Các nguồn vốn vào bất động sản đang bị 'tắc'

28/06/2022 21:47 GMT+7

Đó là nhận định của các doanh nghiệp , chuyên gia tại hội thảo “Dòng tiền và xu thế bất động sản cuối năm 2022” do tạp chí Cafeland tổ chức ngày 28.6.

Dự án khả thi vẫn phải cho vay

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết chưa bao giờ ông cảm nhận được sự khó khăn của thị trường và doanh nghiệp như bây giờ. Nếu dòng tiền được luân chuyển một cách lành mạnh sẽ tạo điều kiện phát triển nền kinh tế. Nhưng hiện nay các dòng tiền đang bị “tắc”.

Hiện có đến 80 - 85% doanh nghiệp phải huy động vốn tín dụng. Vốn tín dụng được xem là bà đỡ của cộng đồng doanh nghiệp tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi Thông tư 39 mới đây, Ngân hàng Nhà nước sử dụng từ “kiểm soát” việc cho vay mua, kinh doanh bất động sản và “kiểm soát” việc cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn.

Việc dùng từ ngữ này đã dẫn đến luồng dư luận cho là Ngân hàng Nhà nước định hướng thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả thắt chặt cho vay để mua bất động sản cao cấp do đây là khoản vay có giá trị lớn. Điều này có thể dẫn đến hệ quả là các tổ chức tín dụng ngại hoặc không dám cho vay đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp và kể cả cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua bất động sản, nhà ở. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Một nguồn vốn nữa là trái phiếu cũng đang gặp khó khăn từ việc siết chặt của Nhà nước. Nhưng theo ông, đây là là cần thiết để việc phát hành trái phiếu riêng lẻ đúng theo quy định.

Nguồn vốn từ khách hàng là nguồn vốn tốt nhất, hiệu quả nhất mà nhà đầu tư không chịu áp lực lãi vay. Có nguồn vốn này sẽ giải quyết được nợ tín dụng, nợ trái phiếu và tạo ra doanh thu lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Các dòng vốn của bất động sản đang bị "tắc"
ĐÌNH SƠN

Tuy nhiên để có được dòng vốn này, doanh nghiệp phải triển khai dự án đúng hẹn. Thực tế cho thấy việc triển khai dự án hiện nay gặp không ít vướng mắc. Hiện nay, người mua đang gặp khó trong tiếp cận vốn vay, vay mua nhà ở xã hội chỉ có thể tiếp cận từ ngân hàng chính sách. Việc khó tiếp cận vốn vay mua nhà ở xã hội khiến nhiều người phải vay ngân hàng thương mại.

Ông Lê Hoàng Châu đề xuất năm 2023, cần xem xét sửa đổi luật đất đai, nhà ở để tạo ra hành lang pháp lý. Việc tháo gỡ chính sách pháp luật nhằm mục đích giúp dòng tiền được luân chuyển. Bên cạnh đó, nếu tháo gỡ được thể chế pháp luật thị trường mới phát triển ổn định và bền vững, dòng tiền luân chuyển được trong nền kinh tế và thị trường. Thị trường có đa dạng nguồn cung nhà ở, từ đó giải quyết bài toán nhà ở cho số đông người dân. Tạo điều kiện cho những người yếu thế tiếp cận được nhà ở xã hội. Ngoài ra, vẫn cần đẩy mạnh phát triển được phân khúc cao cấp, nghỉ dưỡng.

“Chúng tôi đề nghị xem xét lại, theo hướng các dự án bất động sản có tính khả thi, các doanh nghiệp có uy tín, khách hàng được đánh giá cao vẫn được tiếp cận tín dụng, người tiêu dùng có nhu cầu cũng được tiếp cận. Trường hợp có tài sản bảo đảm vẫn nên cho vay”, ông Lê Hoàng Châu đề xuất.

Cần tiếp tục “bơm” tiền

PGS-TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế - y tế… đang diễn ra mạnh mẽ và khi những rủi ro, tai họa đó cộng hưởng sẽ gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến Việt Nam. Thế giới đã có một năm rơi xuống -5% GDP. Đây là “cú ngã” mạnh nhất từ trước tới nay. Nhưng thế giới cũng đứng dậy mạnh mẽ ngay sau đó khi chuyển dịch cấu trúc phát triển toàn cầu.

Để có thể phát triển kịp với thế giới, Việt Nam phải nắm được những bài học “tốc hành”. Đó chính là bài học về toàn cầu hóa, hỗ trợ lẫn nhau, liên kết để cùng tồn tại. Bài học về “luật chơi” là không nên tự cô lập mình. Bài học về “lợi thế đi sau” là sự tích cực phát triển kinh tế số và công nghệ cao để thoát khỏi rủi ro, tận dụng xu thế thời đại. Bài học chuẩn bị năng lực đón đầu xu thế.

Thị trường bất động sản đang đứng trước thời khắc khó khăn chưa từng thấy
ĐÌNH SƠN

Theo dự báo từ các tổ chức quốc tế, tăng trưởng GDP 2022 - 2023 của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên theo thời gian, trong khi kinh tế thế giới vẫn tiếp tục gặp khó khăn với nỗi lo lạm phát.

Việt Nam mấy năm nay kiểm soát lạm phát tốt. Chưa bao giờ Chính phủ Việt Nam có năng lực kiểm soát ổn định vĩ mô và lạm phát tốt như bây giờ. Câu chuyện của chúng ta là tình thế bất thường phải xử sự theo nguyên tắc khác thường. Chính vì vậy, việc "bơm" tiền vẫn phải tiếp tục, những "đòn" nào có thể kéo lạm phát phải "tung" ra hết.

“Phải tiếp tục câu chuyện bơm tiền cho nền kinh tế trên tình thần phục hồi và phát triển, không phải rón rén, ngắt quãng, đợi gục rồi lại bơm tiếp. Chúng ta phải nhân cơ hội thế giới đang loạng choạng mà đứng lên nhanh hơn, vững vàng hơn. Không chỉ có khát vọng mà còn phải có tầm nhìn”, TS Trần Đình Thiên nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.