Ngân hàng nào đã bỏ gần 40.000 tỉ đồng mua trái phiếu trước hạn?

07/07/2023 11:38 GMT+7

Số lượng trái phiếu phát hành mới trong quý 2/2023 vẫn giảm mạnh trong khi hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tăng mạnh, trong đó dẫn đầu là nhóm ngân hàng.

Thống kê từ Công ty chứng khoán VnDirect cho thấy, quý 2/2023 số lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới chỉ gần 19.300 tỉ đồng, giảm 34,4% so với quý 1/2023 và giảm đến 83,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tăng mạnh trở lại và dẫn đầu là các ngân hàng.

Cụ thể, tính đến hết 26.6, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn trong quý 2/2023 đạt hơn 62.535 tỉ đồng, tăng 76,8% so với quý 1/2023 và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Riêng giá trị mua lại trái phiếu trước hạn của các ngân hàng tăng vọt với tổng cộng 39.842 tỉ đổng, chiếm 63,7% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn trong quý 2/2023. Trong khi vào quý 1/2023, nhóm này chỉ mua lại trước hạn 330 tỉ đồng. 

Các ngân hàng nào đã mua lại trái phiếu trước hạn trị giá gần 40.000 tỉ đồng? - Ảnh 1.

Nhóm ngân hàng đã chi gần 40.000 tỉ đồng mua lại trái phiếu trước hạn trong quý 2/2023

NGỌC THẮNG

Theo ước tính, có 17 ngân hàng đã công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn trong quý 2/2023. Những nhà băng đã mua lại nhiều nhất như Ngân hàng TMCP Tiên Phong đã mua lại 5.500 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Phương Đông mua lại 5.500 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam đã mua lại 5.000 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mua lại 4.792 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã mua lại 4.500 tỉ đồng…

Báo cáo từ VnDirect cho rằng, nhu cầu tín dụng yếu trong những tháng đầu năm cùng với mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn là điều kiện và động lực để các ngân hàng thực hiện mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành riêng lẻ của mình trong các tháng qua.

Theo thông báo từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến ngày 26.6, có khoảng 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. VnDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các đơn vị này vào khoảng 159.500 tỉ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Trong đó, có khoảng hơn 43.800 tỉ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,6% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm nay. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.