Trong bối cảnh đời sống kinh tế ngày càng được cải thiện, thời gian gần đây, nhiều người Việt đã bắt đầu tính đến chuyện sở hữu ô tô phục vụ bản thân, gia đình. Minh chứng cho thực tế này, theo số liệu từ số của Tổng cục Thống kê năm, tỷ lệ sở hữu ô tô tính trung bình cả nước những năm qua liên tục tăng. Đến năm 2019 đã có 5,7% tổng số hộ gia đình sở hữu xe ô tô. Trong đó, vùng thành thị có tỷ lệ cao, lên đến 9,5%.
Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại khi tỷ lệ sở hữu ô tô dù có xu hướng gia tăng, nhưng thực tế rất nhiều người dùng ô tô tại Việt Nam, đặc biệt là những “tài mới” hay những người mua xe hơi lần đầu hiện nay vẫn chưa thực sự “hiểu rõ ràng” về chiếc xe mà mình đang sở hữu; từ công năng thiết kế, các trang bị tiện nghi, công nghệ. Từ đó dẫn đến những “khó khăn” trong quá trình điều khiển, sử dụng xe.
Câu hỏi nghe qua có vẻ “ngớ ngẩn”, bởi ô tô là phương tiện phục vụ mục đích di chuyển, chuyên chở. Thế nhưng di chuyển đi đâu, chở theo bao nhiêu người mới là vấn đề cần bàn? Không phải tự nhiên sau lịch sử hơn 100 năm của ngành ô tô, các hãng xe đã liên tục khai sinh nhiều phân khúc, cấu hình xe khác nhau. Bởi mỗi phân khúc, cấu hình xe đều có điểm mạnh và công năng sử dụng riêng, hướng tới những đối tượng khách hàng với nhu cầu khác nhau.
Thế nhưng, có một thực tế khó có thể phủ nhận rằng, rất nhiều người mua ô tô tại Việt Nam hiện nay rất thiếu thông tin và không chịu tìm hiểu kỹ trước khi mua xe. Hậu quả là những chủ xe này dù đến showroom với một tâm trạng hết sức háo hức, nhưng cuối cùng lại rước về nhà một chiếc xe không ưng ý, chưa đáp ứng đúng nhu cầu của bản thân và gia đình.
Một ví dụ khác minh chứng cho việc nhiều người Việt bỏ tiền mua ô tô những vẫn chưa thực sự “hiểu rõ ràng” về xế cưng của mình chính là sự “lãng phí” tính năng, tiện ích. Theo chia sẻ từ những nhân viên kinh doanh tại các đại lý, rất nhiều khách hàng khi đến mua xe luôn "đòi hỏi" chiếc xe phải có càng nhiều tính năng, tiện ích càng tốt; tuy nhiên thực tế trong quá trình sử dụng lại, hầu hết đều rất ít khi sử dụng.
Có thể kể ra một vài tính năng hiện nay đang bị “lãng phí” như hệ thống cửa sổ trời, ga tự động (cruise control), đề nổ từ xa, tính năng tự động giữ phanh (Auto Hold), hay thậm chí trang bị giá nóc cũng rất ít người có nhu cầu sử dụng thực sự.
Bên cạnh những yếu tố vừa nêu trên, sự “thờ ơ” của chủ xe Việt với “vợ hai” còn thể hiện rõ khi nhiều người khi ngồi vào ô tô nhưng vẫn chưa biết cách sử dụng thành thạo các tính năng, bộ phận như các nút bấm chỉnh kính, gương chiếu hậu, cân chỉnh ghế ngồi.
Đặc biệt, rất nhiều trường hợp tài xế khi lái xe di chuyển trên đường, khi “đụng chuyện” vẫn thao tác “nhầm” các lẫy, cần điều khiển. Trong đó, nhiều nhất là các tình huống “dở khóc, dở cười” liên quan đến hệ thống đèn hay hệ thống gạt mưa… nhiều “lái mới” hay thậm chí không ít người dù lái xe lâu năm nhưng khi cần “đá pha” vẫn hay nhầm sang “gạt mưa”.
Từ những thực tế sử dụng xe có thể thấy, rõ ràng tỷ lệ sở hữu ô tô ngày càng tăng tại Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để việc sử dụng xe thực sự mang lại những tiện ích và an toàn, trước hết bản thân người dùng cần phải hiểu rõ “xế cưng” của mình, sau đó mới tính đến chuyện nâng cao các kỹ năng lái xe.