Các trường xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực ra sao?

22/03/2023 09:01 GMT+7

Kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội được nhiều trường ĐH trên toàn quốc dùng để xét tuyển. Chưa kể một số kỳ thi năng lực của các trường ĐH khác. Vậy cụ thể chỉ tiêu và cơ hội trúng tuyển ở phương thức này ra sao?

Đây là nội dung được chia sẻ tại chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Những thông tin mới về thi và xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 21.3 diễn ra ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.

MỖI TRƯỜNG ĐỀU CÓ CHỈ TIÊU KHÁC NHAU

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết trong số 18 phương thức xét tuyển mà các trường ĐH sử dụng hiện nay, phương thức dùng kết quả thi đánh giá năng lực đang ngày càng trở nên phổ biến, với tỷ lệ thí sinh trúng tuyển năm 2022 là 2% (hơn 10.000 chỉ tiêu). "Tuy là phương thức phổ biến nhưng tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức này chưa phải quá cao và mỗi trường là khác nhau. Chẳng hạn Trường ĐH Duy Tân dành 10% chỉ tiêu (trên tổng số 6.200 chỉ tiêu) để xét vào 47 ngành học ở phương thức này, ngoại trừ ngành kiến trúc. Chỉ các trường có tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực mới dành chỉ tiêu nhiều hơn", tiến sĩ Hải thông tin.

 Các trường xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực ra sao? - Ảnh 1.

Các chuyên gia chia sẻ về chỉ tiêu, điểm xét tuyển bằng các kỳ thi đánh giá năng lực trong buổi tư vấn tại Báo Thanh Niên chiều 21.3.2023

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong khi đó, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên, cho hay năm 2023 trường tuyển hơn 10.000 chỉ tiêu thì phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội là gần 20% chỉ tiêu cho 50 ngành học. Mức điểm xét tuyển dự kiến là từ 550 điểm trở lên đối với kỳ thi do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Đối với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thầy Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, cho biết: "Năm 2023 trường dành 5% trên tổng số 10.000 chỉ tiêu để xét điểm thi đánh giá năng lực, với tổng số 59 ngành. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm 2022 lấy 650-900 điểm tùy ngành. Năm nay, TS có số điểm cao hơn điểm chuẩn năm trước 50-100 là có cơ hội trúng tuyển rất cao".

THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐỂ CÓ THÊM KINH NGHIỆM VÀ TỰ TIN

Năm đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM dành khoảng 10-15% chỉ tiêu cho phương thức này.

Thạc sĩ Ngô Thị Xuân, Phó phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu của trường, chia sẻ: "Kỳ thi này được tổ chức làm 6 đợt, đợt đầu tiên diễn ra vào ngày 8 - 9.4. TS có thể đăng ký thi nhiều đợt và sử dụng điểm cao nhất để xét tuyển. Về đề thi, trường xác định đây là kỳ thi có sự phân hóa cao để đảm bảo sử dụng xét tuyển vào ĐH, nên đề sẽ có 4 mức độ gồm nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Các em sẽ thi 7 môn độc lập gồm toán, lý, hóa, sinh, sử, địa, và tiếng Anh với 60% khối lượng kiến thức lớp 12 và còn lại là ở lớp 10, 11... TS sẽ trả lời các phần thi trả lời trắc nghiệm ngắn, trả lời câu hỏi ghép hợp và trả lời đúng - sai với tổng 25 câu hỏi, thang điểm 100".

Các trường xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực ra sao? - Ảnh 2.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

Được biết, kết quả kỳ thi do Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tổ chức còn được các trường ĐH Sài Gòn, Tài chính - Marketing và Mở TP.HCM sử dụng trong mùa tuyển sinh năm nay.

"Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng như các kỳ thi riêng của một số trường, chỉ là một trong các phương thức xét tuyển bên cạnh phương thức chính là dùng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ. Chính vì thế, các em tham gia các kỳ thi này với tâm thế thoải mái, nếu điểm cao thì tốt, điểm chưa cao thì cũng xem đây là một trải nghiệm giúp các em có thêm kinh nghiệm và sự tự tin trước khi bước vào kỳ thi quan trọng vào cuối tháng 6 - thi tốt nghiệp THPT", thạc sĩ Ngô Thị Xuân đưa ra lời khuyên.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương cũng cho rằng các kỳ thi đánh giá năng lực mở ra cơ hội để TS có thêm cánh cửa vào ĐH, tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là quan trọng nhất và cần tập trung nhiều nhất.

"Dù các em đạt điểm cao các kỳ thi đánh giá năng lực và trúng tuyển có điều kiện bằng phương thức này hay các phương thức tuyển sinh riêng khác, nhưng nếu các em không đậu kỳ thi tốt nghiệp THPT thì mọi kết quả trước đó đều vô nghĩa vì các em sẽ vẫn không thể trúng tuyển ĐH", tiến sĩ Võ Thanh Hải lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.