Các nước xây dựng và quản lý nhà vệ sinh công cộng thế nào?

04/02/2023 07:52 GMT+7

Không chỉ liên quan du lịch, nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) còn được xếp vào danh mục vấn đề kinh tế xã hội.

Những nơi dẫn đầu về mật độ và chất lượng NVSCC hầu hết là các TP giàu có và phát triển, trong khi nhóm TP xếp hạng kém chủ yếu ở châu Phi hoặc châu Á thuộc các nước đang phát triển.

Các nước xây dựng và quản lý nhà vệ sinh công cộng thế nào ?  - Ảnh 1.

Nhà vệ sinh công cộng ngoài trời ở Amsterdam, Hà Lan

Nhật Bản được biết đến là quốc gia có hệ thống NVSCC sạch sẽ và được chăm chút nhất thế giới. Một điều khác cũng được xem là "thường thức" ở Nhật Bản, đó là ở đâu có tồn tại nhà vệ sinh, ở đó hầu như chắc chắn phải tồn tại cả nhà vệ sinh dành riêng cho người tàn tật. Cùng với việc xây dựng các đường dốc thoải bên cạnh tất cả bậc thang ở nơi công cộng - "làn đường" dành cho những người đi xe lăn không đi được cầu thang - những khu vực này còn có hệ thống còi định hướng cho người mù tại các ngã ba, ngã tư, vạch nổi trên vỉa hè hỗ trợ người mù đi bộ… Chính quyền các TP lớn ở Nhật còn liên tục tổ chức các dự án để biến NVSCC trở thành những công trình kiến trúc độc đáo.

Tại Singapore, NVSCC được cung cấp bởi các trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ, cơ sở, trung tâm ăn uống, quán bar, câu lạc bộ đêm, hội trường, rạp chiếu phim, nhà hát, công viên, khu du lịch, bến tàu, bến xe, trạm tàu điện ngầm, sân vận động, bể bơi công cộng và các trạm xăng. Luật về sức khỏe môi trường của Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (COPEH) quy định các tiêu chuẩn thiết kế tối thiểu cơ bản của nhà vệ sinh để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Vị trí nhà vệ sinh dễ tiếp cận, không quá xa khu vực giao thông chính, tránh phải di chuyển khoảng cách dài.

Việc làm sạch NVSCC ở Singapore được thực hiện hằng ngày, theo trình tự giúp ngăn ngừa sai sót trong quá trình làm sạch. Giám sát viên và nhân viên dọn vệ sinh có trách nhiệm đảm bảo rằng nước được sử dụng để làm sạch một cách hiệu quả, tránh lãng phí, không làm ướt sàn, tường, các thiết bị vệ sinh khi không cần thiết. Trong trường hợp dịch vụ làm sạch được cung cấp bởi bên thứ 3, các điều khoản để quản lý các nhà thầu cung cấp dịch vụ làm sạch NVSCC được Bộ Nhân lực Singapore quy định.

TP.Sydney (Úc) cam kết trở thành một TP thân thiện và bền vững, cung cấp cuộc sống chất lượng cao cho người dân, du khách và các doanh nghiệp, trong đó chú trọng việc cung cấp NVSCC. Mục tiêu của chính quyền TP là đảm bảo rằng có NVSCC trong vòng 400 m tại bất kỳ địa điểm nào ở trung tâm TP và tại tất cả trung tâm mua sắm, công viên lớn, sân thể thao. Các điểm NVSCC xuất hiện trên bản đồ NVSCC quốc gia. Bản đồ này liệt kê tất cả nhà vệ sinh thuộc sở hữu và quản lý của TP.Sydney cũng như các nhà vệ sinh được cung cấp bởi các cơ quan khác, đồng thời được chuyển thành một ứng dụng trên điện thoại, dễ dàng cung cấp cho tất cả người dân và khách du lịch. Về mặt quản lý, tất cả NVSCC đều phải tuân thủ theo luật và tiêu chuẩn của luật Xây dựng Úc, tiêu chuẩn xây dựng các công trình dành cho người khuyết tật 2010 và một loạt tiêu chuẩn liên quan khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.