Cách các trường 'chia sẻ' giáo viên

15/03/2021 08:40 GMT+7

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng giáo dục Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết định hướng là ưu tiên tuyển dụng nhưng không có kết quả thì phải hợp đồng thỉnh giảng, các trường 'chia sẻ' giáo viên với nhau.

Hằng tuần, sau khi hoàn tất các tiết dạy môn mỹ thuật theo số tiết nghĩa vụ của mình vào buổi sáng thì thầy T.N dành buổi chiều thỉnh giảng tại trường THCS trong cùng Q.1, TP.HCM.
Thầy T.N từng cho hay do trường bạn thiếu giáo viên (GV) bộ môn này nên hiệu trưởng giới thiệu qua hỗ trợ. “Thời gian còn lại chỉ có thể dạy hỗ trợ một trường cùng quận chứ nhiều trường ở quận khác cũng cần GV thỉnh giảng”, thầy giáo nói trên chia sẻ.
Bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM, cho hay có một số môn nhà trường giới thiệu GV qua trường bạn hỗ trợ còn môn âm nhạc, nhà trường cũng nhận hỗ trợ từ GV trường khác. Hầu như trường nào cũng gặp tình huống này, chỉ khác bộ môn mà thôi.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng giáo dục Q.Bình Tân, TP.HCM, cũng nói từ nhiều năm nay, các trường đều có nhu cầu tuyển GV âm nhạc, mỹ thuật nhưng hầu như không có ứng viên ứng tuyển. Vì vậy, các trường phải chủ động tìm kiếm nguồn GV để đảm bảo hoạt động giáo dục. Định hướng là ưu tiên tuyển dụng nhưng không có kết quả thì phải hợp đồng thỉnh giảng, các trường “chia sẻ” GV với nhau.
Vị trưởng phòng này nói thêm GV chỉ có biên chế một nơi nên khi thiếu GV các trường có thể sắp xếp, hỗ trợ lẫn nhau. Các trường chi trả kinh phí cho GV thỏa đáng và có cam kết thực hiện chất lượng giảng dạy.
Bà Nguyễn Đoan Trang nói thêm, các hiệu trưởng thường xuyên kết nối, hỗ trợ nhau trong trường hợp thiếu GV. Sắp xếp thời khóa biểu cho gọn nhất có thể để tạo điều kiện cho GV tham gia hỗ trợ trường bạn.
Bà Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM, nói rằng trường cũng muốn có GV cơ hữu nhưng 2 năm nay không tuyển được GV môn công nghệ đành phải “mượn” GV trường bạn. Vị hiệu trưởng này nói thêm trước đây khi còn công tác ở trường THCS khác trong quận, 4 năm liền không tuyển được GV âm nhạc, để đảm bảo chương trình và hoạt động giảng dạy cho học sinh, cũng đã từng phải đi tìm nguồn GV thỉnh giảng.
“Trong tình thế không tuyển được GV thì việc thỉnh giảng, hợp đồng GV đã về hưu là phương án phù hợp nhất”, hiệu trưởng trên nhấn mạnh.
Nói về việc GV dạy nhiều trường, thầy Nguyễn Văn Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM, lý giải GV biên chế thì đảm bảo số tiết quy định là 19 tiết/tuần nên sau khi hoàn tất số tiết định mức nói trên, nếu trường nào cần, thầy cô có thể tham gia hỗ trợ. Việc này các trường vừa giúp nhau mà GV có thêm thu nhập một cách chính đáng. Các ban giám hiệu thường xuyên hỗ trợ nhau và GV thì khi đã nhận thỉnh giảng thì đều có trách nhiệm như đang dạy ở trường của mình. Được biết, trước đây Trường THCS Đồng Khởi có 2 GV mỹ thuật nhưng khi 1 GV về hưu, trường có 31 lớp nên nhà trường phải “nhờ” một thầy giáo trường THCS lân cận qua hỗ trợ.
Từ việc chủ động tìm GV thỉnh giảng để đảm bảo các hoạt động giáo dục khi không tuyển được GV, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho hay các trường phải tự cân đối kinh phí của mình để trả lương cho GV. Mỗi trường có mức chi khác nhau, tùy thuộc thực tế điều kiện tài chính của mình. Ông Tuấn cũng khẳng định việc GV hoàn tất nghĩa vụ sau đó tham gia hỗ trợ trường khác là phương án hữu hiệu nhất trong tình trạng không có GV tuyển cơ hữu.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.