Ngày 15.5, tân Tổng thống Pháp François Hollande chính thức tuyên thệ nhậm chức sau chiến thắng trong kỳ bầu cử hồi tuần rồi. Đây cũng có thể là ngày kết thúc hơn 30 năm hoạt động chính trị của ông Nicolas Sarkozy, theo như tuyên bố của chính ông trước đó. Giã từ chính trường nhưng cựu tổng thống vẫn không thể “tạm biệt” rắc rối và tai tiếng. Sau khi chuyển giao quyền lực, ông Sarkozy sẽ mất quyền miễn trừ truy tố dành cho tổng thống và phải đối mặt với nhiều vụ bê bối chính trị - tài chính đang trong quá trình điều tra.
Nghi án nhận tiền của Gaddafi
Trước mắt, ông Sarkozy vướng vào vụ kiện tụng với báo mạng Mediapart liên quan tới thông tin ông nhận 50 triệu euro từ lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Theo tài liệu do Mediapart tung ra hồi cuối tháng 4, chính quyền Gaddafi từng “có những thỏa thuận về mặt nguyên tắc” từ năm 2006 để tài trợ “khoảng 50 triệu euro” cho chiến dịch tranh cử năm 2007 của ông Sarkozy. Hồ sơ này là những ghi chép của ông Moussa Koussa, Giám đốc Cơ quan tình báo Libya khi ấy, tuy nhiên chúng không xác định rõ những thỏa thuận này sau cùng có được thực hiện hay không. Con trai ông Gaddafi là Saif al-Islam cũng từng có tuyên bố tương tự.
|
Sau đó, AFP dẫn lời luật sư của cựu Thủ tướng Libya Baghdadi al-Mahmoudi khẳng định thông tin trên là có thật và thậm chí tiền đã được chuyển. Ông al-Mahmoudi đang bị giam tại Tunisia, còn các luật sư của ông tuyên bố chính quyền Sarkozy đạo diễn chuyện này để “diệt khẩu”.
Vụ việc trở thành một “quả bom” trong chính trường và dư luận Pháp. Nước này, hay nói đúng hơn là chính quyền Sarkozy, đã đi đầu trong chiến dịch hỗ trợ phe nổi dậy lật đổ ông Gaddafi hồi năm ngoái. Vì thế, nghi án ông Sarkozy từng nhận tiền của “tên độc tài” khiến nhiều người nghi ngờ động cơ “bảo vệ dân thường và nền dân chủ” của Paris khi tham gia không kích Libya. Đến nay, ông Sarkozy kịch liệt bác bỏ mọi cáo buộc và tuyên bố kiện Mediapart tội bôi nhọ.
Bê bối nối tiếp bê bối
Sắp tới, ông Sarkozy có thể còn phải ra tòa để làm chứng hoặc điều trần về một số vụ việc khác. Trước tiên là nghi vấn về việc nữ tỉ phú Liliane Bettencourt, cổ đông lớn nhất của Tập đoàn mỹ phẩm l’Oréal quá “hào phóng” với ông Sarkozy. Bà Claire Thibout, kế toán trước đây của bà Bettencourt, khẳng định đã được lệnh rút nhiều khoản tiền tổng cộng lên tới 150.000 euro để đóng góp cho chiến dịch tranh cử năm 2007. Trong khi đó, luật của Pháp quy định mỗi cá nhân chỉ được hỗ trợ cho các đảng tối đa 7.500 euro/năm và cho các ứng viên trong mùa tranh cử cao nhất 4.600 euro/người.
Ngoài ra, giới công tố cũng đang điều tra về gian lận tài chính và tiền lại quả bất hợp pháp trong thương vụ Pháp bán khí tài quân sự cho Pakistan và Ả Rập Xê Út giai đoạn 1994 -1995. Khi đó, ông Sarkozy đang là Bộ trưởng Ngân sách nên không tránh khỏi liên đới. Các cộng sự thân tín của ông Sarkozy như Thierry Gaubert và Nicolas Bazire đều đã bị khởi tố trong vụ này.
Đến nay, ông Jacques Chirac là cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên trong thời Đệ ngũ Cộng hòa bị tuyên án. Tháng 12.2011, ông bị tòa tuyên có tội và xử 2 năm tù treo vì trả lương khống cho thành viên đảng của mình trong thời gian còn là Thị trưởng Paris.
Siêu tổng thống Nicolas Sarkozy là một trong những tổng thống khiến dư luận Pháp bàn tán nhiều nhất. Người dân gọi ông Sarkozy là “siêu tổng thống” hay “tổng thống chỗ nào cũng thấy”. Từ những nhiệm vụ chính như tham gia hội nghị thượng đỉnh, công du nước ngoài đến điều đình với các nghiệp đoàn, giải cứu con tin..., đâu đâu cũng có mặt ông. Những người ủng hộ thì nói Tổng thống Sarkozy mẫn cán nhưng phần đông cho rằng ông muốn thâu tóm quyền lực. Không chỉ thế, từ lúc còn làm Bộ trưởng Nội vụ cho đến khi đắc cử tổng thống, ông luôn xếp các cộng sự thân tín vào vị trí lãnh đạo của các cơ quan cảnh sát, tình báo, viện công tố... Điểm khiến nhiều người Pháp “nhíu mày” nhất ở Tổng thống Sarkozy chính là phong cách sống. Ngay trong tối công bố kết quả bầu cử 2007, ông đã gây chú ý khi nâng champagne ăn mừng chiến thắng tại nhà hàng sang trọng Fouquet’s ở đại lộ Champs-Élysées. Ông không đi nghỉ ở Pháp mà chọn Mỹ, còn đời tư thì được giới truyền thông quan tâm không thua gì ngôi sao làng giải trí. Ông tiếp tục “ghi dấu ấn” khi là Tổng thống Pháp đầu tiên ly dị, tái hôn và có con trong lúc đương chức với cuộc tình gây tốn nhiều giấy mực với bà Carla Bruni. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
(từ Paris, Pháp)
>> Chuyển giao quyền lực ở Điện Elysee
>> Ông Sarkozy chấp nhận chính phủ từ chức
>> Ông Sarkozy chạy nước rút
>> Ông Strauss-Kahn kiện ngược cô hầu phòng
Bình luận (0)