Các khu công nghiệp phát sinh 550.000 tấn chất thải nguy hại mỗi năm

28/03/2024 20:38 GMT+7

Cả nước hiện có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Mỗi năm, các khu công nghiệp trên cả nước phát sinh 550.000 tấn chất thải nguy hại.

Chật vật chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái

Theo tài liệu của Vụ Pháp chế (Bộ TN-MT) gửi tới diễn đàn "Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp (KCN) Việt Nam" ngày 28.3 tại Hà Nội, tính đến ngày 20.2, cả nước có 418 KCN đã thành lập. Trong số này, 298 KCN đã đi vào hoạt động; 120 KCN đang trong quá trình xây dựng.

Các khu công nghiệp phát sinh 550.000 tấn chất thải nguy hại mỗi năm- Ảnh 1.

Toàn cảnh diễn đàn

ĐT

Cả nước có 29 KCN đã đi vào hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. KCN chưa có hệ thống nước thải nằm ở các tỉnh: Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp.

Đáng chú ý, theo Bộ TN-MT, hiện 100% KCN đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường. Hơn 12.200 cơ sở hoạt động trong KCN, phát sinh hơn 4,2 triệu tấn chất thải rắn, trong đó KCN tại vùng Đông Nam bộ chiếm 61,02 %.

Chất thải nguy hại phát sinh từ các KCN hàng năm khoảng 550.000 tấn. Các KCN tại trung du miền núi phía bắc phát sinh nhiều nhất, chiếm 45%.

Trao đổi với Thanh Niên trước đó, TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch lâm thời Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), cho rằng mặc dù hệ thống KCN Việt Nam đã phát triển mạnh thời gian qua, song đến nay vẫn còn một số tồn tại.

Mô hình phát triển KCN còn theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với động lực phát triển chủ yếu dựa vào tiềm năng về đất, chưa xây dựng và phát triển được nhiều mô hình KCN mới như KCN công nghệ cao, KCN sinh thái… để tận dụng được các yếu tố thuận lợi và đáp ứng đòi hỏi của các nhà đầu tư quốc tế về phát triển xanh, bảo vệ môi trường...

Để có thể hướng tới phát triển xanh, bền vững, giải pháp chuyển đổi mô hình tại các KCN là nội dung được nhiều đại biểu chia sẻ tại diễn đàn.

Bà Trần Tố Loan, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ - chủ đầu tư KCN Nam Đình Vũ (Hải Phòng), cho biết KCN Nam Đình Vũ đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang KCN sinh thái. Trong quá trình chuyển đổi, khó khăn đầu tiên gặp phải là nguồn vốn, tài chính. 

"Các KCN chủ yếu phát triển theo giai đoạn, dạng cuốn chiếu. Việc đầu tư đồng bộ hệ thống cần chi phí rất lớn", bà Loan nói. Cạnh đó, bà cũng đề cập vấn đề nhiều quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

"Trong Nghị định 35/2022 quy định về quản lý khu kinh tế, KCN có giới thiệu về mô hình KCN sinh thái. Khi nói về việc KCN tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn, nghị định có đưa ra chỉ tiêu cụ thể là 20% doanh nghiệp trong KCN phải thực hiện các sản xuất sạch hơn.

Nhưng quy định này không nêu cụ thể thế nào là "sạch hơn", hay như thế nào là "sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn". Trong khi để sử dụng tài nguyên sạch hơn, hiệu quả hơn, bản thân KCN và các doanh nghiệp trong khu cũng phải đầu tư nguồn tài chính rất lớn nhằm thay đổi toàn bộ công nghệ, dây chuyền. Không có quy định cụ thể rất khó khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi", bà Loan dẫn ví dụ.

Cần sớm cụ thể hóa tiêu chí khu công nghiệp sinh thái

Theo ông Thắng, Chính phủ đã ban hành Nghi định 35/2022 với các định nghĩa rõ lại các KCN như KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, KCN mở rộng; quy định hướng dẫn chi tiết việc hình thành, quản lý và phát triển các loại hình KCN… Nhưng phát triển các KCN xanh để loại bỏ chất thải và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường thì vẫn còn nhiều khó khăn nhất định.

Bên cạnh đó, vẫn còn các quy định và định hướng phát triển các KCN được đưa ra nhưng nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp quy khác, trong các bộ luật liên quan như đất đai, xây dựng, môi trường và thủ tục hành chính vẫn cần được hoàn thiện hơn.

"Khắc phục được những hạn chế này mới có thể thúc đẩy nhanh việc phát triển các loại hình KCN có hiệu quả cao, theo đúng định hướng phát triển xanh và công nghệ cao đặt ra cho giai đoạn tới", ông Thắng nhấn mạnh.

Đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững KCN tại diễn đàn, bà Virginia Foote, thành viên Ban điều hành AmCham Hà Nội, CEO Bay Global Straegies, cho rằng cần có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp thực thi nghiêm túc, đồng bộ các quy định được đặt ra trong KCN để đạt hiệu quả cao, tránh tình trạng trong cùng cơ sở có doanh nghiệp làm, doanh nghiệp không.

Còn bà Loan thì mong muốn thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đưa ra những quy định cụ thể hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho các KCN cũng như doanh nghiệp trong KCN trong quá trình chuyển đổi.

Trong khi đó, nhiều ý kiến khác tại diễn đàn góp ý cần sớm cụ thể hóa tiêu chí KCN sinh thái với những chính sách ưu đãi cụ thể, nhất là về tiếp cận đất đai, quy hoạch, vốn và KH-CN, trong đó cần cụ thể hóa trách nhiệm các bên liên quan như cơ quan quản lý, chủ đầu tư, chính quyền địa phương...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.