Các hãng công nghệ Trung Quốc 'sốt ruột' với ChatGPT

08/02/2023 17:29 GMT+7

Từ nhà cung cấp công cụ tìm kiếm Baidu đến gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đều đang nhảy vào ChatGPT, tung ra các phiên bản công nghệ riêng hoặc liên kết các ứng dụng của họ với dịch vụ OpenAI.

Baidu đã đặt tên cho dự án chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) của mình là "Wenxin Yiyan", hay "Ernie Bot" trong tiếng Anh, đồng thời đặt mục tiêu "hoàn thành thử nghiệm nội bộ vào tháng 3 trước khi ra mắt công chúng", South China Morning Post dẫn lời một đại diện của Baidu cho biết hôm 7.2. Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của công ty tăng 15% trong cùng ngày sau khi có thông tin này.

Các hãng công nghệ Trung Quốc đua nhau tận dụng khái niệm ChatGPT - Ảnh 1.

ChatGPT đã đạt 100 triệu người dùng trên toàn cầu chỉ 2 tháng sau khi ra mắt

Bloomberg

Nền tảng giao tiếp doanh nghiệp DingTalk của Alibaba hôm 6.2 đã đưa ra hướng dẫn sử dụng mới có thêm ChatGPT vào các cuộc trò chuyện nhóm thông qua mã thông báo hợp lệ do dịch vụ tạo ra, nhưng nhấn mạnh rằng người dùng "phải tuân thủ luật pháp và quy định của quốc gia" khi sử dụng nó.

Nhà bán lẻ hàng xa xỉ trực tuyến của Trung Quốc Secoo Group hôm 6.2 cũng cho biết sẽ tiến hành "nghiên cứu chuyên sâu và mở rộng" nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra (AIGC) và các công nghệ liên quan đến ChatGPT để "thực hiện tương tác giao tiếp tương tự như người thật". Nền tảng này từng bị khiếu nại về việc phản hồi chậm các yêu cầu dịch vụ từ khách hàng.

Nhà phát triển công nghệ xổ số và máy in Trung Quốc Hongbo thông báo các nhà đầu tư hôm 7.2 rằng họ đang "phát triển và thử nghiệm" các sản phẩm ChatGPT có liên quan. Cổ phiếu của công ty bảo mật internet Trung Quốc 360 Security Technology niêm yết ở Thượng Hải đã tăng lên mức giới hạn hằng ngày là 10% trong cùng ngày 7.2, sau khi cho biết công ty đã đầu tư vào các công nghệ "tương tự như ChatGPT" kể từ năm 2020.

Theo công ty dịch vụ tài chính UBS, ChatGPT đã đạt 100 triệu người dùng trên toàn cầu chỉ 2 tháng sau khi ra mắt. Ngay cả ở Trung Quốc, nơi dịch vụ này không khả dụng, người dùng vẫn tìm cách truy cập và các doanh nghiệp đang cố gắng kiếm lợi từ khái niệm này. Trên trang Weibo, các thẻ bắt đầu bằng hashtag "khi nào các giải pháp thay thế ChatGPT tự chế sẽ có sẵn" đang là xu hướng nổi bật trong số 10 chủ đề hàng đầu được ghi nhận vào tối 6.2

Trên Taobao, có hàng trăm nguồn đang cung cấp tài khoản ChatGPT hoặc giúp thực hiện các cuộc trò chuyện dùng chatbot. Tuy nhiên, người dùng ở đại lục khó có thể truy cập dịch vụ ngay cả với mạng riêng ảo, vì việc mở tài khoản yêu cầu phải có số điện thoại nước ngoài.

Hỏi khó ChatGPT: siêu thông minh nhưng có lúc 'ngớ ngẩn'?

Trên ứng dụng WeChat của Tencent Holdings, nhiều công ty khởi nghiệp đang cung cấp lựa chọn thay thế ChatGPT. Hãng công nghệ mạng đám mây Entropy Cloud Network Technology có trụ sở tại Thượng Hải và công ty công nghệ Chengdu Yibai Technology đã ra mắt chatbot cung cấp bốn cuộc trò chuyện miễn phí cho mỗi người dùng, với phí đăng ký hằng năm gần 1.000 nhân dân tệ (khoảng 147 USD). Khi được hỏi về mối quan hệ với OpenAI, Entropy Cloud nói rằng chatbot của họ, có tên ChatGPT Online, là "một hệ thống AI được xây dựng trên công nghệ tương tự như của ChatGPT".

Charles Li, chuyên gia tư vấn an ninh mạng có trụ sở tại Bắc Kinh, người đã thử cả hai phiên bản của Entropy và Yibai, cho biết đây là trường hợp "các công ty cố gắng kiếm tiền từ từ ngữ thông dụng". Ông Li đã hỏi ChatGPT một số câu hỏi kỹ thuật và nhận được "những câu trả lời rất cơ bản". Ông nói thêm rằng công nghệ này "không có quan điểm và phán đoán riêng".

Trong khi đó, Pan Helin, cố vấn của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, nói trên National Business Daily hôm 6.2 rằng Trung Quốc cần phải "đưa ChatGPT vào" và "phát triển các giải pháp thay thế của riêng mình", nếu muốn bắt kịp xu hướng công nghệ thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.