Các nền kinh tế G20 ra sáng kiến phòng chống Covid-19

26/04/2020 11:32 GMT+7

G20 kêu gọi quyên góp để đẩy nhanh việc tiếp cận trang thiết bị cần thiết trong phòng chống Covid-19 .

Hãng Reuters đưa tin các nền kinh tế G20 ngày 26.4 công bố sáng kiến toàn cầu nhằm thúc đẩy việc tiếp cận các trang thiết bị y tế cần thiết nhằm phòng chống Covid-19.
Bộ trưởng Tài chính Ả Rập Xê Út Mohammed al-Jadaan ra thông cáo cho biết G20 đang cố gắng tìm nguồn quỹ 8 tỉ USD đang thiếu hụt trong công tác phòng chống đại dịch. Ả Rập Xê Út hiện giữ vai trò chủ tịch luân phiên của G20.
“G20 sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác toàn cầu trên mọi mặt trận, và quan trọng nhất là về việc lấp đầy khoảng trống tài chính y tế khẩn cấp”, ông Mohammed viết trong thông cáo khi công bố sáng kiến mang tên “Access to Covid-19 Tools Accelerator” (tạm dịch: Tăng tốc tiếp cận các công cụ Covid-19).
Ông Mohammed cảnh báo rằng thời gian và mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên thế giới đang rất khó lường.

[VIDEO] 3 giai đoạn mở cửa kinh tế Mỹ do Tổng thống Mỹ công bố gồm những gì?

Ả Rập Xê Út cam kết đóng góp 500 triệu USD hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó đại dịch. Trong thông cáo, quốc gia này tiếp tục kêu gọi các nước, tổ chức phi chính phủ, mạnh thường quân và lĩnh vực tư nhân đóng góp cho khoản chi phí còn thiếu.
Trước đó vào ngày 24.4, G20 đưa ra cam kết hỗ trợ lĩnh vực du lịch toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ước tính du lịch toàn cầu sẽ sụt giảm 45% trong năm nay.
Các bộ trưởng du lịch G20 cam kết phối hợp trong bối cảnh nhiều nước nới lỏng phong tỏa, giới hạn đi lại và hỗ trợ phục hồi ngành du lịch.
Nhóm G20 gồm Liên minh châu Âu (EU) và các nước Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Đức, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Mexico, Nga, Ả Rập Xê Út, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ.
Cũng liên quan đến tình hình kinh tế trong dịch Covid-19, hãng Bloomberg ngày 26.4 đưa tin các ngân hàng trung ương đang chịu áp lực phải hành động nhiều hơn để đối phó với nguy cơ suy thoái, thậm chí sau khi hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và cam kết chi hàng ngàn tỉ USD mua tài sản.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ triệu tập cuộc họp nhằm tìm hướng giải quyết.
Giới quan sát cho rằng các ngân hàng đang có những lựa chọn gồm tiếp tục nới lỏng định lượng để kích thích kinh tế bằng cách mua trái phiếu cùng những tích sản khác từ các ngân hàng thương mại, nới lỏng cho vay đối với doanh nghiệp gặp khó khăn và cam kết duy trì lãi suất thấp trong thời gian lâu hơn.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins ngày 26.4, thế giới ghi nhận 2.897.645 ca nhiễm Covid-19, với 202.846 ca tử vong và 816.685 ca hồi phục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.