Cách chức hiệu trưởng vì rót nhiều cà phê hơn mức đã mua

02/02/2024 21:17 GMT+7

Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.Takasago (Nhật Bản) mới đây đã bị cách chức vì gian lận khi mua cà phê ở cửa hàng tiện lợi, song không đối mặt với án tù.

Cách chức hiệu trưởng vì rót nhiều cà phê hơn mức đã mua- Ảnh 1.

Tại các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản, khách hàng mua đồ uống bằng cách mang cốc rỗng được cung cấp đến quầy để thanh toán, rồi đến máy pha cà phê rót theo kích cỡ đã mua

PEXELS

Kỷ luật nghiêm khắc

Ủy ban Giáo dục tỉnh Hyogo (Nhật Bản) hôm 30.1 đã thông báo cách chức hiệu trưởng 59 tuổi tại một trường THCS ở TP.Takasago với lý do "trắng trợn thực hiện hành vi sai trái" dù đang là một công chức giáo dục, sau khi người đàn ông này bị phát hiện đã nhiều lần gian lận khi mua cà phê tại cửa hàng tiện lợi, đài Yomiuri TV đưa tin.

Vụ việc diễn ra vào tháng 12.2023, khi hiệu trưởng ghé cửa hàng tiện lợi trong giờ nghỉ trưa để mua bánh mì và cà phê cỡ thường giá 110 JPY (18.000 đồng). Song, khi đến máy pha cà phê tự phục vụ, người này lại rót một lượng tương đương cỡ lớn, có giá 180 JPY (30.000 đồng), sau đó rời khỏi cửa hàng. Hành động này bị nhân viên phát giác và báo cho cảnh sát trước khi hiệu trưởng bước lên ô tô.

Trả lời nhân viên, nam hiệu trưởng thừa nhận đã 7 lần thực hiện hành vi tương tự ở các cửa hàng tiện lợi khác, bắt đầu từ tháng 6.2023. Và khi giải trình với Ủy ban Giáo dục, người này cho biết đã mắc sai lầm. "Lúc đầu tôi chỉ vô tình rót quá nhiều, nhưng vì cà phê không tràn ra ngoài và nhân viên cũng không phát hiện nên tôi cứ thế lặp lại", người này nói.

Cảnh sát TP.Takasago sau đó đã tiến hành cuộc điều tra với nam hiệu trưởng và hồ sơ vụ việc được chuyển đến văn phòng công tố với cáo buộc trộm cắp. Song, Văn phòng công tố Kobe hôm 22.1 đã quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự với trường hợp này.

Trong một tuyên bố thông qua Ủy ban Giáo dục, nam hiệu trưởng gửi lời xin lỗi "từ tận đáy lòng" đến phụ huynh, học sinh vì đã để sự việc ảnh hưởng đến việc xây dựng môi trường học đường an toàn và đáng tin cậy. "Là người lãnh đạo đội ngũ giáo viên, tôi phải tuân thủ nghiêm chỉnh quy định và nỗ lực ngăn chặn sự cố trước khi nó xảy ra", người này cho biết.

Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản xảy ra trường hợp khách hàng tại cửa hàng tiện lợi gian lận để có thêm cà phê. Hồi tháng 1.2021, cảnh sát TP.Kumamoto cũng bắt giữ một người đàn ông 60 tuổi vì liên tục rót cà phê latte cỡ lớn có giá 200 JPY (33.000 đồng) dù chỉ mua cà phê cỡ thường với giá một nửa, theo tờ The Japan Times.

Trung thực và tự trọng

Theo thạc sĩ văn hóa học Nguyễn Thị Hồng Yến, không phải ngẫu nhiên mà sự trung thực và lòng tự trọng đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi công dân Nhật Bản. Chẳng hạn, cái chết đầy chí khí của samurai nhằm bảo vệ danh dự đến nay vẫn là những bài học ý nghĩa, đồng thời trở thành nét văn hóa đặc trưng trong tính cách người Nhật.

Cách chức hiệu trưởng vì rót nhiều cà phê hơn mức đã mua- Ảnh 2.

Học sinh Nhật Bản được giáo dục phải đề cao sự trung thực và lòng tự trọng, theo chuyên gia

UNSPLASH

Chính sự trung thực và lòng tự trọng không cho phép người Nhật làm gì trái với lương tâm, trái với khuôn phép của cộng đồng. Vì thế, trong xã hội văn minh, hiện đại nơi những đức tính này đóng vai trò thước đo để "quản lý" con người, hành vi gian lận dù có thể cho là "rất nhỏ" của hiệu trưởng cũng bị loại trừ ngay lập tức, thạc sĩ Yến lý giải.

Cũng theo nữ chuyên gia văn hóa học, ngay từ tấm bé, trẻ em Nhật Bản đã được giáo dục về tính trung thực, tự giác, có trách nhiệm với từng hành vi nhỏ nhất của bản thân như biết xếp hàng, tự đến trường hay tự phục vụ. Ở góc nhìn khác, chương trình giáo dục phổ thông tại Nhật Bản cũng hướng đến những đức tính này trong mục tiêu giảng dạy, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam.

Cụ thể, nhóm tác giả gồm tiến sĩ Trần Đình Thuận (Bộ GD-ĐT) và thạc sĩ Trần Thị Bích Ngọc (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, một trong những mục tiêu của chương trình giáo dục tiểu học Nhật Bản là tạo ra những con người chính nghĩa, có trách nhiệm, bình đẳng nam nữ, tôn trọng bản thân và mọi người khác, dựa trên tinh thần của cộng đồng chung, góp phần tham gia vào việc xây dựng và phát triển xã hội.

Đồng thời, chương trình giáo dục cũng nhằm tạo ra những con người biết tôn trọng giá trị cá nhân, bồi đắp tính sáng tạo, tinh thần tự lập tự chủ, coi trọng những gì liên quan tới sinh hoạt, nghề nghiệp và lao động, nghiên cứu nêu.

Giáo viên cũng là một nhân tố được chú trọng đầu tư nhằm giúp trẻ em Nhật Bản phát huy những đức tính tốt. Nghiên cứu của tiến sĩ Mai Quang Huy, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đăng trong một tạp chí của ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ rõ, để đáp ứng các yêu cầu thời đại và xã hội, Nhật Bản đầu thế kỷ 21 đã công bố hàng loạt văn kiện với nhiều yêu cầu tối thiểu về phẩm chất và năng lực đối với nhà giáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.