Các huyện ngoại thành 'đua nhau' lên thành phố

20/09/2023 06:33 GMT+7

Quy hoạch phát triển của 5 huyện ngoại thành TP.HCM đều nghiên cứu định hướng lên cấp thành phố từ nay đến năm 2030. Nếu tất cả đề án được thông qua, TP.HCM sẽ có 6 thành phố trực thuộc.

Lên thành phố dễ hơn lên quận ?

Trong dự thảo góp ý hoàn thiện đề án H.Bình Chánh thành quận hoặc thành phố (TP) dự kiến diễn ra ngày 22.9, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) đề xuất H.Bình Chánh nên là TP trực thuộc TP.HCM trước năm 2030.

Các huyện ngoại thành 'đua nhau' lên thành phố  - Ảnh 1.

Điều kiện trở thành TP dễ dàng hơn nên các huyện ngoại thành TP.HCM đang định hướng lên TP như TP.Thủ Đức, thay vì lên quận

ĐÌNH SƠN

Theo HIDS, H.Bình Chánh có vị trí quan trọng, là địa bàn cửa ngõ phía tây nam, là đầu mối giao thông nối liền TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL, có mối liên kết qua nhiều hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH) với tỉnh Long An. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kết nối nội bộ trong huyện còn hạn chế, nhất là các khu vực lân cận và tiếp giáp với tỉnh Long An. Điều này đã gây cản trở rất lớn cho quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế và liên kết giữa hai vùng. 

Bên cạnh đó, đất đai huyện còn nhiều nhưng chưa khai thác hiệu quả, bộ máy quản lý theo đơn vị hành chính nông thôn gặp nhiều khó khăn, không thể đột phá trong phát triển KT-XH trên địa bàn để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Mặt khác, đối chiếu hiện trạng, so các tiêu chuẩn theo Nghị quyết về phân loại đô thị và Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, huyện không có khả năng chuyển đổi thành đơn vị hành chính cấp quận từ đây đến năm 2030.

"Do vậy, nhu cầu chuyển đổi từ đơn vị hành chính cấp huyện sang đơn vị hành chính cấp đô thị (mô hình TP thuộc TP) để H.Bình Chánh có điều kiện đầu tư hạ tầng, khai thác tiềm năng, thế mạnh hiện nay là vấn đề đặt ra rất bức thiết", HIDS nhận định và đề nghị công nhận H.Bình Chánh thành TP.Bình Chánh hay TP phía tây trực thuộc TP.HCM.

Trước đó, tại Hội nghị báo cáo đầu kỳ về điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, liên danh tư vấn đã đưa ra đề xuất định hướng phát triển không gian tổng thể của TP theo 3 phân vùng gồm vùng trung tâm đô thị lịch sử, vùng trung tâm đô thị mở rộng, và các TP trong TP. Theo đó, ngoài TP.Thủ Đức đã hình thành, sẽ có thêm 3 TP gồm: Nam Sài Gòn, Củ Chi và Cần Giờ. Cụ thể, TP.Nam Sài Gòn sẽ là đô thị công nghệ và sinh thái nước, trọng tâm là đô thị sáng tạo, kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí. TP.Cần Giờ là TP du lịch sinh thái, trung tâm kinh tế biển. TP.Củ Chi là đô thị dịch vụ sinh thái môi trường và nông nghiệp, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đào tạo công nghệ phục vụ nông nghiệp và công nghệ sinh thái môi trường.

Ngoài ra, H.Hóc Môn cũng đã điều chỉnh định hướng từ lên quận sang TP vì địa phương còn nhiều vùng nông thôn không thể chuyển thành đô thị.

TP.Thủ Đức hiện chỉ có thẩm quyền ngang quận, huyện, chưa phát huy hiệu quả chính quyền TP trong TP. Bởi việc phân cấp, phân quyền từ TP.HCM cho TP.Thủ Đức còn hạn chế.


Ông Trịnh Xuân Thắng (Học viện Chính trị khu vực IV)

Theo lý giải của UBND các huyện đang định hướng lên TP, Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính quy định để lên quận, các huyện phải đáp ứng tiêu chí 100% đơn vị hành chính là phường (phải có từ 12 phường trở lên) bên cạnh các tiêu chí khác. Còn để lên TP, tỷ lệ này chỉ cần đạt 65% (trong tổng số từ 10 đơn vị hành chính cấp xã trở lên) bởi mô hình vừa có phường, vừa có xã. Hiện nay, các địa phương có những xã rất phát triển với mức độ đô thị hóa cao, dân số lớn, các chỉ tiêu KT-XH chuyển hướng mạnh tương đương phường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều xã là xã nông thôn, cần nhiều thời gian hơn để phát triển tương đương phường. Vì vậy, điều kiện trở thành TP dễ dàng hơn và mô hình này cũng sẽ đáp ứng được nhu cầu quản lý, phát triển địa phương.

