Những ngày qua, nhiều quận, huyện và TP.Thủ Đức ở TP.HCM liên tục có mưa. Những cơn mưa thường xuất hiện vào chiều tối, thỉnh thoảng có mưa buổi trưa hoặc sáng sớm. Nhiều trận mưa lớn, thậm chí mưa lớn hiếm gặp cũng xuất hiện. Dựa trên các tiêu chí xác định mốc bắt đầu mùa mưa, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ xác định nhiều nơi ở TP.HCM đã vào mùa mưa, nhưng có nơi mùa mưa vẫn chưa bắt đầu.
TP.HCM bắt đầu mùa mưa không đồng đều
Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, ngày bắt đầu mùa mưa là ngày có lượng mưa trên 5 mm. Tổng lượng mưa trượt 10 ngày sau đó trên 50 mm với ít nhất 5 ngày có mưa và sau thời kỳ này không có chuỗi ngày gián đoạn mưa liên tục quá 5 ngày.
Từ các tiêu chí cơ bản trên, có thể xác định TP.Thủ Đức và Bình Chánh là 2 nơi bắt đầu mùa mưa sớm nhất ở TP.HCM từ ngày 5.5 với tổng lượng mưa tính đến ngày 22.5 lần lượt là 275,6 mm và 172,4 mm.
Đến ngày 7.5, TP.HCM có thêm huyện Hóc Môn bước vào mùa mưa với tổng lượng mưa tính đến nay là 141,8 mm. Ngày 11.5 có thêm huyện Nhà Bè, Củ Chi bắt đầu mùa mưa. Dựa trên số liệu các trạm đo mưa, đến nay, Cần Giờ vẫn chưa vào mùa mưa.
Cũng theo ông Quyết, tổng lượng mưa ghi nhận từ đầu mùa mưa đến nay ở một số trạm của TP.HCM có thể thấy lượng mưa không đồng đều trên toàn TP. Nơi mưa to nhất là ở TP.Thủ Đức 275,6 mm, nơi thấp nhất là Cần Giờ với 29,4 mm. Những trạm còn lại có số liệu mưa tương đối lớn như: Cát Lái 158,4 mm, Hóc Môn 141,8 mm, Lê Minh Xuân 1 (Bình Chánh) 172,4 mm, An Phú 109 mm.
Dân đông, áp lực đô thị lớn: Nước thoát đi đâu?
Vì sao cùng 1 TP nhưng mùa mưa không đồng đều?
Theo Trưởng phòng Dự báo, những điểm đo mưa ở TP.HCM nằm rải rác, có nơi có 2 - 3 điểm đo mưa. Các số liệu từ điểm đo mưa dù trong cùng một quận, huyện cũng cho thấy mốc bắt đầu mùa mưa không giống nhau. Các trường hợp như vậy, ngày bắt đầu mùa mưa được xác định là ngày có mưa sớm nhất.
Dù cùng là TP.HCM nhưng ngày bắt đầu mùa mưa khác nhau về cả không gian và thời gian, có nơi sớm như: Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, nhưng có nơi trễ như Cần Giờ... theo ông Quyết chủ yếu là do địa hình.
"Tính chất mưa là hàm rời rạc, không liên tục nên có sự khác biệt nhau. Ngoài địa hình, mặt đệm cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này. Ví dụ, cùng một trường gió thổi nhưng có nơi gây mưa ngay, nơi thì không. Vì vậy mà ngày bắt đầu mùa mưa ở trong cùng thành phố không đồng đều", ông Quyết giải thích.
Mùa mưa năm nay ở TP.HCM được dự báo có thể dồn mưa nhiều vào tháng 8, 9, 10 khi La Nina hoạt động ổn định.
Thông thường, vào mùa mưa, TP.HCM sẽ mưa nhiều vào chiều, tối khi gió tây nam hoạt động ổn định. Ở thời điểm này, thời tiết đang thiết lập hệ thống rãnh áp thấp từ phía nam đẩy lên, gió tây nam mới hình thành, tạo hội tụ hoặc tác động cũng nhiễu động nên TP.HCM có thể mưa bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Ngập như sông ngay trên dự án chống ngập: Chuyên gia nói 'không thể chấp nhận', vì sao?
Chuyên gia khí tượng phân tích thêm, gió tây nam có chu kỳ hoạt động như sau: mới hình thành - phát triển mạnh lên - ổn định một vài ngày - suy yếu - tiếp tục đợt khác.
Ứng với chu kỳ trên, khi mới hình thành, gió tây nam gây mưa không có quy luật, đến khi gió tây nam hoạt động ổn định thì gây mưa vào chiều tối.
Cũng trong tháng 7, 8, 9, TP.HCM có thể bị ảnh hưởng bởi dải hội tụ nhiệt đới, gây mưa dầm dề cả ngày: sáng, trưa, chiều, tối... Khi bị ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới, TP.HCM sẽ liên tục xuất hiện những cơn mưa rồi tạnh, nắng rồi mưa...
Bình luận (0)