Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2023), họa sĩ Lê Sa Long vừa kịp hoàn thành tranh chân dung các nhà báo lớn mà ông đã được tiếp xúc ngoài đời và rất ngưỡng mộ như: Sơn Nam, Nam Đồng, Lê Văn Nghĩa, Kim Hạnh...
Tính đến nay họa sĩ Lê Sa Long đã vẽ hơn 100 chân dung nhà báo bằng sơn dầu, màu nước , pastel… và dự định đến 2025 - kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam ông sẽ mang ra triển lãm.
Họa sĩ Lê Sa Long tâm sự: “Trong lúc xã hội còn nhiều điều phải hoàn thiện, tôi thực sự cảm ơn các nhà báo chân chính đã phản ánh trung thực cuộc sống, trong lúc khó khăn vẫn lấp lánh những điều thiện lành. Những bài viết của các nhà báo làm cho tôi thêm yêu đời hơn, tin tưởng hơn vào cuộc sống hôm nay”.
Họa sĩ Lê Sa Long rất ngưỡng mộ nhà báo lão thành Hữu Thọ - nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1995-2001)... Ông làm báo chuyên nghiệp từ năm 1957, là cây bút phóng sự điều tra về nông nghiệp, nông thôn và tiểu phẩm thế sự có dấu ấn trong lòng bạn đọc. Ông nghỉ hưu năm 2007 nhưng vẫn tiếp tục viết báo, giữ chuyên mục Chuyện làm ăn, Bàn góp sự đời trên báo Nhân Dân cuối tuần với bút danh Nhân Nghĩa...
Tiếp đó là nhà báo Nam Đồng, từng làm Báo Tuổi Trẻ, rồi 12 năm là Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM. "Tôi ấn tượng với lời ông nhắn nhủ đến lớp nhà báo, phóng viên, rằng: "Làm báo phải tử tế vì nó tác động xã hội ghê gớm lắm. Công lớn mà tội cũng lớn”, họa sĩ Lê Sa Long kể.
Sau khi nghỉ hưu, nhà báo Nam Đồng cùng bạn bè mở chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười. Chỉ với 2.000 đồng/suất cơm, chuỗi quán cơm Nụ Cười trở thành những địa chỉ yêu thương dành cho người lao động nghèo, người có thu nhập thấp.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên thì gây ấn tượng mạnh họa sĩ Lê Sa Long bằng Giải bóng đá Thanh Niên Sinh viên Việt Nam. "Từ ý tưởng ấp ủ đã lâu, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn đã tạo ra sân chơi hấp dẫn cho các bạn sinh viên. Đó là sự thúc đẩy mạnh mẽ, đầy quyết tâm để tạo ra một sân chơi bóng đá được tổ chức chuyên nghiệp, quy mô, văn minh cho sinh viên Việt Nam. Vì vậy mà sau khi giải bóng đá kết thúc mỹ mãn mới đây, tôi liền bắt tay vào vẽ chân dung nhà báo tài hoa này", họa sĩ Lê Sa Long bộc bạch.
Nói về lý do kỳ công vẽ nhà báo Vũ Kim Hạnh - "người phụ nữ đỡ đầu" cho hàng Việt, họa sĩ Lê Sa Long tiết lộ: "Ở tuổi ngoài lục tuần, bà vẫn hằng ngày trăn trở cho tương lai hàng Việt trong thương mại toàn cầu, mong muốn hàng Việt phát triển bền vững trong nền kinh tế xanh, đảm bảo tối ưu hóa tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học trong thế giới đầy biến động nên tôi muốn vẽ chân dung của bà".
Còn nhà báo Lê Văn Nghĩa - nhà văn trào phúng nổi tiếng của Sài Gòn là cây bút tận tụy, chuyên nghiệp, một tấm gương lao động nghề nghiệp có nhiều kỷ niệm với họa sĩ Lê Sa Long
Ông Nguyễn Minh Nhựt, từng là Tổng biên tập - Giám đốc NXB Trẻ viết: "Dù viết văn hay báo, anh tra cứu các nguồn tư liệu rất kỹ lưỡng. Anh luôn đào sâu nghiên cứu, viết điều gì là chắc điều đó".
Theo họa sĩ Lê Sa Long, mảng văn của nhà báo Lê Văn Nghĩa có phong cách ngôn ngữ đối thoại đời thường đậm đặc chất Sài Gòn, giọng kể nhẹ nhàng, tưng tửng của một văn phong miền Tây Nam bộ. Khi đọc tác phẩm của Lê Văn Nghĩa, có cảm giác đọc tác phẩm của một nhà phong tục học. Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như một cuốn phim tư liệu.
Khi vẽ chân dung các nhà báo, niềm vui sướng nhất của họa sĩ Lê Sa Long là nhiều nhà báo đã thích thú lấy tranh về làm avatar cho trang Facebook cá nhân, hoặc làm bìa sách trong tác phẩm mới của mình. Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã dùng tranh vẽ của ông giới thiệu trong tác phẩm Nguyễn Việt Chiến - Thơ và Trường ca ( NXB Hội Nhà văn), vừa ra mắt đầu năm 2023.
Họa sĩ Lê Sa Long (sinh tại Sa Đéc, quê quán Bình Định)
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 1999
Hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Thành tích đạt được: Giải Mai vàng (Báo Người Lao động) dành cho tác phẩm Văn hóa nghệ thuật xuất sắc năm 2021. Giải nhất lĩnh vực Mỹ thuật của cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật đề tài phòng chống Covid-19 năm 2022, với chủ đề Chung một niềm tin chiến thắng.
Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về bộ tranh Sài Gòn trong thời giãn cách. Giải nhất Chân dung ký họa màu nước do Hội Mỹ thuật TP.HCM và Công ty giấy Mỹ thuật Canson (Pháp) đồng tổ chức năm 1999 tại TP.HCM; Giải nhì cuộc thi Vẽ về đất nước con người Roumani nhân kỷ niệm 100 năm Quốc khánh Roumani (1.12.1918 - 1.12.2018) do Lãnh sự quán Roumani tại TP.HCM tổ chức (1.2019).
Họa sĩ có tranh sưu tập cá nhân trong và ngoài nước như: Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore...
Họa sĩ Lê Sa Long nặng nợ ân tình với các nhà báo
Có một câu chuyện rất thú vị là cách đây gần 30 năm. Vào năm 1994, họa sĩ Lê Sa Long khi ấy thi và đỗ thủ khoa Đại học Mỹ thuật TP.HCM (niên khóa 1994- 1999) và anh đã vinh dự được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên.
Nhờ có sự quan tâm kịp thời này của các nhà báo Thanh Niên trở thành động lực thúc đẩy giúp ông cố gắng vượt qua mọi khó khăn, chăm học phấn đấu trong công việc và nghề nghiệp để ông trở thành nhà giáo - họa sĩ chuyên nghiệp như hôm nay.
Vì thế mỗi khi bán được tranh, họa sĩ Lê Sa Long đều trích gởi tặng Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên để nhằm hỗ trợ cho các em sinh viên nghèo học giỏi, giống hoàn cảnh của ông một thời. Ngoài ra, ông còn thích vẽ chân dung các nhà báo như một phần đáp đền những ân tình sâu nặng ấy.
Bình luận (0)