Qua 240 năm lập quốc, nước Mỹ vừa bổ sung thêm vị tổng thống thứ 45 vào danh sách là ông Donald Trump. Trong danh sách đó, có những người là cha con (Tổng thống thứ 2 John Adams là cha của Tổng thống thứ 6 John Quincy Adams; Tổng thống thứ 41 George H. W. Bush là cha của Tổng thống thứ 43 George W. Bush), hoặc là anh em họ cùng dòng tộc (Tổng thống thứ 26 Theodore Roosevelt và Tổng thống thứ 32 Franklin D. Roosevelt).
Tuy nhiên, có một gia tộc dù chỉ đóng góp 1 đại diện làm chủ Nhà Trắng nhưng xét về mức độ nổi tiếng trong chính giới Mỹ thì không hề thua kém các dòng tộc trên. Đó là gia tộc Kennedy với một người cha đầy quyền lực và 3 người con trai đều từng làm thượng nghị sĩ, trong đó có một người trở thành Tổng thống, còn một người trở thành Bộ trưởng Tư pháp trong chính quyền của anh trai.
Năm 2011, Hiệp hội lịch sử Mỹ đã trao một giải thưởng danh giá cho cuốn sách nghiên cứu lịch sử mang tên “Last call” nói về giai đoạn cấm buôn bán rượu ở Mỹ hồi thập niên 1920 và đầu thập niên 1930. Tác giả cuốn sách là Daniel Okrent, người từng là một biên tập viên đình đám của tờ The New York Times và có không ít thành tựu về các tác phẩm nghiên cứu lịch sử.
Tham vọng được truyền từ người cha
Từ những tư liệu lịch sử, cuốn “Last call” đã khẳng định mối quan hệ giữa Joseph P. Kennedy Sr. (JPK), cha của Tổng thống John F. Kennedy (JFK), với giới tội phạm Chicago (Mỹ) trong giai đoạn cấm rượu. Thậm chí, cuốn sách khẳng định JPK từng gặp gỡ để hợp tác kinh doanh cùng Al Capone, lãnh đạo băng nhóm Hội y phục Chicago và là một trong những ông trùm quyền lực nhất giới tội phạm Mỹ từ thập niên 1920-1930. Nhiều tài liệu và chuyên gia lịch sử khác của Mỹ cũng ám chỉ JPK từng là nhân vật “có số má” trong thế giới ngầm nước này, quan hệ cả với "ngũ đại gia đình" mafia ở New York.
|
Tuy nhiên, che phủ lên tất cả những câu chuyện ấy là hình ảnh một thương nhân thành công trong nhiều mảng đầu tư, kinh doanh từ bất động sản đến tài chính và là con rể của ông John F. Fitzgerald – người từng làm Thị trưởng Boston và nghị sĩ liên bang. Khi giai đoạn cấm bán rượu kết thúc, năm 1933 người ta thấy một doanh nhân JPK đặt những bước chân đầu tiên vào giới chính trị gia, có quan hệ thân thiết với James Roosevelt II là con trai cả của Tổng thống đương nhiệm Franklin D. Roosevelt. Thậm chí, JPK được cho từng nhiều lần thổ lộ mình là con nuôi của Tổng thống Franklin D. Roosevelt.
Thực tế, năm 1934 Tổng thống Roosevelt đã chỉ định JPK làm Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ. Sau đó, JPK lại được chỉ định làm Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban hàng hải Mỹ, và đến năm 1938 trở thành Đại sứ Mỹ tại Anh. Trong bối cảnh Thế chiến 2 căng thẳng, vị trí Đại sứ Mỹ tại Anh được xem có vai trò then chốt trong quan hệ hai nước, nên cần sự tin tưởng lớn từ Nhà Trắng.
Tuy nhiên, về sau quan hệ giữa JPK với chính phủ của Roosevelt không được thuận buồm xuôi gió, một phần không chỉ do quan điểm mà còn cả tôn giáo khi gia đình Kennedy theo Công giáo La Mã. Thêm vào đó, JPK cũng có cả tham vọng làm chủ Nhà Trắng, nhưng rồi dần nhận ra rất khó thành công nên ông đặt niềm tin vào con trai cả là Joseph P. Kennedy Jr. vốn đang phục vụ trong lực lượng hải quân Mỹ. Tiếc thay, người con trai cả hy sinh vào năm 1944 khi Thế chiến 2 chuyển sang giai đoạn cuối. Tất cả kỳ vọng còn lại được đặt vào vai người con trai thứ 2 là JFK.
Công tử trở thành ngôi sao chính trị
Sinh ra trong gia đình giàu có và đầy ảnh hưởng, JFK từ nhỏ học tập tại những ngôi trường danh giá ở Anh và cả Mỹ. Về sau, ông còn tham gia quân đội Mỹ và đạt không ít chiến tích lẫy lững trong quân ngũ. “Đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi…” là tất cả những điều mà phần lớn nam nhi bao đời nay mong muốn thì JFK đều có. Chính vì thế, giống như Theodore Roosevelt, chẳng bao lâu sau khi trở về từ chiến trường, JFK nhanh chóng nổi lên như một chính trị gia đầy tiềm năng. Nhất là khi hậu thuẫn phía sau là người cha giàu có, quan hệ sâu rộng, nên JFK sở hữu một bệ phóng vượt trội.
