Nhiều người trẻ lăn tăn giữa việc chạy "deadline" cuối năm và sắm sửa dịp tết |
MAI THỤY |
“Lặn ngụp” giữa "deadline"
Thời điểm cuối năm cũng là cao điểm để Nguyễn Thị Thủy Tiên (21 tuổi), ngụ tại P.Tân Phong, TP.Biên Hoà (Đồng Nai) hoàn thành các công việc tồn đọng trong một năm qua. Ngoài công việc chính tại cơ quan, Thủy Tiên còn nhận làm thêm các công việc khác để dành dụm mua sắm, chuẩn bị đón tết. Vì thế, Tiên khá bận trong những ngày cuối năm.
Hiện tại, Thủy Tiên (trái) đang tất bật với núi công việc để chuẩn bị cho dịp tết |
NVCC |
“Bên cạnh việc làm văn phòng, mình còn là quản lý của một studio cưới tại Biên Hòa nên phải lên nội dung và quay chụp các sự kiện, đám tiệc rất nhiều. Trung bình mình dành khoảng 10-12 tiếng để xử lý công việc trong dịp cuối năm như thế này, mỗi ngày ngủ được 2-3 tiếng là chuyện bình thường. Nhiều lần mình ngủ gục trên bàn máy tính, lúc đó gần như mình kiệt sức và không thể tiếp tục làm việc”, Thủy Tiên cho hay.
Cô bạn này cũng cho biết rằng mình nhận nhiều đầu việc để mong dành được một khoản thu nhập để đặt vé để về quê và sắp xếp một ít thời gian để mua sắm một ít quà tết cho bố mẹ và các em, vì thế Tiên sẽ về nhà muộn hơn.
Tấn Phát dự định sẽ tận dụng mọi thời gian rảnh để kịp chuẩn bị sắm sửa vào cuối năm |
NVCC |
Cũng phải “chạy deadline” với tần suất cao dịp cuối năm, Lê Tấn Phát (21 tuổi), hiện đang nhân viên PR công ty truyền thông Việt Nam Trẻ tại khu công nghệ phần mềm ở P.Linh Trung, TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết mình cũng đang trong giai đoạn vô cùng vất vả.
Tấn Phát bày tỏ: “Hiện tại, mình đang làm quản trị viên cho 14 trang web của công ty, chủ yếu là biên tập và duyệt bài. Thời điểm này mỗi ngày có gần 20 sản phẩm gửi về mà thời gian lên bài lại gấp rút cho nên mình phải làm việc với năng suất gấp đôi. Bên cạnh đó còn phải tìm kiếm khách hàng và hướng dẫn cũng như giám sát tiến độ công việc cho các cộng tác viên để đảm bảo doanh số cho công ty”.
Phát cũng dự tính rằng sẽ cố gắng cân bằng công việc để đến cuối tháng bắt đầu sắp xếp thời gian để đi mua sắm tết, vì công việc vẫn còn nên anh chàng này sẽ đi mua sắm vào cuối tuần hoặc vào ban đêm sau những buổi tan làm.
Còn đối với Trần Trung Lương (19 tuổi), ngụ tại số 11A, đường số 13, P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức cũng đang rất chật vật khi vừa phải giải quyết các “deadline” được giao cuối năm trên trường, vừa phải đảm bảo được công việc làm thêm để có “đồng ra, đồng vô” cho dịp tết.
“Gần cuối năm, các môn dồn dập rất nhiều, lại cùng một thời điểm nên mình cũng phải xử lý mọi thứ khá nặng với 2 bài tiểu luận, 1 bài báo cáo và 1 bài thuyết trình. Ngoài ra, mình còn nhận thêm công việc dựng hình nên hầu như mỗi ngày mình dành khoảng 6 - 8 tiếng để làm mỗi thứ một chút và mình sẽ dự định làm thêm đến 27 tết mới về”, Lương cho biết.
“Nguyên tắc 20/80”
Nói về việc để người trẻ không bị “sập nguồn” khi phải hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ ngày cuối năm, ông Ngô Đình Đức, nhà sáng lập và CEO của Công ty cổ phần tư vấn POCD cho biết:
Ông Ngô Đình Đức chia sẻ về "nguyên tắc 20/80" |
NVCC |
“Đầu tiên, các bạn trẻ hãy tập cách thiết lập mục tiêu và kế hoạch công việc để tránh phải làm việc không theo các mục tiêu, kế hoạch đã dự kiến. Sau đó, phân loại các công việc theo mức độ quan trọng và ưu tiên để thực hiện nhằm quản lý thời gian theo ‘nguyên tắc 20/80’, cần có sự cân bằng trong công việc và các mối quan hệ để đảm bảo không quá dồn nén công việc không có chất lượng và sự đổi mới”.
Theo ông Đức, “nguyên tắc 20/80” được hiểu là 20% việc quan trọng sẽ tạo ra 80% kết quả, tức là không quá đeo đuổi cái lợi bằng vật chất trước mắt mà quên các việc đầu tư vào kiến thức, sức khỏe.
“Tôi cũng rất đồng tình với việc nhiều người trẻ đang muốn nhận thêm nhiều công việc dịp cuối năm để có thể chi tiêu cho dịp tết thoải mái nhưng nhiều bạn lại ‘cày việc’ bất chấp, có cái nhìn ngắn hạn hơn và thiếu đi sự kiên định nhất quán trong các mục tiêu cuộc sống nên cần phải giữ cân bằng thay vì kiếm nhiều tiền nhưng lại sử dụng thành quả không đúng giá trị”, vị CEO này cho hay.
Để cân bằng cho các công việc cuối năm, theo ông Đức, người trẻ nên phân chia thời gian và nghỉ ngơi khoa học, có thể chơi thể thao, nghe nhạc để thưởng cho bản thân mình với các nỗ lực trên. Từ đó, tránh bị “sập nguồn” và cũng hạn chế được việc không phải than thở quá nhiều trong những ngày cuối năm
“Giai đoạn cận tết cũng chỉ là một giai đoạn ngắn nhưng nếu người trẻ nỗ lực thêm một ít và làm việc thật khoa học thì cũng không quá khó khăn để kiếm thêm ít thu nhập vào thời điểm này. Ngược lại nếu không rèn luyện và đặt mục tiêu ưu tiên cân bằng ngay từ đầu thì việc ngày ngày ‘chạy KPI’ hay ‘chạy deadline’ vô hình trung tạo nên một áp lực đè nặng lên thể lực và tinh thần của các bạn trẻ”, ông Đình Đức nói.
Bình luận (0)