Các nhà văn trẻ tiết lộ bí quyết sáng tác và xuất bản sách

23/02/2022 14:53 GMT+7

“Làm thế nào để viết một tác phẩm và xuất bản một cuốn sách" là một trong những chương trình mở màn cho Hội sách Xuyên Việt tại buổi giao lưu với tác giả - nhà báo Trung Nghĩa và hai nhà văn trẻ Phương Huyền, Hồ Huy Sơn.

Sáng 23.2 tại Sân khấu A - Đường sách TP.HCM buổi giao lưu giữa nhà văn trẻ với độc giả và các bạn học sinh - sinh viên mê văn chương diễn ra sôi nổi qua cách trình bày hóm hỉnh của nhà văn – nhà báo Trung Nghĩa, tác giả viết nhiều tác phẩm rất được bạn đọc yêu thích: Sydney yêu thương, Bí mật ở Cannes, Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl…, cùng MC duyên dáng Đặng Trần Giáng Ngọc.

Tác giả - nhà báo Trung Nghĩa (trái) tại buổi giao lưu

NVCC

Tác giả Trung Nghĩa vừa là một nhà văn, nhà báo năng nổ. Anh có nhiều kinh nghiệm trong việc tác nghiệp các sự kiện quốc tế lớn như Liên hoan phim Cannes, giải vô địch bóng đá thế giới FIFA World Cup, giải vô địch bóng đá châu Âu EURO Cup trong 20 năm qua. Ngoài viết báo, anh còn có các đầu sách về văn hóa thể thao, trải nghiệm về du ký như: Phim và diễn viên Hàn Quốc được yêu thích, Đường đến thánh đường World Cup và hiện công tác tại NXB Trẻ TP.HCM.

"Nghề viết là tắm trong chữ nghĩa"

Tác giả Trung Nghĩa tâm sự: “Người có tác động mạnh đến sự nghiệp viết văn của tôi là thầy Nguyễn Nhật Ánh. Trước đây khi có dịp gặp, tôi từng tò mò, dò la hỏi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, rằng: 'Làm thế nào để viết ra được một tác phẩm', anh ấy nói một điều hết sức đơn giản: 'Cứ ngồi vào bàn và viết thôi'. Câu trả lời tưởng chừng đơn giản nhưng đó là một điều quan trọng, là muốn có tác phẩm phải bắt tay vào viết. Học ở trường, nếu cơ bản như bài tập làm văn có mở bài, thân bài và kết luận. Tuy nhiên, để viết một tác phẩm đòi hỏi các bạn phải phát triển nhiều điều: phong cách, sử dụng từ ngữ, bố cục, tiêu chuẩn viết. Tác phẩm hay luôn phải có những cao trào và khi nào khép lại câu chuyện ấy là cả một nghệ thuật”.

Sân khấu A Đường sách TP.HCM sáng 23.2

Các bạn trẻ đặt câu hỏi với các khách mời

Nhiều bạn hỏi về việc muốn xuất bản sách

NVCC

Cũng theo tác giả Trung Nghĩa: “Viết sách cần chuẩn bị bố cục, dàn ý trước, chủ đề, làm sao giúp cho bạn đọc chú ý câu chuyện của các bạn. Trong nhiều tác phẩm tác giả biết gây… thương nhớ bằng các chi tiết, và có khi thần tượng nhân vật người đọc yêu thích từ chi tiết nhỏ nhặt. Đặc biệt, tác phẩm nào cũng cần gởi gắm thông điệp qua câu chuyện mình kể. Ngoài ra, tùy sức mình có thể lựa chọn viết về sách trữ tình, trinh thám hay truyện thiếu nhi…

Tiếp lời Trung Nghĩa, nhà văn Phương Huyền cho rằng: “Hiện nay cơ hội mở ra cho ai cũng có thể yêu thích văn chương. Cho tới thời điểm này, Huyền xuất bản hơn 10 quyển sách và đang công tác tại VOH với chương trình Cửa sổ văn học. Bản thân bắt đầu viết từ thời học sinh. Nếu nói về việc viết thì phải nói về đam mê. Ngay từ cấp 2 Huyền đã đam mê viết văn, hồi đó nghe nhiều nhất là chương trình đọc truyện văn nghệ thiếu nhi trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nghe suốt".

"Người có tác động mạnh đến sự nghiệp viết văn của tôi là thầy Nguyễn Nhật Ánh", tác giả Trung Nghĩa tâm sự

Nhà văn trẻ Hồ Huy Sơn (trái) và Phương Huyền (giữa) cùng tác giả Trung Nghĩa

NVCC

Nhà văn Phương Huyền trầm ngâm: "Lúc đó ở quê ít sách báo, nhớ báo Mực tím cầm trên tay ố vàng nhưng không bỏ, từ đó tôi ao ước có bài thơ hay tùy bút được đăng. Khi vào TP.HCM làm quen với Văn học tuổi xanh, rồi tác phẩm được phát sóng nên lấy nó làm động lực. Ra trường, công việc làm phóng viên mang lại rất nhiều chất liệu. Vì trên hành trình đó, tôi gặp nhiều con người, nhiều công việc, câu chuyện. Đôi khi có những người đến tìm mình và kể, trở thành chất liệu mình sáng tác. Thực sự chất liệu sáng tác ở quanh ta nhiều lắm. Người viết cần phải quan tâm, quan sát, thấu hiểu và quan trọng nhất là biết phát hiện".

Riêng với Hồ Huy Sơn, viết văn từ khá lâu khi năm 15 tuổi. Giờ anh có trong tay hơn 10 đầu sách nhưng viết về tản văn, thơ, truyện ngắn vẫn luôn cảm giác tươi mới. “Yếu tố quan trọng nhất trước tiên vẫn là đam mê. Ngày xưa tôi ở tỉnh nghèo xa xôi, đọc báo thấy thích rồi viết và gửi đăng. Để ra tập sách, thông thường tôi thường xuyên sáng tác các tản văn hay truyện ngắn đăng trên báo, thấy đủ đầy thì gom lại, gửi nhà xuất bản (NXB) hoặc đơn vị phát hành. Qua nhiều công đoạn thì bản thảo chỉnh chu, biên tập đọc thẩm định, tốt thì ký hợp đồng đầu tư, NXB dàn trang, xin giấy phép rồi đi in. Các bạn nên thử vì sau thời gian chờ đợi, sách xuất bản sẽ là một niềm vui lớn, mỗi loại sách ra đời sẽ mang một niềm vui khác nhau cho mình”, nhà văn trẻ Hồ Huy Sơn đúc kết kinh nghiệm.

Trung Nghĩa, tác giả viết nhiều tác phẩm rất được bạn đọc yêu thích: Sydney yêu thương, Bí mật ở Cannes, Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl...

NXB

Theo nhà văn trẻ Trung Nghĩa, muốn có được tác phẩm hay cần có sự cần cù và... thông minh. “Trải qua nhiều quá trình thẩm định, biên tập, không có bất kỳ giới hạn cho tác giả sáng tạo, chỉ cần duy nhất là phù hợp phong cách của NXB đó và tuân theo quy định pháp luật. Khi tác giả càng sáng tạo càng nhanh “lọt mắt xanh” của biên tập viên. Nghề viết là tắm trong chữ nghĩa (câu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh). Hằng ngày, hằng giờ, chúng ta hãy ghi nhật ký, trải lòng qua status, giúp mọi thứ nhẹ nhàng hơn và tăng cường kỹ năng viết sách cho mình.”, tác giả Sydney yêu thương đề nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.