Trong báo cáo “Tìm hiểu các biện pháp ứng phó hiệu quả trong giáo dục phòng ngừa đối với những thử thách trực tuyến nguy hiểm” do tiến sĩ Zoe Hilton (Praesidio Safeguarding) thực hiện, với sự đóng góp của Giáo sư Gretchen Brion-Meisels và Bác sĩ Richard Graham vào tháng 11.2021 đã kết luận: 56% phụ huynh cho rằng họ sẽ không nhắc đến một thử thách hoặc trò lừa bịp cụ thể trừ khi có trẻ đề cập đến vấn đề đó trước; 50% giáo viên cảm thấy trường học không có đủ kiến thức và tài nguyên để xử lý các trò lừa bịp một cách hiệu quả.
Điều này cho thấy, hiện nay một bộ phận ba mẹ và thầy cô đã và đang có tâm lý e ngại, chưa rõ ràng trong vai trò can thiệp tới quá trình trao đổi về các rủi ro có thể xảy ra trên môi trường mạng cùng con. Trong khi đó, ba mẹ là người đã chăm sóc, bảo vệ con ngay từ khi còn trong bụng mẹ, đến khi chào đời, đến ít nhất 18 tuổi (khi kết thúc độ tuổi thanh thiếu niên) và chính là lá chắn đầu tiên, người đầu tiên hướng dẫn, hoặc làm gương để đồng hành cùng con trên môi trường mạng.
Do đó, Thanh niên xin được chia sẻ lời khuyên về Các Nguyên tắc đồng hành cùng con trên môi trường mạng của ThS Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) - Thành viên Hội đồng Cố vấn An toàn châu Á - Thái Bình Dương của TikTok - nhằm giải đáp thắc mắc của các bậc phụ huynh trong quá trình trao đổi và nuôi dạy các công dân số trong thời đại 4.0.
CÁC NGUYÊN TẮC ĐỒNG HÀNH
Nguyên tắc 1: Tôn trọng khi con có nhu cầu tiếp cận và kết nối trên không gian mạng
Ngày nay, việc thanh thiếu niên, đặc biệt là độ tuổi từ 13-18 tuổi có nhu cầu rất cao trong tiếp cận và kết nối trên không gian mạng. Việc này là một trong những mối bận tâm đối với các bậc phụ huynh, bởi lẽ thanh thiếu niên là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm để bảo vệ bản thân trên không gian mạng. Lo lắng là dễ hiểu, tuy nhiên, thay vì có những hành động cấm cản, phụ huynh cần tôn trọng nhu cầu và quyền sử dụng internet của con và biết cách đồng hành, bảo vệ con trước những rủi ro đó. Phụ huynh có thể bắt đầu bằng cách tự trang bị những kiến thức an toàn trực tuyến cho chính bản thân và gia đình.
Chúng ta cũng cần biết rằng, con em chúng ta có quyền sử dụng internet và Việt Nam cũng có rất nhiều chính sách và văn bản pháp lý, chương trình đề ra các giải pháp nhằm thấu hiểu và bảo vệ an toàn cho thanh thiếu niên. Cụ thể Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin năm 2015, Luật An ninh mạng 2018... đã được ban hành với nhiều quy định về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đặc biệt, Luật An ninh mạng - Điều 29 quy định rõ về việc Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - Thanh thiếu niên có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác trên không gian mạng.
Nguyên tắc 2: Đồng hành cùng con càng sớm càng tốt và theo dõi sự phát triển tâm sinh lý của con
Phụ huynh cần đồng hành cùng con càng sớm càng tốt, đặc biệt là dõi theo từ lúc con bắt đầu tiếp cận với môi trường mạng, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Không bao giờ là sớm hay muộn để bắt đầu hành trình này. Hãy thử trò chuyện với con về các vấn đề an toàn trực tuyến một cách tự nhiên, như là hỏi thăm con về các việc xảy ra trong ngày và cùng con tìm hiểu về cách sử dụng mạng đúng cách và an toàn.
Thấu hiểu tâm lý và sự phát triển của con cũng là một cách thức để đồng hành vì mỗi thanh thiếu niên sẽ có một tính cách và quá trình phát triển riêng biệt. Trong Tâm lý học đã chỉ ra các giai đoạn phát triển theo độ tuổi để ba mẹ có thể tham khảo và lựa chọn phương pháp phù hợp đồng hành cùng con.
