Các nước tuyển sinh ĐH ra sao, có xét tuyển sớm như Việt Nam?

14/08/2024 06:06 GMT+7

Tùy theo hệ thống giáo dục, mỗi nước có một cách tuyển sinh ĐH riêng, song phương thức chủ đạo vẫn dựa trên kết quả học tập của những năm phổ thông (GPA) hay của các kỳ thi chung, kỳ thi chuẩn hóa.

Tại VN, xét tuyển sớm là khái niệm dùng để chỉ việc các trường ĐH tuyển sinh một số chỉ tiêu nhất định dựa trên điểm học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực... trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức diễn ra. Nhìn trên bình diện thế giới, một số quốc gia cũng có hình thức ưu tiên, như tuyển thẳng học sinh (HS) có thành tích xuất sắc, mở kỳ xét tuyển sớm trước kỳ xét tuyển thông thường.

ĐA DẠNG CÁCH TUYỂN SINH

Ở châu Á, một số quốc gia có tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH toàn quốc tương tự VN như Trung Quốc (gaokao), Hàn Quốc (suneung) và Nhật Bản (kyōtsū, trước đây gọi là sentā shiken). Với HS bản địa, kết quả các kỳ thi này có thể là "cánh cửa" quan trọng vào ĐH trong nước hoặc là một trong những lựa chọn bên cạnh các phương thức khác. Tại các trường ĐH đặc thù hoặc tốp đầu, thí sinh (TS) có thể phải thi năng khiếu, phỏng vấn... để đủ điều kiện xét tuyển.

Các nước tuyển sinh ĐH ra sao, có xét tuyển sớm như Việt Nam?- Ảnh 1.

Học sinh trung học ở New Zealand. Đây là một trong nhiều nước dựa trên điểm của các chương trình phổ thông, sau phổ thông hoặc thi chuẩn hóa để làm căn cứ xét tuyển ĐH

NGỌC LONG

Theo Trung tâm thông tin công nhận học thuật Hàn Quốc (KARIC) trực thuộc Hội đồng Giáo dục ĐH Hàn Quốc, nước này hiện có 2 kỳ xét tuyển là xét tuyển sớm (susi) và xét tuyển thông thường (jeongsi). Ở kỳ xét tuyển sớm, HS được đánh giá dựa trên điểm học bạ, bài luận, hoạt động ngoại khóa, thi thực hành... Còn ở kỳ xét tuyển thông thường, điểm thi suneung là yếu tố then chốt.

Một xu hướng quan trọng trong tuyển sinh ĐH ở Hàn Quốc là HS ngày càng quan tâm đến kỳ xét tuyển sớm, chiếm khoảng 3/4 tổng số TS những năm gần đây. Cụ thể, dữ liệu từ Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy có 262.378 TS trúng tuyển ở kỳ xét tuyển sớm năm 2022, chiếm tỷ lệ 75,7%. Con số này tăng thành 78% vào 2023 và lên tới 79% vào 2024, dù tổng số TS qua các năm không chênh lệch quá 5.000.

Đối lập với Hàn Quốc, Trung Quốc những năm gần đây ngày càng đẩy mạnh việc dùng điểm thi gaokao trong tuyển sinh ĐH. Trước đây, nước này cho phép các ĐH tinh hoa tuyển sinh dựa trên điểm gaokao và tiêu chí riêng của trường, gọi là "Chương trình tuyển sinh tân sinh độc lập" (IFAP). IFAP ra mắt từ năm 2003 với hy vọng đa dạng hóa cách tuyển sinh, tránh việc điểm gaokao có khả năng quyết định cả cuộc đời TS.

Từ năm 2020, Trung Quốc quyết định bãi bỏ IFAP sau một cuộc cải cách lớn liên quan đến gaokao tên là "Kế hoạch tăng cường nền tảng" (FEP). Theo nghiên cứu của học giả Xiaofeng Wan đăng trên chuyên san Giáo dục ĐH quốc tế, FEP yêu cầu các trường ĐH chú trọng điểm gaokao dù vẫn cho phép kết hợp với điểm học bạ và tiêu chí riêng. Bởi điểm gaokao phải chiếm ít nhất 85% tỷ trọng, thay vì ưu tiên các giải thưởng học thuật, bằng sáng chế hay bài báo khoa học như trước. TS nào đủ điều kiện có thể đăng ký xét tuyển sớm trước khi gaokao diễn ra, Bộ Giáo dục Trung Quốc thông tin.

MỞ RỘNG YẾU TỐ NGOÀI ĐIỂM SỐ

Không tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH quy mô toàn quốc, nhiều quốc gia phương Tây như Úc, New Zealand, Anh, Pháp... đang dựa trên điểm của các chương trình phổ thông, sau phổ thông hoặc thi chuẩn hóa để làm căn cứ xét tuyển ĐH. Nhiều trường thậm chí chấp nhận điểm dự đoán hay điểm năm học trước đó để tạo điều kiện cho TS ứng tuyển sớm và có trường còn chấp nhận kết quả các chương trình phổ thông quốc tế như IB, AP.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục Úc, việc tuyển sinh áp dụng với HS trong nước dựa trên điểm Thứ hạng tuyển sinh ĐH Úc (ATAR). Điểm ATAR được tính bởi trung tâm tuyển sinh ĐH của tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ và dựa trên kết quả học tập ở năm lớp 12. ATAR có thang điểm từ 0 - 99.95 và cho biết thứ hạng của HS, như nếu đạt ATAR 90.00, có thể hiểu TS thuộc top 10% HS giỏi nhất.

Các nước tuyển sinh ĐH ra sao, có xét tuyển sớm như Việt Nam?- Ảnh 2.

