Theo South China Morning Post, thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton từ bang Arkansas và dân biểu Michael McCaul từ bang Texas đầu tuần này đã gửi thư cho Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo để kêu gọi các hạn chế bổ sung về công nghệ đối với Trung Quốc. Cụ thể, ông Cotton và McCaul đã đề nghị trong thư rằng tất cả các nhà sản xuất phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) của Mỹ, một lĩnh vực mà Trung Quốc khá tụt hậu, cần phải có giấy phép của chính phủ trước khi xuất khẩu sang đại lục để hạn chế khả năng thiết kế chip tiên tiến của nước này.
Bức thư được đưa ra bốn tuần sau khi một lá thư tương tự được gửi đi từ thượng nghị sĩ Marco Rubio bang Florida và dân biểu Michael McCaul để kêu gọi chính phủ Mỹ nâng cấp các biện pháp trừng phạt lên Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC), nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải. Ông Rubio và McCaul nói thắt chặt thêm hạn chế sẽ “ngăn việc chuyển giao hàng hóa có thể hỗ trợ cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn của SMIC”.
Những đề nghị nêu trên từ các chính trị gia “diều hâu”, người ủng hộ biện pháp khắc nghiệt chống lại Trung Quốc, không nhất thiết sẽ trở thành chính sách của chính quyền Washington. Tuy nhiên, tiếng nói của họ có thể làm trầm trọng hơn mâu thuẫn sẵn có giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuần trước, Mỹ đã mạnh tay đưa bảy nhà phát triển siêu máy tính hàng đầu của Trung Quốc vào danh sách đen, cấm các thực thể này sử dụng sản phẩm công nghệ cao từ Mỹ, đồng thời không cho phép những công ty khác dùng công nghệ của Mỹ để sản xuất chip cho họ. Động thái này cho thấy chính quyền ông Biden không thay đổi lập trường đáng kể về Trung Quốc, trong những chính sách vốn được kế thừa từ người tiền nhiệm Donald Trump.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta đang thấy sự liên tục giữa chính quyền Biden và Trump khi nói đến Trung Quốc và công nghệ. Có khả năng sẽ diễn ra nhiều xích mích hơn về công nghệ Mỹ - Trung trong tương lai gần. Hoặc, ít nhất, tôi không nghĩ rằng Mỹ sẽ sớm nới lỏng hạn chế đối với Trung Quốc”, Nick Marro, chuyên gia phân tích về thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, nói.
Tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ hôm 14.4 liên quan đến các mối đe dọa toàn cầu, lần đầu tiên sau hơn hai năm, nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua công nghệ trở thành chủ đề chính. Các giám đốc từ Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan An ninh Quốc gia và Cơ quan Tình báo Quốc phòng đã lần lượt làm chứng về sự hung hăng trong khu vực, cũng như khả năng mạng internet của Bắc Kinh.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm 14.4 rằng Trung Quốc ngày càng trở thành “đối thủ ngang tầm thách thức Mỹ trên nhiều đấu trường”. Trong khi đó, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết cứ mỗi 10 giờ, cơ quan của ông lại mở một cuộc điều tra mới liên quan đến Trung Quốc.
Cùng với an ninh mạng, cạnh tranh trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn cũng là trọng tâm của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Ông Biden hôm 12.4 đã gặp gỡ hơn mười giám đốc điều hành của các công ty công nghệ lớn trong một cuộc họp ở Nhà Trắng, nơi ông đảm bảo với họ về nguồn tài trợ của chính phủ trong lĩnh vực bán dẫn và cảnh báo về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở lĩnh vực này.
Bình luận (0)