Năm 1946, JFK chạy đua đắc cử để trở thành nghị sĩ liên bang từ năm 1947. Rồi chỉ 6 năm sau, vào năm 1953, ông lại trở thành thượng nghị sĩ đầy quyền lực ở tuổi 36. Cũng bắt đầu từ đây, kế hoạch trở thành chủ nhân Nhà Trắng của JFK ngày càng rõ ràng hơn.
|
Năm 1960, chính trị gia trẻ tuổi này đã vượt qua thành công những đối thủ sừng sỏ trong đảng Dân chủ gồm các Thượng nghị sĩ Hubert Humphrey, Lyndon B. Johnson… JFK trở thành ứng viên tổng thống liên danh cùng ứng viên phó tổng thống Lyndon B. Johnson đại diện đảng Dân chủ. Phía bên kia là một tên tuổi nổi danh không kém: Richard Nixon, Phó tổng thống đương nhiệm trong chính quyền của Tổng thống Dwight D. Eisenhower. Với những thành tựu mà chính quyền của Eisenhower đạt được, Nixon trở thành đại diện mạnh mẽ cho đảng Cộng hòa.
Mỗi ứng viên có một ưu thế và kết quả cũng khá sát sao khi JFK chỉ hơn Nixon 0,17% tính theo tổng số phiều bầu từ cử tri cả nước. Nhưng xét theo phiếu đại cử tri thì JFK đạt 302 còn đối thủ Nixon chỉ đạt 219. Tuy nhiên, đến nay cuộc bầu cử vẫn bị cho đã có gian lận phiếu bầu ở 2 bang Texas và Illinois. Trong đó, Illinois có thành phố lớn nhất là Chicago - thủ phủ của Hội y phục Chicago. Theo nhiều tài liệu lịch sử, gia tộc Kennedy đã được kết nối trở lại với Hội y phục Chicago thông qua nam diễn viên lừng danh Frank Sinatra (gốc Ý), người có quan hệ mật thiết với giới tội phạm gốc Ý từ New York đến Chicago. Hơn thế nữa, thời điểm trước cuộc bầu cử, băng nhóm Hội Y phục Chicago đang bị càn quét bởi cả Quốc hội lẫn Bộ Tư pháp Mỹ. Trong đó, người mạnh tay nhất với mafia Chicago là Robert F. Kennedy, em trai của JFK và đang thuộc cơ quan điều tra tội phạm của Quốc hội.
Theo nhiều tài liệu, JPK đã tìm đến Sam Giancana, ông trùm của Hội Y phục Chicago đủ sức thao túng giới công đoàn địa phương. Chicago nói riêng và Illinois nói chung khi đó được đánh giá như chiến trường quan trọng trong cuộc bầu cử. Chính vì thế, JPK muốn con trai mình được đảm bảo thắng lợi ở đây. Đổi lại, Hội Y phục Chicago tạm thoát khỏi “nanh vuốt” của Robert F. Kennedy. Thỏa thuận được thống nhất, Giancana đã ép buộc thuộc hạ vốn đang giữ vai trò quan trọng trong công đoàn ở Chicago để “đạo diễn” giới công nhân bỏ phiếu cho JFK. Và kết quả đã như ý.
Nhiều năm về sau, chính con gái của diễn viên Sinatra là Tina Sinatra đã tiết lộ với báo giới về điều này, khiến các nghi ngờ càng trở nên rõ ràng hơn.
tin liên quan
Các tài phiệt Mỹ ngoại hạng. Kỳ 2: Thao túng bầu cử tổng thốngTuy nhiên, sau khi anh trai trở thành Tổng thống Mỹ thứ 35, và bản thân được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp, Robert F. Kennedy đã nối lại chương trình tấn công tội phạm có tổ chức. Hội Y phục một lần nữa lao đao bởi gia đình Kennedy. Trong lúc đó, vị tổng thống trẻ chỉ tại vị đến năm 1963 thì bị ám sát tại bang Texas (Mỹ). Sau đó, Robert F. Kennedy dần chuyển hướng hoạt động chính trị, giới tội phạm Chicago “dễ thở” hơn.
Chính vì thế, sau khi JFK qua đời, nhiều thông tin khẳng định Hội Y phục Chicago đứng sau âm mưu ám sát và có sự kết hợp của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) vốn đang bị JFK giảm bớt vai trò. Mặt khác, Hội Y phục được cho từng đổi lấy sự ủng hộ từ CIA bằng cách liên kết với các nhánh tội phạm để can thiệp vào nội bộ Cuba. Chính vì thế, giả thuyết trên đến nay dù chưa đủ bằng chứng để xác thực, nhưng vẫn được giới nghiên cứu quan tâm.
Bình luận (0)