Theo CNN, đây là nỗ lực lớn của các nhà băng trung ương nhằm thúc đẩy tăng trưởng, lạm phát và việc làm. Hơn 9.000 tỉ USD là con số rất lớn, tương đương với giá trị của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ mà Mỹ sản xuất trong sáu tháng.
“Nếu bạn đưa một nhóm các nền kinh tế đến từ năm 2008 tới hôm nay, bảo họ rằng các ngân hàng trung ương đã mua 9.000 tỉ USD tài sản và vẫn đang tìm thêm cách để vực dậy lạm phát, tôi không nghĩ là họ tin bạn đâu”, nhà kinh tế toàn cầu Michael Pearce tại Capital Economics cho hay.
Các ngân hàng trung ương bắt đầu in tiền mới với số lượng lớn khi thế giới sa vào suy thoái. Kế hoạch của họ đơn giản: Bơm thêm tiền vào hệ thống sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay, nhờ vậy chi tiêu hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ nhiều thêm.
Trong giai đoạn bình thường, việc giảm lãi suất để thúc đẩy cho vay là đã đủ. Song với lãi suất thấp kỷ lục trong một số trường hợp, lãi suất âm chưa hiệu quả. Vì thế, các nhà băng tìm đến phương thuốc mạnh hơn và thử nghiệm việc mua trái phiếu để “làm ngập” thị trường với tiền mới. Giới chuyên gia đang chia rẽ trong ý kiến khi nhắc đến sự hiệu quả của cách làm này.
“Có rất ít bằng chứng cho thấy điều này đang gia tăng tốc độ tăng trưởng và lạm phát lên đáng kể”, ông Pearce nói.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bơm 3.900 tỉ USD qua ba vòng mua tài sản. Họ bắt đầu hành động từ tháng 11.2008, không lâu sau khi ngành tài chính toàn cầu chìm vào suy thoái, và tiếp tục cho đến tháng 10.2014.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) theo chân Fed vào tháng 3.2009, thêm vào nền kinh tế 375 tỉ bảng Anh, tương đương 500 tỉ USD, bằng ba vòng kích thích. Họ hồi sinh chương trình vào tháng 8 năm nay sau khi Anh quốc chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đối phó với sự kiện vốn giáng đòn mạnh vào tăng trưởng.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) từng theo chương trình mua trái phiếu trong khoảng thời gian năm 2001 đến năm 2006 để chống giảm phát. Họ bước vào “cuộc đua” hồi tháng 4.2013, mua 2.500 tỉ USD tài sản từ thời điểm đó, theo số liệu từ Capital Economics.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thì mở chương trình kích thích kinh tế của riêng họ vào tháng 3.2015. ECB có kế hoạch mua 1.700 tỉ EUR, tương đương 2.000 tỉ USD, tài sản đến tháng 3.2017. Hôm 8.9, nhà băng nhắc lại rằng họ sẽ bơm nhiều hơn nữa trước thời hạn đó nếu cần.
tin liên quan
JP Morgan: Lãi suất âm tồn tại đến 5 năm tớiNhóm chuyên gia thuộc ngân hàng Mỹ JP Morgan cho hay chính sách lãi suất âm đang được áp dụng sẽ kéo dài đến năm 2021.
Bình luận (0)