Tiếp theo đại hội toàn quốc đầy “màu sắc” của đảng Cộng hòa Mỹ thì đến lượt đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ cũng diễn ra rất tưng bừng. Chỉ trong vòng 2 ngày 24 và 25.7 vừa qua mà đảng Dân chủ Mỹ “trải qua” 3 đời chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC). Họ là tiếng nói đại diện cho một cộng đồng lớn của nước Mỹ, là hình ảnh tiêu biểu cho làn sóng nữ quyền trong kỳ bầu cử cực kỳ sôi nổi của năm 2016.
Bà nghị với bút chì màu trong túi
Năm 2011 khi Tổng thống Barack Obama quyết định chọn bà Debbie Wasserman Schultz giữ chức Chủ tịch DNC thay ông Tim Kaine (nay là ứng viên phó tổng thống của bà Clinton), những người theo dõi con đường chính trị của người phụ nữ Do Thái này không hề bất ngờ.
Ông Kurt Stone - một học giả Do Thái ở Mỹ đánh giá bà Schultz là hình mẫu của sự tổng hợp hiếm hoi của trí tuệ, đam mê và nghị lực. Một ngày trước khi đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ diễn ra, nữ chính trị gia 50 tuổi công bố từ chức Chủ tịch DNC sau vụ rò rỉ một loạt email do WikiLeads công bố làm lộ thái độ thành kiến của bà và một số thành viên DNC đối với ứng viên Bernie Sanders để ủng hộ bà Clinton. Và cùng ngày, “người ủng hộ số 1” ấy được bà Clinton chọn làm chủ tịch danh dự trong chiến dịch tranh cử của bà.
Chuyện này cũng chẳng có gì ngạc nhiên bởi năm 2008 cái tên Schultz đã liên tục xuất hiện đồng hành cùng bà Clinton trong cuộc đua trở thành ứng viên tổng thống chính thức của đảng Dân chủ. Khi bà Clinton thất bại trước ông Obama, bà Schultz tiếp tục hỗ trợ ông Obama với các hoạt động gây quỹ, xây dựng hình ảnh. Bà được chọn là một trong những nhân vật phát biểu ủng hộ ông Obama tại đại hội đảng năm đó.
Và bí mật “khủng khiếp” đằng sau một ngày dài... 26 tiếng đồng hồ của bà mà anh trai bà tiết lộ đã khiến người ta càng khâm phục bà. Chỉ 9 ngày sau những ca phẫu thuật ung thư vú, bà vẫn tươi cười có mặt tại các buổi gây quỹ với sự hỗ trợ của những viên thuốc giảm đau giấu trong túi xách. Trước đó, ngay cả lúc nằm trên giường mổ để chuẩn bị gây mê bà vẫn chưa thể bỏ điện thoại xuống.
Sẽ không có “1 trong 50 người Mỹ Do Thái có tầm ảnh hưởng nhất nước Mỹ” như bình chọn hằng năm của tờ The Jewish Daily Forward nếu cô sinh viên Schultz năm nào không quyết định đổi ngành học từ ngành bác sĩ thú y qua khoa học chính trị ở Đại học Florida. Từ đó trở đi, cô gái mang 3 dòng máu Nga - Ba Lan - Áo gắn bó với chính trường và từng được các đồng nghiệp trong đảng đánh giá là người có tương lai xán lạn nhất.
Năm 2008, lúc tham gia chiến dịch tranh cử của ông Obama, Schultz khi đó là một trong hai bà mẹ có con dưới 10 tuổi ở quốc hội Mỹ đã được trao biệt danh “bà nghị luôn mang theo bút chì màu trong túi”, kể từ sau một lần bà không tìm thấy bút bi để viết. Trước lời chỉ trích “quá mệt mỏi (với việc nuôi con) và không thích hợp cho công việc”, bà không quan tâm và chứng minh điều ngược lại.
