Trong chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề "Biến áp lực thành động lực mùa thi" diễn ra sáng 25.5, chuyên gia tâm lý và các thủ khoa đã cùng thí sinh (TS) "cởi bỏ" những lo lắng, căng thẳng và áp lực mùa thi. Buổi trực tuyến nằm trong chương trình "Tiếp sức mùa thi" do T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
CHƯA THI ĐÃ RUN, CÁCH NÀO ĐỂ TRỊ ?
Đề cập những trạng thái tâm lý TS thường gặp phải trước kỳ thi, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn kỹ năng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết có thể chia thành 3 nhóm.
Nhóm đầu tiên chiếm đại đa số là các bạn đứng trước áp lực rất lớn nên dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, cảm giác bị đè nén rất nhiều, dẫn đến những ảnh hưởng về khả năng làm bài, sự tập trung và sức khỏe.
"Cảm xúc lo lắng, sợ hãi làm cho các bạn bị đóng băng khả năng để phát huy năng lực làm bài của mình. Bên cạnh đó, khi quá lo lắng, căng thẳng thì một số bạn gặp những triệu chứng về mặt sức khỏe như: nhức đầu, buồn nôn, hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, các vấn đề về tim mạch..., dẫn đến có những bạn đau bụng liên tục, ngất xỉu trước phòng thi", chị Thảo chia sẻ và cho biết ngoài ra còn có nhóm TS hồn nhiên, vô tư, và nhóm khá tự tin.
Nhiều TS gửi câu hỏi đến chương trình về nội dung làm thế nào để trị được bệnh run, thậm chí chưa vào phòng thi đã run.
Nguyễn Thị Thanh Bình, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2021, khuyên TS nên học cách phân tích vì sao lại run. Và thay vì sợ không làm bài được thì cô nàng thủ khoa khuyên nên tập trung ôn bài, liệt kê những lỗi sai thường vấp phải, đọc đi đọc lại. Cũng như thay vì tìm kiếm kiến thức mới, nên coi lại những lỗi sai thường gặp và hứa với bản thân không bao giờ được lặp lại lỗi sai đó nữa.
"Khi vào phòng thi mình cũng run, tim muốn chạy ra khỏi lồng ngực, nên khi đó tập hít thở, ngồi nói chuyện với mọi người xung quanh. Mọi người ai cũng run, khi có sự đồng cảm thì tự nhiên bản thân mạnh mẽ hơn, tự tin hơn một chút", Bình chia sẻ.
Lê Ngô Sơ Ni, thủ khoa Trường ĐH Giao thông vận tải phân hiệu TP.HCM năm 2022, cho biết cô nàng chỉ run với những thứ diễn ra lần đầu. Và bí quyết của Sơ Ni: "Để bớt run thì mình sẽ tham gia các cuộc thi thử để làm quen với tâm lý phòng thi. Còn khi vào phòng thi, mình không đặt nặng việc làm được điểm cao hay thấp, chỉ cố gắng hết sức mình. Bên cạnh đó, dù cuộc thi lớn hay nhỏ vẫn có chai nước ở bên, mỗi khi cảm giác lo hay run sợ thì mình uống nước và mình thấy đây là cách giải tỏa tâm lý rất tốt".
Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo chỉ ra những "tips" có thể bỏ túi ngay để trị "căn bệnh thế kỷ" này của TS. Đầu tiên nên dành thời gian đi sớm, và đi một vòng dạo xung quanh khuôn viên, địa điểm nơi mình thi. Bên cạnh đó hít một hơi thật sâu, nhìn quanh phòng thi và tìm một góc nhỏ nào giống với góc quen thuộc của mình ở nhà để tạo cảm giác thân quen. Cũng như làm quen với những bạn mới để không còn cảm giác phòng thi toàn những người xa lạ.
Chị Thảo cũng khuyên TS nên chuẩn bị chai nước lọc để mang vào phòng thi, uống nước lọc sẽ giúp giải tỏa căng thẳng; và hít thở sâu để làm gián đoạn cảm giác căng thẳng, run sợ…
BÍ QUYẾT RÈN SỰ TẬP TRUNG
Một TS hỏi: "Làm thế nào để những ngày gần thi không vì tâm lý quá áp lực mà mất ngủ? Em rất sợ vì mỗi kỳ thi em thường bị mất ngủ".
Về vấn đề này, chị Chế Dạ Thảo hướng dẫn: "Để đỡ mất ngủ, phải có chế độ sinh hoạt hợp lý, và có nguyên tắc kỷ luật riêng. Cần có tính kỷ luật cao trong việc thiết lập chế độ sinh hoạt của mình. Nếu muốn ngủ lúc 23 giờ và ngủ sâu thì 22 giờ phải tắt hết các thiết bị công nghệ, kênh giải trí, phương tiện và cả việc học. Trễ nhất là 22 giờ 30 phải tắt hết để lên giường và nhắm mắt đi ngủ. Có thể uống sữa, nước ấm, ngâm chân bằng nước ấm để giãn nở tĩnh mạch phía dưới chân".