Du học sinh Việt Nam trong lễ tốt nghiệp ở Mỹ

BẢO THẮNG

Trước khi có điểm ATAR chính thức, một số ĐH Úc mở kỳ xét tuyển sớm dựa trên điểm ATAR lớp 11 của HS và các yếu tố khác. Nếu không học THPT, các trường cũng còn nhiều phương thức khác để xét tuyển sớm như có chứng chỉ nghề, hoàn thành khóa dự bị ĐH hoặc có kinh nghiệm làm việc liên quan đến ngành sẽ học nếu trên 25 tuổi..., theo Bộ Giáo dục Úc.

Tại Anh, tùy mục đích và nhu cầu mà HS có thể đăng ký các chương trình học khác nhau sau khi tốt nghiệp THPT và thi lấy chứng chỉ tương ứng, như A Level, T Level hoặc các bằng cấp về kỹ thuật nghề. Điểm các chứng chỉ này cùng những yếu tố khác như bài luận, thư giới thiệu... là tiêu chí để các trường ĐH xét tuyển TS trong nước.

Năm nay, theo Bộ Giáo dục Anh, kết quả thi A Level, T Level sẽ công bố vào ngày 15.8. Dù không có kỳ xét tuyển sớm, HS nước này phải nộp hồ sơ từ khá sớm, thậm chí từ tháng 10 năm trước với những trường ĐH hàng đầu và ở các ngành "hot". Trong trường hợp không trúng tuyển, TS có thể tiếp tục đăng ký vào ĐH qua hệ thống Clearing hoặc chờ năm sau thi lại.

Tại Mỹ, chính quyền liên bang và địa phương không tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH chung, các trường phổ thông tự do thiết kế chương trình giảng dạy chứ không có một chương trình thống nhất trên toàn quốc. Vì vậy, các trường ĐH sẽ chủ động xét tuyển dựa trên nhiều yếu tố như điểm học bạ, thành tích học thuật, hoạt động ngoại khóa, bài luận và điểm các bài thi chuẩn hóa như SAT, ACT.

Một điểm đặc trưng của tuyển sinh ĐH ở Mỹ là các trường thường có khoảng 3 kỳ tuyển sinh là xét tuyển sớm có ràng buộc (yêu cầu ứng viên chỉ chọn 1 trường), xét tuyển sớm không ràng buộc (được nộp nhiều trường), xét tuyển thông thường (nhận kết quả trúng tuyển trễ hơn 2 kỳ trước). Ở mỗi kỳ tuyển sinh, các trường sẽ đưa ra hạn chót nhận hồ sơ khác nhau, thường trong khoảng thời gian cuối và đầu năm.

Đông Nam Á phần lớn duy trì kỳ thi tuyển sinh ĐH

Để phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, một số quốc gia Đông Nam Á tự xây dựng các kỳ thi đánh giá năng lực riêng cho các TS hoàn thành bậc THPT như Thái Lan (GAT/PAT, yêu cầu bắt buộc nếu thi vào ĐH công lập), Malaysia (UEC, dành cho HS trường trung học Hoa ngữ), Indonesia (SBMPTN, yêu cầu bắt buộc với ĐH công lập). Xu hướng chung của những quốc gia này là duy trì kỳ thi tuyển sinh ĐH ở quy mô toàn quốc.

Riêng ở Singapore, Bộ Giáo dục Singapore thông tin HS có thể tham dự chương trình xét tuyển sớm vào bách khoa (Poly EAE). Đây là hình thức tuyển sinh dựa trên năng khiếu, cho phép HS bản địa hoặc có thẻ thường trú nhân nộp đơn và nhận được thư mời nhập học có điều kiện vào các trường bách khoa trước khi nhận kết quả thi O-Level hoặc chứng chỉ Higher NITEC.

Cách các nước xét tuyển học sinh VN vào ĐH

Theo chuyên gia du học và cơ quan chính phủ các nước, nhiều cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài tại những quốc gia du học truyền thống chấp nhận xét tuyển thẳng dựa trên điểm học bạ của VN, hoặc xem đây là một trong những căn cứ quan trọng để xét tuyển.

Chẳng hạn, tất cả ĐH New Zealand xét tuyển thẳng HS đạt GPA từ 8 trở lên. Điều này diễn ra tương tự ở nhiều trường Úc, bao gồm cả liên minh 8 ĐH hàng đầu (Go8). Những nước như Hàn Quốc, Malaysia... cũng xem GPA là tiêu chí hàng đầu, sau đó là năng lực ngoại ngữ.

Tại Anh, du học sinh (DHS) trong đó có người Việt phải nộp hồ sơ xin học qua hệ thống UCAS. Ngoài GPA, hệ thống này còn yêu cầu DHS phải có bài luận giới thiệu bản thân, thư giới thiệu... và hoàn thành các mẫu đơn ứng tuyển. Mỹ cũng có một số hệ thống xét tuyển chung, phổ biến nhất là Common App. Đây là nơi để DHS nộp bảng điểm, các bài luận, thư giới thiệu, thông tin cá nhân... để trường ĐH xét tuyển.

Tại Trung Quốc, 2024 là năm đầu tiên nước này yêu cầu DHS phải thi đầu vào, áp dụng với những ai nộp đơn xin học bổng chính phủ hoặc xin học tại 142 trường thuộc dự án "Song nhất lưu" (5% tổng số trường hàng đầu nước này). Nhật Bản từ trước đến nay đều yêu cầu DHS tham gia kỳ thi du học Nhật Bản (EJU), đạt điểm đậu mới được xét tuyển. Cả 2 nước đều chỉ áp dụng ở bậc cử nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.