Đi theo con đường mẹ chọn
Bà Marcia Fudge
|
Không nổi tiếng bằng Schultz hay Brazile, bà Marcia Fudge bất ngờ được trao ghế Chủ tịch DNC ngay trong ngày đầu của đại hội đảng Dân chủ. Fudge, bà nghị 63 tuổi đến từ Ohio, nói trước hàng ngàn người tập trung tại hội trường ở Philadelphia: “Tôi biết rằng nhiều người ở đây không biết tôi. Tôi muốn làm việc thẳng thắn. Tôi muốn lắng nghe các ý kiến khác nhau tại đây. Tôi sẽ tôn trọng các bạn và tôi muốn các bạn cũng tôn trọng tôi”.
Thực ra, bà Fudge chẳng phải là người xa lạ gì đối với vai trò lãnh đạo. Bà từng là người phụ nữ đầu tiên và người Mỹ gốc Phi đầu tiên được bầu làm Thị trưởng thành phố Warrensville Heights (bang Ohio) từ năm 2000 - 2008 và trước đó là một công tố viên. Bà được bầu vào quốc hội năm 2008 và năm 2013 từng giữ chức Chủ tịch Tổ chức Nghị sĩ da màu.
Cùng với Donna Brazile, bà Fudge (cũng độc thân) cùng với một người phụ nữ khác là Leah Daughtry (chủ tịch kỳ đại hội này của đảng Dân chủ) đã tạo nên bộ ba sắc màu của ban tổ chức kỳ đại hội này. Họ xứng đáng với những lời gọi lớn từ phía khán giả khi xuất hiện trên sân khấu: “Black girl magic” (Phép thuật của cô gái da màu).
Nhà tổ chức số 1 của các chiến dịch tranh cử
|
Khác với bà Debbie Wasserman Schultz, người phụ nữ giữ chiếc ghế Chủ tịch DNC lâm thời (chưa đến 24 tiếng đồng hồ) lại mang theo trong túi xách những viên đá nhỏ có khắc những chữ như “passion” (đam mê), “love” (tình yêu) và “vision” (tầm nhìn). Đó là bà Donna Brazile, từng được báo USA Today gọi là “người sinh ra cho chính trị” bởi ngay từ lúc 9 tuổi đã biết “dấn thân”.
Vì muốn có một sân chơi cho khu phố nơi bà sống ở Kenner (LA), bà đã kêu gọi bạn bè cùng tham gia chiến dịch gõ cửa từng nhà một để kêu gọi ủng hộ cho một ứng viên hội đồng thành phố bởi người này hứa sẽ xây một khu như thế. Ứng viên này sau đó được bầu và Brazile, cô con gái thứ ba trong gia đình có 9 anh chị em cùng với đám con nít ở đó đã có chỗ vui chơi.
Theo Washington Post, Brazile là một người nổi tiếng trong nội bộ đảng Dân chủ và khi đảng này cần người “dọn dẹp mớ hỗn độn” mà bà Schultz để lại sau vụ rò rỉ email thì không ai khác là Brazile. Chuyên gia phân tích chính trị 57 tuổi này được xem là nhà tổ chức mà gần như những ai từng muốn tranh cử đều phải cần đến bà. Ở tuổi 16, Brazile tham gia làm điều phối viên nhóm thanh niên trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Jimmy Carter. Nữ sinh viên vừa tốt nghiệp đại học ngành tâm lý đã được Coretta Scott King mời đảm nhận công việc tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày chồng bà - mục sư Martin Luther King tổ chức buổi diễu hành năm 1963 ở thủ đô Washington D.C.
Dấu ấn lớn nhất trong vai trò nhà tổ chức của bà là được ông Al Gore giao phó điều hành chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000. Mỗi khi nói chuyện với các cử tri da màu, ông đều kéo bà lên sân khấu với lời “giới thiệu”: “Mẹ bà ấy từng là một người giúp việc. Cha bà ấy từng là một quản gia. Bà ấy làm việc chăm chỉ để được đi học. Bà ấy từng giúp thay đổi cộng đồng ấy và giờ đây bà ấy đang chung tay thay đổi đất nước này”.
Cho đến nay, người phụ nữ độc thân 57 tuổi này vẫn chưa bao giờ hối hận khi từng khiến nhiều người trong đảng Dân chủ phật lòng khi tuyên bố “tứ trụ của đảng Dân chủ là người Mỹ gốc Phi, tầng lớp lao động, phụ nữ và những người mà tôi gọi là các cộng đồng thiểu số khác”.
Bình luận (0)