Các tài phiệt Mỹ ngoại hạng: Ba vị vua

14/11/2016 20:22 GMT+7

Trong số hàng ngàn tỉ phú Mỹ xuyên suốt lịch sử hình thành quốc gia này, không ít người cũng tạo nên ảnh hưởng mạnh mẽ về chính trị hoặc có phong cách sống “không đụng hàng” như Donald Trump - Tổng thống tân cử của xứ cờ hoa.

Cuối thế kỷ 19, sau những ngày tháng thăng hoa của vua đường sắt Cornelius Vanderbilt (1794  - 1877), nước Mỹ bắt đầu chứng kiến sự vươn lên của 3 “ông vua” có tổng tài sản quy đổi ra giá trị ngày nay xấp xỉ 1.000 tỉ USD, giàu hơn vài chục người giàu nhất thế giới hiện tại cộng lại.

Trong đó, vua dầu mỏ John D. Rockefeller Sr. (1839 - 1937) sinh ra trong một gia đình mang nhiều dòng máu Đức, Anh và Ireland… Từ nhỏ, ông đã thể hiện rõ tham vọng trở thành một doanh nhân thành đạt, thử bán nhiều món hàng lặt vặt như khoai tây, kẹo… cho hàng xóm. Năm 16 tuổi, Rockefeller bắt đầu đi làm trong vị trí trợ lý kế toán cho một doanh nghiệp nhỏ, rồi từ từ tích cóp. Bốn năm sau, ông bắt đầu góp vốn với một người bạn để bắt đầu khởi nghiệp, ban đầu là kinh doanh thực phẩm.

Đến năm 1863, Rockefeller và bạn bắt đầu chuyển hướng đầu tư, xây dựng một nhà máy lọc dầu ở Cleveland (bang Ohio). Nếu các đối thủ kinh doanh khác nghĩ đến việc khai thác dầu mỏ thì Rockefeller lại hướng đến việc lọc dầu nhằm giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi nhuận. Đến năm 1870, ông thành lập Công ty Standard Oil rồi nhanh chóng phát triển mạnh, thậm chí kiểm soát 90% cơ sở lọc dầu và đường ống dẫn dầu cả nước Mỹ. Rockefeller còn góp phần hình thành nên công nghiệp lọc dầu tại Mỹ.

Tuy nhiên, chính sự phát triển quá lớn của Standard Oil khiến công ty này gặp phải nhiều chỉ trích về lũng đoạn và thao túng. Năm 1911, Standard Oil bị tòa án phán quyết phải giải thể thành 34 công ty con, nhưng tất nhiên Rockefeller có cổ phần khá lớn ở từng công ty. Từ 34 công ty nhỏ này về sau phát triển thành những tên tuổi lẫy lừng như Exxon Mobil, Chevron… Đến lúc qua đời, Rockefeller vẫn rất giàu, ước chừng tài sản của ông lên đến trên 300 tỉ USD tính theo giá trị hiện nay, được đóng góp cho vô số trường học, quỹ từ thiện cũng như xây dựng thư viện khắp thế giới.

Vua sắt thép Andrew Carnegie Wikipedia

Giống như Rockefeller, vua sắt thép Andrew Carnegie (1835-1919) cũng sinh ra trong gia đình nghèo, di cư từ Scotland. Thời trai trẻ nơi xứ người, Carnegie làm qua nhiều công việc khác nhau để kiếm sống nhưng rồi dần gầy dựng cơ đồ khi đi theo một “đại gia” của ngành đường sắt lúc bấy giờ. Năm 1859, ông nằm trong đội ngũ quản lý của công ty đường sắt Pennsylvania. Từ vị trí này, Carnegie đã tạo ra nhiều lợi nhuận cho công ty nhờ vào các khoản đầu tư trong các lĩnh vực than đá, sắt…

Về sau, ông muốn có sự nghiệp kinh doanh riêng nên rời khỏi công ty trên vào năm 1865. Giữa bối cảnh ngành đường sắt Mỹ đang phát triển mạnh, ông bỏ vốn đầu tư công ty chuyên xây dựng cầu sắt và công ty điện báo. Đến thập niên 1870, Carnegie thành lập công ty thép và mở rộng mạng lưới kinh doanh, nối kết cả mảng vật liệu thô, sản xuất và vận chuyển. Năm 1892, ông hợp nhất các mảng kinh doanh để cho ra đời Công ty thép Carnegie, một đế chế thực sự của ngành sắt thép Mỹ.

Tuy nhiên, vào năm 1901, Carnegie đã bán Công ty thép Carnegie cho J.P. Morgan với giá 480 triệu USD (tương đương 300 tỉ USD tính theo giá trị ngày nay). Sau đó, Morgan sáp nhập Công ty thép Carnegie với mảng kinh doanh thép của mình để hình thành Công ty thép Mỹ - công ty đầu tiên trị giá 1 tỉ USD trên thế giới. Từ thương vụ trên, Carnegie trở thành người giàu nhất thế giới khi đó.

Vua nhà băng J.P Morgan Wikipedia

Khác với 2 tỉ phú trên, vua nhà băng J.P Morgan (1837 - 1913) thì được sinh ra trong gia đình vốn có cơ ngơi kinh doanh khá lớn. Năm 1858, sau khi học tập và làm việc tại châu Âu, Morgan quay trở lại New York (Mỹ) và nhanh chóng phát triển sự nghiệp trong ngành ngân hàng. Đến năm 1871, ông cùng Anthony Drexel (1826-1893) sáng lập nên doanh nghiệp Drexel, Morgan & Company. Sau khi Drexel qua đời, doanh nghiệp này đổi tên thành J. P. Morgan & Company. Dần dần, Morgan gần như kiểm soát toàn bộ ngành ngân hàng Mỹ.

Bên cạnh việc bành trướng trong lĩnh vực ngân hàng, chính Morgan là người giúp cho những ý tưởng của nhà phát minh Thomas Edison thăng hoa. Ông đã góp vốn để hình thành công ty Edison General Electric cung cấp điện ở nhiều nơi tại Mỹ. Về sau, Morgan “hất cẳng” Edison ra khỏi công ty và hợp nhất với công ty Thomson - Houston Electric để hợp nhất thành General Electric.

J.P. Morgan còn tiếp quản kinh doanh sắt thép từ người cha, rồi từ từ phát triển và thâu tóm cả công ty của vua sắt thép Andrew Carnegie. Thời cao trào, ông kiểm soát đến 42 đại công ty. Đặc biệt, Morgan gần như trở thành “kiến trúc sư trưởng” của chương trình ứng cứu khi Mỹ gặp khủng hoảng tài chính năm 1907.  Tuy nhiên, sau đó, ông bị chỉ trích đã lợi dụng khủng hoảng trên để thu lợi. Cũng từ sự kiện này, sau đó nước Mỹ thành lập ngân hàng trung ương: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.