Các tập đoàn lớn đang kỹ lưỡng hơn khi đầu tư vào Việt Nam

15/05/2023 16:32 GMT+7

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung, gần đây nhận thấy có những dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng hơn và kỹ lưỡng hơn trong quá trình xem xét việc tiếp tục đầu tư ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Năng lực cạnh tranh thu hút FDI bị đe dọa

Phát biểu tại hội thảo "Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng" do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay 15.5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung nhận định, có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Các tập đoàn lớn đang cẩn trọng hơn khi đầu tư vào Việt Nam - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo

NT

Tính đến cuối tháng 4, Việt Nam đã thu hút được khoảng gần 446 tỉ USD vốn FDI; trong đó, khoảng 280 tỉ USD đã được giải ngân. Trong năm 2020, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển, Việt Nam vẫn lọt vào một trong 20 quốc gia, nền kinh tế có nhiều dòng vốn FDI được thu hút lớn nhất trong năm.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng chỉ rõ, trong bối cảnh các chính sách và những biến động mới đã xuất hiện, 4 tháng đầu năm, các dự án vốn FDI đăng ký đầu tư mới vào Việt Nam giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Thế giới vẫn đang tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức; lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; trên toàn cầu, tăng trưởng thấp. Bên cạnh đó, thị trường tài chính, nợ công, thiên tai, biến đổi khí hậu… tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Bối cảnh này đã ảnh hưởng lớn đến dòng vốn đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam; cộng thêm nhiều vấn đề phát sinh như từ năm 2024 dự kiến áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu 15%... nên FDI vào Việt Nam đang trong xu hướng chung là có sự chậm lại.

"Gần đây, chúng tôi nhận thấy có những dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng hơn và kỹ lưỡng hơn trong quá trình xem xét việc tiếp tục đầu tư ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam", ông Trung nhấn mạnh.

Từ góc độ doanh nghiệp FDI, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết chính thức đầu tư vào Việt Nam năm 2008, đến nay Samsung đang vận hành 6 nhà máy, 1 pháp nhân bán hàng, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển. Lũy kế đầu tư tính đến cuối năm 2022 là 20 tỉ USD.

Hiện tại, hơn 50% điện thoại của Samsung bán trên toàn thế giới là sản phẩm "Made in Vietnam", được sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tình hình thế giới và những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh đang đe dọa sự tiếp nối của câu chuyện thành công này. "Quy luật và trật tự kinh tế thế giới đang có những biến đổi. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu với các doanh nghiệp đa quốc gia đạt doanh thu ở một quy mô nhất định; có hơn 100 doanh nghiệp toàn cầu đầu tư tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng.

Gần đây, chúng tôi nhận thấy có những dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng hơn và kỹ lưỡng hơn trong quá trình xem xét việc tiếp tục đầu tư ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung

Do vậy, năng lực cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam cũng bị đe dọa. Chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai hiện nay sẽ bị mất đi hiệu quả thực tế. Thêm vào đó, sự thay đổi về cơ chế đánh thuế sẽ khiến Việt Nam và các doanh nghiệp FDI gặp phải những xáo trộn lớn", Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam nói.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Về giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam, ông Choi Joo Ho đề cập đầu tiên tới câu chuyện cải thiện môi trường đầu tư.

Từ sau khi thực hiện chính sách đổi mới năm 1986, Việt Nam đã liên tục cải thiện môi trường đầu tư, dẫn tới việc mở rộng đầu tư liên tục của các doanh nghiệp FDI. Nhấn mạnh không thể dừng lại ở đây, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho rằng: "Việc cải thiện môi trường đầu tư phải được thực hiện liên tục, đặc biệt, phải theo dõi những biến đổi của môi trường bên ngoài và triển khai những cải cách phù hợp".

Chỉ rõ cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu là ví dụ điển hình của những biến đổi môi trường bên ngoài quan trọng nhất gần đây, ông Choi Joo Ho thông tin thêm, nhiều công ty tư vấn toàn cầu đang hoạt động ở Việt Nam như Deloite, PwC và các chuyên gia kinh tế cũng đang tích cực khuyến nghị Việt Nam áp dụng cơ chế QDMTT (cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn - PV) và chính sách ưu đãi dựa trên chi phí để đối ứng với thuế tối thiểu toàn cầu.

Đồng ý với quan điểm nêu trên, Samsung mong Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh có thể dự đoán được, phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu và sự thay đổi môi trường đầu tư gần đây.

Tham gia phát biểu tại hội thảo, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, cho biết kể từ khi khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên vào năm 2014, đến nay AEON có 8 công ty thành viên tại Việt Nam, đầu tư vào đa dạng lĩnh vực kinh doanh như phát triển trung tâm mua sắm, bán lẻ, tài chính, dịch vụ, xuất, nhập khẩu.

Nhấn mạnh AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai, bên cạnh Nhật Bản để tăng tốc, đẩy mạnh hoạt động đầu tư, ông Furusawa Yasuyuki bày tỏ mong muốn thời gian tới Việt Nam sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính; đồng thời chính quyền địa phương cần ra quyết định định nhanh chóng hơn để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

4 tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,89 tỉ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 5,85 tỉ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.