Cách chế biến sò điệp tốt nhất để có nhiều dưỡng chất

13/04/2024 16:25 GMT+7

Sò điệp không chỉ mang hương vị thơm ngon mà còn chứa rất nhiều dưỡng chất có lợi. Thịt sò điệp giàu protein, a xít béo omega-3, lại chứa ít calo.

Trên thực tế, sò điệp là món giàu protein. Trong 100 gram sò điệp chứa 24 gram protein, gần tương đương với hàm lượng 26 gram protein/100 gram của thịt bò. Tuy nhiên, lượng calo trong sò điệp lại ít hơn rất nhiều, theo chuyên trang sức khỏe Verywellfit (Mỹ).

Nếu 100 gram sò điệp chứa khoảng 110 calo thì thịt bò lại chứa đến 250 calo. Chính điều này giúp sò điệp trở thành món ăn rất phù hợp cho những người muốn tăng protein nhưng giới hạn calo.

Sò điệp rất giàu dưỡng chất có lợi cho sức khỏe

Sò điệp rất giàu dưỡng chất có lợi cho sức khỏe

PEXELS

Không những vậy, sò điệp cũng rất giàu vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như vitamin B12, magiê, canxi và sắt. Trong đó, vitamin B12 rất cần thiết cho việc quá trình tạo hồng cầu và hoạt động của hệ thần kinh.

Magiê rất quan trọng đối với sức khỏe của xương, trong khi canxi lại giúp xương, răng chắc khỏe. Sắt là loại khoáng chất góp phần vào quá trình tổng hợp hemoglobin. Hemoglobin là một loại protein trong tế bào hồng cầu giúp mang oxy đi khắp cơ thể.

Ngoài các dưỡng chất trên, sò điệp còn là nguồn cung cấp a xít béo omega-3 dồi dào. Những a xít béo thiết yếu này có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm cải thiện tim mạch, chức năng não và giảm viêm.

Ngoài việc tăng cường sức khỏe tim mạch, các dưỡng chất trong sò điệp còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch. Điều này là do thịt sò điệp là nguồn cung cấp kẽm dồi dào. Kẽm là loại khoáng chất đóng vai trò quan trọng với chức năng miễn dịch, giúp ngăn ngừa và chống lại nhiễm trùng. Hấp thụ đủ kẽm cũng có liên quan đến việc cải thiện chức năng tuyến giáp và giúp tối ưu hóa quá trình làm lành vết thương. Sò điệp cũng góp phần cải thiện chức năng tình dục nam giới nhờ hàm lượng kẽm và a xít folic.

Xào hoặc nướng

Sò điệp có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, cách chế biến sò điệp tốt nhất là xào hoặc nướng. Những cách chế biến này giúp sò chín nhanh ở nhiệt độ cao, lớp vỏ bên ngoài chuyển sang màu nâu nhạt và lớp thịt bên trong mềm, mọng nước.

Thế nhưng, nếu sò điệp chín quá mức có thể khiến sò trông nhão nhưng lại dai khi ăn. Vì vậy, mọi người cần theo dõi thời gian khi làm chín sò điệp. Nếu xào thì nên dùng chảo chống dính hoặc cho một ít dầu hoặc bơ để tránh thịt sò dính chặt xuống mặt chảo, theo Verywellfit.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.