Trong cả 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước, Việt Nam đều không có cơ hội tham gia. Đây là cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên Việt Nam có mặt ngay từ đầu. Vậy một nước có nền tảng công nghiệp thấp như Việt Nam, nguồn lực con người kỹ năng cao còn yếu như Việt Nam có cơ hội để “sánh vai” với các cường quốc công nghiệp trong cuộc cách mạng lần này không?
Trả lời câu hỏi trên của Thanh Niên tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) sáng 12.9, Quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, cho rằng tương lai không phụ thuộc vào quá khứ. Các cuộc cách mạng công nghiệp như một bước ngoặt mà với cuộc cách mạng này, các quốc gia đang phát triển không có quá nhiều hạ tầng và kinh nghiệm của những cuộc cách mạng công nghiệp trước đó sẽ có ít gánh nặng trên vai hơn, và có thể phát triển nhanh hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, cuộc cách mạng này không quá nặng về cách mạng công nghệ mà liên quan nhiều hơn đến cách mạng chính sách. Do đó, các quốc gia không có một khung khổ pháp lý quá mạnh mẽ sẽ linh hoạt hơn để đón nhận những mô hình mới, những chính sách mới, do đó, các quốc gia đang phát triển có nhiều cơ hội hơn.
Đến với WEF ASEAN năm nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết ông mang đến một số ý tưởng về “một ASEAN”, “ASEAN phẳng” mà ở đó không có khoảng cách và không có chênh lệch, để mọi người đều thấy ASEAN là nhà của mình.
Các sáng kiến này đã được quyền Bộ trưởng nêu cụ thể tại phiên họp ASEAN Số (Digital ASEAN) chiều 11.9.
Thứ nhất là sáng kiến “ASEAN - Roam Like Home”: Nhằm tăng cường kết nối khu vực thông qua việc giảm mạnh cước chuyển vùng quốc tế thông tin di động, hướng tới mục tiêu người dân ASEAN chỉ phải trả phí chuyển vùng quốc tế trong phạm vi ASEAN như ở nhà.
|
Thứ 2 là thành lập Đại học thực nghiệm ASEAN 4.0: Để hiện thực hóa được mục tiêu đào tạo 4.0, cần có sự hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp trong công tác đào tạo. Việt Nam mong muốn hợp tác với các nước ASEAN và các doanh nghiệp thành viên WEF để thành lập Đại học thực nghiệm ASEAN 4.0 (Digital ASEAN 4.0 University Model Labs).
Đây sẽ là nơi các nước ASEAN thực nghiệm và thực hiện sử dụng công nghệ 4.0 trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.
Thứ 3 là xây dựng Mạng lưới chia sẻ nguy cơ mất an toàn thông tin chung cho ASEAN: Trung tâm này sẽ là nền tảng kết nối các cơ quan, tổ chức liên quan của các quốc gia thành viên, cung cấp, chia sẻ thông tin hai chiều về nguy cơ, rủi ro tấn công mạng.
Trung tâm này thể hiện nỗ lực chung tay bảo vệ chủ quyền không gian mạng của ASEAN để mọi hệ thống, mọi kết nối và mọi công dân được đảm bảo an toàn.
Ông Hùng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đảm bảo hỗ trợ về hạ tầng và nền tảng phục vụ hoạt động của mạng lưới. Ông cũng kêu gọi ASEAN chung tay triển khai các sáng kiến trên, và nhấn mạnh nếu thực hiện được các sáng kiến này, ASEAN sẽ là nơi đầu tiên trên thế giới trở nên phẳng.
Bình luận (0)