Phối hợp với các tổ chức và phụ huynh trong việc giúp thanh thiếu niên trở thành công dân mạng có trách nhiệm và biết cách bảo vệ bản thân cũng là việc vô cùng quan trọng đối với các nền tảng. Chẳng hạn như nền tảng TikTok đã có những sáng kiến như ra mắt tính năng an toàn như Family Pairing - Gia đình Thông minh để ba mẹ có thể bắt đầu đồng hành cùng con ngay từ khi con sử dụng TikTok, cùng con tìm hiểu và khám phá theo sở thích, tâm sinh lý của con. Phụ huynh ngoài việc có thể quản lý thời gian mà con sử dụng nền tảng còn có thể tạo nên các cuộc trò chuyện cởi mở trong gia đình về cách cả gia đình sử dụng internet một cách có trách nhiệm để bảo vệ chính bản thân mỗi cá nhân và cả gia đình.
Nguyên tắc 3: Tôn trọng quyền riêng tư, quyền tham gia của con
Thanh thiếu niên có quyền riêng tư, quyền lên tiếng, và tham gia. Ví dụ con có thể không cho ba mẹ biết mật khẩu của mình; có thể thỏa thuận với ba mẹ về thời gian mình muốn sử dụng mạng; cũng như có thể cùng thảo luận đưa ra các giải pháp, cách thức để bảo vệ bản thân và gia đình an toàn trên môi trường mạng. Nếu muốn con thoải mái chia sẻ các vấn đề trên không gian mạng, phụ huynh cần khám phá thêm các mẹo, công cụ an toàn hữu ích được cung cấp bởi các nền tảng. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc thể hiện sự quan tâm đến nhu cầu cá nhân khi sử dụng mạng. Hơn thế nữa, việc truyền đạt hay hướng dẫn cũng mang đến cho con cảm giác ba mẹ có nghiên cứu và tôn trọng nhu cầu của con. Việc tôn trọng con, thúc đẩy sự tham gia, đưa ý kiến, quyết định của con sẽ giúp con làm chủ các năng lực kỹ thuật số cần thiết, trở thành những công dân số chuẩn.
Nguyên tắc 4: Chia sẻ, học hỏi cùng con và cùng thảo luận các thoả thuận về quy tắc sử dụng mạng hợp lý trong gia đình
Hiện nay, rất nhiều thanh thiếu niên bắt đầu hành trình sáng tạo từ năm 13 tuổi và được giới thiệu hàng loạt những ứng dụng để tải xuống. Đây sẽ là thời điểm quan trọng để gia đình và thanh thiếu niên cùng trao đổi những kiến thức số cũng như các hoạt động trực tuyến.
Thực tế phần lớn thanh thiếu niên có thể sẽ giỏi hơn ba mẹ về mảng công nghệ, tuy nhiên ba mẹ vẫn luôn là người có “vốn sống”, kinh nghiệm nhiều hơn để có thể chia sẻ với con về mọi mặt. Ví dụ cụ thể, một mặt, con có thể giỏi kỹ thuật hơn ba mẹ, có thể hướng dẫn ba mẹ cách sử dụng internet an toàn, cách cài đặt mật khẩu mạnh, cảnh báo đăng nhập, bảo vệ 2 lớp và cài đặt riêng tư, v.v. Tuy nhiên, việc giỏi kỹ thuật không đảm bảo con biết cách xử lý khi có các “sự cố" xảy ra, hoặc con có thể kiểm soát các rủi ro trên mạng khác như chia sẻ quá mức những thông tin cá nhân riêng tư chẳng hạn - việc này sẽ dễ dàng dẫn đến những hậu quả tiêu cực không lường trước, như bị lừa đảo, bị theo dõi, bị nhắn tin quấy rối,...
Chính vì vậy, từ việc nhận thức, quan sát và nghiên cứu những thói quen hoạt động trực tuyến của con, những tình huống rủi ro trên không gian mạng, ba mẹ có thể cùng con thảo luận giả định các tình huống, cách giải quyết, giải pháp,... Việc này sẽ giúp cả nhà học được cách thức tư duy phản biện và có kỹ năng tốt hơn khi xử lý tình huống với các rủi ro xảy ra với con khi đang lướt mạng.
