Khó hơn xin thực tập thông thường
Tham gia hệ vừa học vừa làm (alternance) khi du học Pháp, sinh viên vừa học ở trường vừa làm việc tại doanh nghiệp, được chính doanh nghiệp trả lương lẫn 100% học phí cũng như hưởng các quyền lợi của người đi làm. Chương trình này được đào tạo ở một số trường ĐH nhất định, có lịch học riêng tùy theo từng ngành và từng trường, chẳng hạn xen kẽ ba tuần đi làm, một tuần đi học.
Anh Trần Viết Tuấn Anh, học thạc sĩ hệ vừa học vừa làm chuyên ngành thiết kế đồ họa tại ĐH Rennes (Pháp), cho biết để tham gia chương trình này, điều kiện đầu tiên là du học sinh phải dưới 26 tuổi, trúng tuyển vào trường ĐH có mở hệ vừa học vừa làm và theo học tại Pháp ít nhất một năm.
Sau đó, sinh viên cần nộp học bạ, thư động lực, CV... để xin vừa học vừa làm tại doanh nghiệp. "Có thể dễ dàng tìm được doanh nghiệp qua mạng hoặc qua trường vì Pháp khuyến khích sinh viên vừa học vừa làm. Tuy nhiên, khâu phỏng vấn sẽ phức tạp, gắt gao hơn nhiều so với xin thực tập thông thường", anh Tuấn Anh lưu ý.
"Một điểm đặc biệt ở hệ vừa học vừa làm là sinh viên được xem như một phần của công ty, có khối lượng công việc nhiều với mức độ chuyên nghiệp. Vì thế, tuy khó khâu đầu vào nhưng ở đầu ra, sinh viên có nhiều lợi thế như được 'nâng cấp' chuyên môn, làm đẹp hồ sơ và dễ tìm việc làm", anh Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Trong Diễn đàn Du học Pháp hôm 15.7 tại TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, cựu Chủ tịch Hội Thanh niên-sinh viên Việt Nam tại Paris, cho biết điểm đặc biệt của hệ vừa học vừa làm là gắn lý thuyết trên trường với trải nghiệm thực tế từ doanh nghiệp, tạo thu nhập tốt cho du học sinh dựa trên năng lực cá nhân.
"Đây là hệ đào tạo mà phần lớn bạn trẻ đều mong muốn theo học. Tuy nhiên, vì có ít suất học và thường các bạn phải tự tìm và thuyết phục doanh nghiệp đồng ý ký hợp đồng hệ này nên mức độ cạnh tranh khá cao. Đây không phải điều dễ dàng với sinh viên, đặc biệt là sinh viên quốc tế", tiến sĩ Tùng đánh giá.
Cách ứng tuyển thành công
Theo anh Tuấn Anh, tùy vào từng ngành mà doanh nghiệp sẽ có yêu cầu khác nhau trong khâu sàng lọc hồ sơ, ví dụ như CV. Chẳng hạn, ở ngành kinh tế, CV nào trùng nhiều từ khóa phù hợp với tiêu chí của công ty thì sẽ được vào vòng tiếp theo. "Vậy nên sinh viên phải tìm hiểu thật kỹ, xem ngành đó cần gì và CV nên xuất hiện những từ khóa cụ thể nào", anh Tuấn Anh cho hay.
Mặt khác, ở thư động lực, ứng viên cần trình bày mục tiêu, lý do muốn vừa học vừa làm tại doanh nghiệp cũng như định hướng tương lai. Sau khi có CV và thư động lực, sinh viên có thể rải hồ sơ càng nhiều nơi càng tốt để tăng cơ hội, và đừng ngại phải đi xa.
"Cái khó sau khi được chấp nhận vào doanh nghiệp là phải cân đối giữa học và làm, tức đảm bảo dự đủ các buổi học trên trường và kết quả thi cử phải tốt, song song đó công việc tại doanh nghiệp cũng phải đạt hiệu quả", anh Tuấn Anh lưu ý thêm.
Cũng từng theo học hệ vừa học vừa làm, chị Trần Thanh Thủy, Trưởng ban khoa học giáo dục Hội Thanh niên-sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), khuyên sinh viên ngoài trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn và tiếng Pháp thì cũng nên kết nối cộng đồng, vì mạng lưới quan hệ là lợi thế giúp các bạn tìm được công ty phù hợp.
Chung quan điểm, anh Hoàng Nghĩa Hiệp, du học Pháp bằng tiếng Anh hệ thạc sĩ, cũng cho rằng sinh viên nên chủ động xây dựng và tìm hỗ trợ từ các mối quan hệ cá nhân để tăng khả năng được nhận vào công ty có hệ vừa học vừa làm. "Các bạn cũng cần rèn giũa kỹ năng mềm lẫn kỹ năng cứng liên quan đến ngành học và học thêm tiếng Pháp", anh Hiệp đề xuất.
Thực tập thông thường tại Pháp ra sao?
Theo UEVF, ở bậc cử nhân và thạc sĩ, tùy theo ngành học và trường học, sinh viên có thể phải tham gia kỳ thực tập bắt buộc ngay từ năm nhất khoảng 1 đến 3 tháng. Ngoài ra, đa số sinh viên đều phải tham gia kỳ thực tập cuối khóa kéo dài tối đa 6 tháng.
Khi thực tập, mỗi công ty sẽ có chế độ trả lương riêng dựa trên năng lực cá nhân, tối thiểu 15% mức trần của bảo hiểm xã hội ở Pháp, và áp dụng với trường hợp thực tập từ 2 tháng trở lên. Nếu thời gian thực tập dưới 2 tháng, công ty có quyền không trả lương cho sinh viên.
Bình luận (0)