Trước câu hỏi của TS: "Em hay có tâm lý hoảng loạn lúc phát đề và em luôn cảm giác áp lực đè nặng khi trong phòng thi có nhiều TS xin thêm giấy làm bài. Trong trường hợp này em phải làm sao?", thủ khoa Thanh Bình khuyên: "Hãy học cách mặc kệ, đừng tự tạo áp lực sẽ là tự hại cho chính mình. Hãy nghĩ là: có khi TS đó viết lộn nên cần xin giấy để làm lại. Hãy tự nhắc bản thân điệp khúc "không sao, không sao, mặc kệ, mặc kệ" và cứ bình tĩnh làm bài".
Thủ khoa Sơ Ni thì chia sẻ: "Với mình, sự tập trung chúng ta có thể luyện được, vì bản thân mình cũng thuộc típ người hay bị phân tâm. Nên ở nhà khi giải đề mình vẫn giả định như ở phòng thi để luyện sự tập trung".
Còn khi đã bước vào phòng thi, Sơ Ni bật mí bí quyết: "Các bạn phải có chiến lược làm đề. Sẽ có hai dạng đề, một là đề từ dễ đến khó và một dạng đề xáo trộn. Chính vì thế, khi nhận được đề thi mình nên đọc lướt qua đề một lần, xem đề thuộc dạng nào, nếu thuộc dạng đi từ câu dễ đến khó, mình sẽ làm từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, nếu gặp đề xáo trộn và câu khó đầu tiên, mình nên nhắm thử bản thân sẽ làm được câu nào thì làm những câu đó đầu tiên, như thế cũng sẽ giúp giảm bớt việc run và hoảng loạn".
ĐỂ ÁP LỰC TẠO THÀNH KIM CƯƠNG ?
TS hỏi: "Các anh chị thủ khoa có tự đặt áp lực bản thân trong quá trình ôn thi không? Làm thế nào để biến áp lực trở thành động lực?".
Theo thủ khoa Thanh Bình, vấn đề đặt áp lực lên bản thân là câu chuyện chung của rất nhiều TS và bản thân cô nàng cũng vậy. Tuy nhiên từ những gì đã trải qua, Bình khuyên: "Đôi khi việc đặt áp lực bản thân là do mình chú trọng quá nhiều vào cái đích phải đậu ĐH, nhưng nếu nhìn nhận rộng hơn, mục tiêu của mình sau này trở thành một người sống có ích cho xã hội thì việc không đậu ĐH có cản trở gì hay không? Và mình biết rằng việc thi ĐH chỉ là một phương tiện thôi, và nếu không đậu được thì mình vẫn có những con đường khác".
Cha mẹ đồng hành cùng con thế nào ?
Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo cho biết nếu sự lo lắng của phụ huynh quá nhiều và thiếu tinh tế sẽ như việc chúng ta đang góp thêm viên đá nặng trên vai của con mình.
Vì vậy, chị Thảo khuyên phụ huynh hãy đứng ở vai trò đồng hành và hỗ trợ. Hãy cho con mình thấy rằng con thành công là điều tốt, nhưng cho dù con có thất bại thì bố mẹ vẫn luôn đồng hành cùng con. Khi các bạn biết rằng mình có điểm tựa, luôn có nơi để trở về và được đón nhận cho dù thành công hay thất bại thì áp lực về mặt tâm lý của các bạn sẽ giảm đi rất nhiều.
Việc động viên đúng hướng sẽ tiếp cho con thêm đôi cánh, sự động viên không đúng cách sẽ làm cho các bạn bị nhấn chìm sâu hơn. "Rõ ràng bố mẹ rất thương con, nhưng tâm trạng các bạn ở giai đoạn này rất nhạy cảm, nên bố mẹ cần tránh những câu hỏi quan tâm như: "Con nhắm con thi được không? Sao không chịu học vậy?". Thay vào đó, phụ huynh nên nói các câu như: Phát huy nha con; Muốn ăn gì mẹ nấu; Cần gì ba lo…", chị Thảo chỉ ra.
Theo chị Chế Dạ Thảo, áp lực tạo nên kim cương, nhưng phải là áp lực tích cực. "Hiện nay, các bạn sĩ tử có rất nhiều con đường, sự lựa chọn và phương thức khác nhau để chạm tay đến giấc mơ nghề nghiệp. Chính vì thế, các bạn sẽ được cởi bớt sự lo lắng của mình. Không đi bằng con đường này thì đi bằng con đường khác, quan trọng là các bạn có biết mình muốn đi đâu và có khát khao đi đến đích đến của mình hay không?", chị Thảo bày tỏ, đồng thời khuyên: "Mục tiêu phải đi kèm với bức tranh mà các bạn phải tự mình đặt bút vẽ nên những sắc màu lung linh, hạnh phúc. Thường xuyên tiếp thêm lửa cho những ước mơ của mình hằng ngày, hằng giờ. Động lực của chúng ta sẽ đến từ những việc "góp lửa" như thế".
Bên cạnh đó, để giảm tối thiểu áp lực, vị chuyên gia tâm lý này khuyên TS nên nghĩ về những phương án và lựa chọn an toàn. Hãy đặt câu hỏi: "Nếu chuyện này xảy ra thì mình sẽ làm gì?", "Nếu kết quả không như mong đợi thì mình sẽ làm gì để thực hiện được mục tiêu lớn nhất đời mình?"…
Bình luận (0)