Các nền tảng trực tuyến như TikTok đã và đang trở thành một điểm đến lý tưởng cho các gia đình kết nối, giải trí và cập nhật thông tin. Hướng đến việc đem đến trải nghiệm an toàn cho các gia đình trên nền tảng, trong những năm qua, TikTok đã thực hiện không ít các biện pháp để cải thiện và phát triển các chính sách quản lý, tài nguyên giáo dục. Một trong những giải pháp an toàn của họ đã nhận được sự đồng tình lớn từ các gia đình đó chính là tính năng Family Pairing (Gia đình Thông minh). Theo đó, với tính năng Gia đình Thông minh, các bậc phụ huynh và thanh thiếu niên có thể linh hoạt điều chỉnh các cài đặt an toàn dựa trên nhu cầu cá nhân khi sử dụng TikTok. Cụ thể, tính năng này cho phép các bậc phụ huynh liên kết tài khoản TikTok với tài khoản khoản của con em mình và thiết lập các điều khiển khác nhau như: Quản lý thời gian truy cập, Chế độ hạn chế, Tin nhắn trực tiếp (chỉ dành cho người dùng trên 16 tuổi). Tuy nhiên, trước khi sử dụng tính năng này, ba mẹ nên giải thích rõ ràng với con vì sự chân thành sẽ xây dựng niềm tin và nuôi dưỡng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Không chỉ có Gia đình Thông minh, TikTok còn cung cấp những công cụ an toàn khác để hỗ trợ người dùng trong quá trình này, bao gồm các thông tin về an toàn và thông tin dành cho phụ huynh và người giám hộ, chẳng hạn như Top 10 bí kíp dành cho các bậc cha mẹ. TikTok cũng khuyến khích các bậc phụ huynh truyền đạt cho con thêm những kiến thức về quy tắc ứng xử được nêu trong Tiêu chuẩn Cộng đồng, qua đó giúp con có cái nhìn sâu sắc về trách nhiệm đối với các hành vi xã hội, cách xác định và báo cáo nội dung vi phạm, đồng thời làm thế nào để trở thành một thành viên tích cực trên nền tảng trực tuyến.
Nguyên tắc 5: Hướng dẫn con tiếp cận sự hỗ trợ khi cần thiết
Hãy thiết lập các vòng tròn an toàn cho con. Để con biết nếu con cần sự hỗ trợ, ba mẹ và thầy cô là những người gần gũi nhất sẽ luôn ở xung quanh và sẵn sàng giúp đỡ con. Bên cạnh đó, còn có các cơ quan chức năng, Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 và Mạng lưới Ứng cứu Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Nếu con gặp khó khăn, đừng ngại ngần tìm kiếm sự giúp đỡ.
Nguyên tắc 6: Thể hiện sự sẵn sàng giúp đỡ để có được lòng tin từ con trẻ
Đây sẽ là nguyên tắc vô cùng quan trọng. Hãy đảm bảo rằng con biết ba mẹ sẽ luôn sẵn sàng ở bên cạnh đồng hành cùng mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đừng đóng vai “cảnh sát” truy hỏi, hay “quan tòa” phán xét các hành vi của con. Những cách làm này sẽ chỉ khiến con xa cách ba mẹ và không tìm ba mẹ để được hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết.
Nếu không may con gặp các rủi ro và chia sẻ với ba mẹ, hãy cùng tìm cách giải quyết. Ba mẹ đừng xem nhẹ vấn đề, cũng đừng phóng đại vấn đề và phản ứng thái quá, làm con sợ hãi hoặc không muốn tiếp tục chia sẻ với chúng ta. Đôi khi, vấn đề không nghiêm trọng như chúng ta tưởng, hãy bình tĩnh cùng con suy nghĩ giải pháp khi có những rủi ro hay nguy hại xảy ra và cùng thảo luận các giải pháp. Hãy cho con biết, ba mẹ ở đây để hỗ trợ, giúp đỡ con bất cứ khi nào con cần.
Bình luận (0)