Không chỉ TP.HCM, Hà Nội cũng đang nghiên cứu mô hình TP trong TP với kỳ vọng mở ra những tiềm năng phát triển lớn cho diện mạo thủ đô. Trên bản đồ quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ có 2 TP trực thuộc Hà Nội là TP phía bắc bao gồm Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm; và TP phía tây gồm Hòa Lạc và Xuân Mai.

"Các TP phía bắc và phía tây lấy sông Hồng làm trung tâm sẽ đưa Hà Nội lên một bước phát triển mới chưa từng có, với những kỳ vọng lớn lao về sự đi lên của cuộc sống người dân", lãnh đạo UBND TP.Hà Nội nêu mục tiêu của quy hoạch.

Tên THÀNH PHỐ nhưng thẩm quyền vẫn chỉ ở quận

Mô hình TP trong TP đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công, hình thành nên những động lực đột phá kinh tế. Tại TP.HCM, Thủ Đức là đơn vị đi đầu trong mô hình TP trong TP với nhiều cơ hội và kỳ vọng. Song đến nay sau 3 năm thành lập, viễn cảnh về một TP sáng tạo, là nơi đáng sống, đáng đến để đầu tư, đổi mới đóng góp lớn cho ngân sách TP và cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vẫn chỉ là "giấc mơ"; thậm chí nhiều người từ kỳ vọng đang trở nên thất vọng.

Báo cáo mới đây của TP.Thủ Đức cho thấy những quyền hạn của TP.HCM chỉ nằm trong mức cho phép nhằm giải quyết những vấn đề nhỏ tại địa phương, còn thẩm quyền của TP.Thủ Đức chỉ ngang cấp quận, huyện. Mô hình tổ chức và các chức năng, nhiệm vụ của TP về cơ bản vẫn là một đơn vị hành chính cấp huyện của TP.HCM.

TP.Thủ Đức chưa phát huy được cơ chế đặc thù. Thậm chí đội ngũ cán bộ quá tải nên hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết còn chậm hơn trước. Dù đã gần 3 năm nhưng TP.Thủ Đức chưa phát huy được một phần do chưa có được cơ chế đặc thù và không còn nhiều không gian, quỹ đất để phát triển. Nhưng Nghị quyết 98 đã phân cấp, ủy quyền để có thẩm quyền tương đương TP.HCM, được xác định như TP loại 1 mà không phải tỉnh. Đây sẽ là cơ hội tốt để Thủ Đức phát huy hết lợi thế của mô hình TP trong TP.

Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM)

Anh Hà Bình, một người dân sống tại P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức, cho biết ngày Thủ Đức mới lên TP, anh cũng đã kỳ vọng rất nhiều. Thế rồi sau gần 3 năm gộp từ 3 quận thành TP.Thủ Đức, người dân như anh Bình không thấy được nhiều lợi ích mà ngược lại, nhiều thủ tục hành chính, giấy tờ còn phiền hà hơn. "Khi lên TP, các loại giấy tờ đều phải đi làm lại, rất mất thời gian. Trong khi đó, do mới sáp nhập nên quy trình, con người còn ít, chưa đáp ứng kịp công việc khiến tình trạng hồ sơ trễ hạn tăng hơn so với trước. Việc này khiến không chỉ người dân mà nhiều doanh nghiệp cũng bức xúc về tình trạng chậm giải quyết thủ tục hành chính gây phiền hà, làm mất cơ hội kinh doanh của họ", anh Bình chia sẻ.

Trong hội thảo về TP.Thủ Đức mới đây, ông Trịnh Xuân Thắng (Học viện Chính trị khu vực IV) nói rằng điểm khác biệt lớn nhất của TP.Thủ Đức so với các quận, huyện khác là được tổ chức HĐND, thành lập thêm Phòng Khoa học - Công nghệ, và tăng số lượng phó trưởng phòng của cơ quan chuyên môn trực thuộc lên tối đa 3 người (các quận, huyện khác chỉ được 2 người). 

Nhưng TP.Thủ Đức hiện chỉ có thẩm quyền ngang quận, huyện, chưa phát huy hiệu quả chính quyền TP trong TP. Bởi việc phân cấp, phân quyền từ TP.HCM cho TP.Thủ Đức còn hạn chế. TP.HCM chưa thực hiện việc phân cấp, ủy quyền cho TP.Thủ Đức về các lĩnh vực: thẩm quyền cấp phép đầu tư; thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, chế độ chính sách của cán bộ, công chức... 

Vậy nên, hiện TP.Thủ Đức vẫn phải thực hiện theo thẩm quyền quận, huyện được quy định trong các văn bản của Trung ương. Không chỉ vậy, TP.HCM vẫn chưa phân cấp, ủy quyền cho TP.Thủ Đức quản lý trực tiếp 3 định chế trọng tâm: Khu đại học quốc gia, Khu công nghệ cao, Trung tâm tài chính Thủ Thiêm (khi được thành lập), nên chưa phát huy thế mạnh của "kiềng 3 chân: tri thức, khoa học - công nghệ và tài chính" như mục đích ban đầu đặt ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.