+7

Trong một nghiên cứu mới đây về giáo dục bắt buộc (Compulsory Education), nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết giáo dục bắt buộc và miễn học phí 9 năm trở lên là xu hướng chung của thế giới.

Tất cả các nước châu Âu áp dụng giáo dục bắt buộc 9 năm trở lên. Trong đó, nhiều nước như Anh, Ba Lan, Hà Lan, Pháp... thực hiện giáo dục bắt buộc 12 năm (hay đến 18 tuổi). Mỹ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm trở lên ở tất cả các bang, trong đó nhiều bang đã thực hiện miễn học phí hoàn toàn cho đến cấp THPT. Nhật Bản là nước châu Á áp dụng sớm nhất, từ những năm 1870 đối với tiểu học và luật Giáo dục cơ bản năm 1947 quy định giáo dục bắt buộc 9 năm.
Hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm trở lên, trong đó Cuba và Triều Tiên thực hiện 12 năm. Năm 1986, Trung Quốc đã ban hành luật Giáo dục bắt buộc 9 năm. Tuy nhiên, với hơn 1,3 tỉ dân, Trung Quốc không phải thực hiện miễn phí THCS ngay mà thực hiện từng bước, nơi thuận lợi làm trước, nơi khó khăn làm sau. Cho đến năm 2006, nước này mới miễn phí THCS 100% trên phạm vi toàn quốc.
Ở Đông Nam Á, Singapore và Philippines áp dụng giáo dục bắt buộc 10 năm; Indonesia, Thái Lan và Campuchia 9 năm, Malaysia 6 năm. Trong đó, Indonesia đang triển khai thí điểm 12 năm tại thủ đô Jakarta.
Dự thảo luật bổ sung một số điều của luật Giáo dục do Bộ GD-ĐT đưa ra đề nghị miễn học phí đối với HS THCS đã được giới học giả, trí thức, cán bộ và nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ và cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với giáo dục thế giới và mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính, nên đề nghị này đã bị Bộ Tài chính bác bỏ và sẽ xây dựng một đề án riêng sau năm 2020.
Để triển khai giáo dục bắt buộc 9 năm, khó khăn lớn nhất là về tài chính. VN có tỷ lệ đầu tư cho giáo dục so với GDP là 6,3% (đứng thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan là 7,6%), chi cho giáo dục trong tổng chi ngân sách đạt 20%. Vì vậy, ngân sách T.Ư khó tăng thêm để thực hiện giáo dục bắt buộc. Theo tính toán, cả nước 1 năm thu học phí THCS khoảng 2.000 tỉ đồng, nếu chia cho 63 tỉnh thành là không lớn.
Vì vậy, một số tỉnh, thành phố thu ngân sách lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Nam... có thể thực hiện miễn phí THCS ngay từ năm học 2018 - 2019. Đặc biệt là TP.HCM, nơi có thu nhập bình quân đầu người trên 6.000 USD/người sẽ là nơi tiên phong thí điểm THCS của cả nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thành lập Quỹ hỗ trợ giáo dục bắt buộc 9 năm để hỗ trợ các tỉnh khó khăn. Quỹ này do các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đóng góp.
Về điều kiện pháp lý, không thể thực hiện trong một thời gian ngắn, mà cần phải có lộ trình, bước đi thích hợp. Trước hết, một số tỉnh, thành phố có điều kiện về kinh tế xin Chính phủ thực hiện thí điểm miễn phí THCS. Sau đó, Chính phủ cho phép mở rộng diện thí điểm, đến lúc đủ điều kiện thì trình Quốc hội sửa đổi luật Phổ cập giáo dục tiểu học năm 1991 thành luật Phổ cập giáo dục trung học cơ sở, trong đó quy định giáo dục bắt buộc 9 năm và miễn học phí cấp THCS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.