Ngày 2.2, Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất khai mạc long trọng tại Hạ Long (Quảng Ninh). Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN và ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chủ trì lễ kéo cờ thơ của 26 nước và vùng lãnh thổ tham gia liên hoan thơ.
Sau lễ khai mạc, gần 200 nhà văn, nhà thơ trong và ngoài nước đã tới dâng hương tại núi Bài Thơ, Hòn Gai - nơi khắc bài thơ của thi sĩ - nhà vua Lê Thánh Tông cách đây hơn 500 năm, và làm lễ thả những câu thơ hay của các nhà thơ VN từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 20 như: Lê Thánh Tông, Trịnh Cương, Hồ Xuân Hương, Huy Cận, Sóng Hồng, Tế Hanh, Chế Lan Viên…
|
Chiều cùng ngày, tại Hạ Long đã diễn ra hội thảo “Thơ ca vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, đoàn kết, hợp tác, hữu nghị và phát triển”. Trong tham luận về thi ca của mình, nhà thơ tiến sĩ Sukrita Kuma (Ấn Độ) cho rằng: “Chỉ đọc thơ thôi là độc giả có thể hiểu được một cách sâu sắc không chỉ bản thân nhà thơ mà còn cả một nền văn hóa. Dòng chảy của các trào lưu văn hóa, của các huyền tích và biểu tượng sẽ dễ dàng băng qua những biên giới chính trị và sắc tộc. Cơ hội để kết nối và lắng nghe thơ của các bạn bè đang đến. Đó có thể là cách tốt nhất để phát triển những liên kết sâu sắc trong chính chúng ta trên con đường đạt đến văn minh”. Phân tích về thơ và toàn cầu hóa, nhà thơ Nga Nikolai Preiaxlop nhận định: “Giữ gìn thơ ca dân tộc có nghĩa là bảo tồn tâm hồn của chính nhân dân, bởi vì chính trong thơ ca đã in dấu các truyền thống sinh hoạt và nghi lễ của nhân dân, những bài ca, những anh hùng ca, huyền thoại và đạo lý nhiều thế kỷ của cha ông”.
Tối 2.2 cũng đã diễn ra “Đêm thơ Quốc tế” tại Quảng Ninh với sự tham dự của nhiều nhà thơ trong nước và quốc tế. Hôm nay, liên hoan thơ tiếp tục phần hội thảo.
Việt Chiến
Bình luận (0)