Các hãng thức ăn nhanh đua nhau lỗ: Bán lẻ với nghi án chuyển giá

14/09/2018 06:59 GMT+7

Không chỉ có thức ăn nhanh, nhiều tập đoàn bán lẻ ngoại đã từng dính nghi án chuyển giá nay doanh thu lại tiếp tục “teo tóp”.

Doanh thu tăng gấp 200 lần, lỗ hơn 2.340 tỉ đồng
Lotte Mart trong giai đoạn 11 năm kinh doanh tại VN (2006 - 2016), có những năm doanh thu năm sau cao hơn năm trước cả nghìn tỉ đồng, thậm chí so với 20 năm trước khi mới “chân ướt chân ráo” vào VN, doanh thu của nhà bán lẻ ngoại này nay cao gấp... 200 lần, từ 30 tỉ đồng lên 5.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, báo cáo của Lotte Shopping Hàn Quốc năm 2017 cho thấy Lotte Mart VN lỗ lũy kế đến hết năm 2017 lên đến 117 tỉ won (tương đương khoảng 2.340 tỉ đồng theo tỷ giá hiện tại).
Chuỗi siêu thị BigC vào VN năm 1998, lỗ liên tục 10 năm sau bắt đầu có lãi và đóng thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2009 - 2014. Nhưng khi được chuyển nhượng cho nhà đầu tư Thái năm 2016, doanh thu của nhiều siêu thị lớn trong chuỗi hệ thống bán lẻ này lại tiếp tục “rơi” khó hiểu. Năm 2017, doanh thu của BigC An Lạc (TP.HCM) chỉ còn 1.300 tỉ đồng, bằng một nửa so với năm 2012 là 2.600 tỉ đồng. BigC Thăng Long (Hà Nội) doanh thu khoảng 2.700 tỉ đồng trong khi 5 năm trước đó lên đến 3.500 tỉ đồng.
Cũng như Lotte Mart, nhà đầu tư BigC vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư bán lẻ tại VN. Năm 2017, doanh thu của Central Group, chủ sở hữu 35 siêu thị BigC và hệ thống bán lẻ điện máy Nguyễn Kim, đạt gần 790 triệu USD và thông tin mới được đại diện tập đoàn này tiết lộ trong tháng 8 vừa qua tại Thái là sẽ tiếp tục đầu tư 500 triệu USD để mở thêm 500 cửa hàng tiện lợi...
Tương tự với hai chuỗi siêu thị vừa là Fivimart và Citimart. 2015 là năm đầu tiên 2 chuỗi siêu thị này hợp tác với nhà bán lẻ đến từ Nhật Aeon, doanh thu Fivimart tăng từ mức 1.075 tỉ đồng lên 1.269 vào năm 2017. Citimart cũng có doanh thu 1.355 tỉ đồng vào 2015 và lên 1.600 tỉ đồng năm 2017. Doanh thu tăng, tăng trưởng tốt, nhưng thông tin mới được cập nhật là hai siêu thị này liên tục báo lỗ từ ngày liên doanh với đối tác Nhật. Sau 3 năm Fivimart lỗ 197 tỉ đồng, Citimart lỗ 157 tỉ đồng. Đó là chưa tính nợ vay của hai chuỗi siêu thị này cũng khá lớn, 317 tỉ đồng tính đến cuối năm 2017 với Fivimart và 717 tỉ đồng với Citimart đến cuối năm 2016.
Trước đó, hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry (Đức) khi chưa được bán lại cho nhà đầu tư Thái, trong 12 năm vào thị trường VN thì có tới 11 năm liên tục báo lỗ dù doanh số trong 10 năm tăng hơn 22 lần, từ hơn 600 tỉ đồng vào năm 2002 đã tăng lên 14.700 tỉ đồng vào năm 2013. Sau khi về tay nhà đầu tư Thái dưới tên mới là MM Mega Market vào năm 2016, doanh thu của chuỗi vẫn tiếp tục “rớt” thê thảm, báo lỗ 110 tỉ đồng. Nghi ngờ có chuyển giá và trước áp lực nghi ngờ của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý thuế đã tiến hành thanh tra hoạt động kinh doanh của chuỗi bán lẻ này và truy thu được hơn 500 tỉ đồng tiền thuế của MM Mega Market sau đó.
Mở được trên 5 siêu thị là đã có lãi
Từng là người đầu tiên mở siêu thị tại Hà Nội, làm việc nhiều với các tập đoàn bán lẻ ngoại vào VN, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, thông tin chuỗi bán lẻ mở đến điểm kinh doanh thứ 5 là đạt điểm hòa vốn, mở sang điểm kinh doanh thứ 6 bắt đầu có lãi. Doanh thu mỗi ngày một siêu thị lớn khoảng 200 triệu đồng là hòa vốn, cao hơn số đó là có lãi.
“Với các chuỗi siêu thị đã mở đến 8 - 10 cái, thậm chí trên 30 cái thì không thể nói chuyện lỗ nữa. Thường các chuỗi bán lẻ ngoại hay có “bài” là kê chi phí bán hàng như khuyến mãi quảng cáo, nguyên liệu đầu vào khiến triệt tiêu cả lợi nhuận. Nếu so với các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành, thường bán lẻ ngoại hay có các khoản chi cao hơn bất thường. Đó là chưa nói hóa đơn tính tiền tại các siêu thị là hóa đơn “con con” kia và không nối mạng với cơ quan thuế thì hoàn toàn có thể “lách” hoặc thay đổi số liệu được nếu muốn”, ông Phú cho biết.
Qua quan sát của cá nhân, ông Phú phân tích thêm BigC Thăng Long đang ngày càng đông khách hơn từ ngày chuyển đổi nhà đầu tư do chính sách về giá tại siêu thị cực mềm, hàng hóa phong phú. Hiện tại ở Hà Nội, BigC Thăng Long đang “ăn đứt” MM Mega Market về lượng khách hàng cũng như doanh thu, chủng loại hàng hóa. Thực tế, các chuỗi bán lẻ thua lỗ thường là co cụm lại và tiến đến đóng cửa dần. Điển hình là Parkson, sau vài năm thua lỗ đã đóng đến 4 trung tâm thương mại tại VN, trong khi các tập đoàn bán lẻ khác lỗ triền miên vẫn mở rộng hoành tráng không ngưng nghỉ. Ông đặt vấn đề: Tôi biết rõ cái “trò” lách chi phí và khai lại doanh thu của các siêu thị. Tôi biết chẳng nhẽ các nhà quản lý thuế lại không biết?
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, số lỗ bất hợp lý nếu được “khui ra” thường tập trung trong việc chuyển giá thông qua giao dịch liên kết với công ty mẹ ở nước ngoài. Ông Hiếu cho hay: “Phí bản quyền với các giao dịch này thường được tính giá rất cao và rất khó định giá. Cái này có sự liên thông giữa công ty mẹ và công ty con, nên gây khó khăn cho nhà quản lý thuế. Hiện Chính phủ đã có Nghị định 20/2017 về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có thể coi đây là công cụ giúp ngăn chặn các hành vi chuyển giá nhằm trốn thuế tại VN. Thực tế, một số tập đoàn đa quốc gia từng dính nghi án chuyển giá bởi liên tục báo lỗ, lãi khiêm tốn trong khi vẫn liên tục mở rộng đầu tư”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.