CNN dẫn báo cáo mới nhất của Greenpeace và Đại học Điện lực Bắc Trung Quốc cho biết các trung tâm dữ liệu của Trung Quốc thải ra 99 triệu tấn cacbon điôxít trong năm qua, tương đương mức khí thải của 21 triệu ô tô.
Trung tâm dữ liệu thường là nơi lưu trữ thông tin như email, hình ảnh, video và các trung tâm dữ liệu toàn cầu tiêu thụ từ 3% đến 5% tổng lượng điện, cạnh tranh với ngành hàng không cho vị trí đầu bảng phát thải CO2. Ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu của Trung Quốc thuộc top lớn nhất thế giới. Năm ngoái, ngành này "ngốn" khoảng 2% năng lượng cả nước sử dụng.
Trung Quốc đang vượt Mỹ trong khoản năng lượng tái tạo và đạt nhiều tiến bộ lớn trong việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời. Năm 2017, Bắc Kinh đặt mục tiêu năng lượng sạch đáp ứng 20% nhu cầu năng lượng vào năm 2030. Dù có nhiều khả năng sản xuất và tiêu thụ năng lượng xanh, các trung tâm dữ liệu Trung Quốc không sử dụng loại năng lượng này.
"Gần 3/4 năng lượng sử dụng đến từ than đá. Hầu hết cơ sở đều nằm ở bờ biển phía đông, gần các trung tâm thương mại và cách xa khu vực sản xuất năng lượng tái tạo của Trung Quốc, vốn thường nằm ở trung tâm hoặc ở phía tây đất nước. Trong số 44 trung tâm dữ liệu mà chúng tôi khảo sát, chỉ có 5 trung tâm sử dụng một phần năng lượng sạch", chuyên gia khí hậu Ye Ruiqi của Greenpeace chia sẻ.
Ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu trong nước của Trung Quốc bị chi phối bởi các hãng như Alibaba và Tencent, dù Apple đang rục rịch xây dựng trung tâm dữ liệu ở phía nam tỉnh Quý Châu. Liên doanh với hãng dữ liệu lớn Guizhou-Cloud Big Data Company giúp công ty Mỹ cải thiện tốc độ và độ tin cậy cho dịch vụ của mình, song cũng buộc họ phải tuân thủ luật an ninh mạng mới và khó khăn hơn.
Với dân số gần đạt 1,4 tỉ người, nhu cầu lưu trữ dữ liệu ở Trung Quốc đang tăng nhanh. Các tác giả của báo cáo dự báo rằng trong 5 năm tới, các trung tâm dữ liệu sẽ tiêu thụ mức năng lượng nhiều hơn 2/3 so với ngưỡng hiện tại, đưa mức tiêu thụ điện đạt 267 TWh năm 2023. Con số này lớn hơn tổng lượng điện mà Úc tiêu thụ năm 2018. Lượng khí thải CO2 dự kiến tăng từ 99 triệu lên 163 triệu tấn, tương đương khí thải của 35 triệu ô tô.
Để giải quyết điều này, ông Ye cho rằng trung tâm dữ liệu Đại lục cần sử dụng nhiều hơn năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Hiện các trung tâm dữ liệu Trung Quốc sử dụng hỗn hợp gồm 73% năng lượng từ than, 23% năng lượng tái tạo và 4% năng lượng hạt nhân. Nếu tỷ lệ năng lượng tái tạo tăng lên 30% vào năm 2030, thế giới có thể tránh được 16 triệu tấn cacbon điôxít, hay 10 triệu chuyến bay xuyên Đại tây dương.
Tại Mỹ, các trung tâm dữ liệu hiện giảm đáng kể lượng khí thải cacbon. Trung tâm dữ liệu của Apple chạy bằng năng lượng sạch, trong khi Microsoft và Amazon thì đặt mục tiêu cung cấp 100% năng lượng tái tạo cho các trung tâm của họ.
Bình luận (0)