Cách đi chợ giúp dân trong những ngày “Ai ở đâu thì ở yên đó” ra sao?

29/08/2021 10:10 GMT+7

Hằng ngàn tình nguyện viên đã giúp người dân đi chợ trong những ngày “Ai ở đâu thì ở yên đó” nhằm hạn chế tối đa việc người dân ra khỏi nhà trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Trần Văn Tâm (28 tuổi) nhân viên công nghệ thông tin của Công ty VNG (khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM), tham gia tình nguyện đi chợ giúp dân tại P.Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức, TP.HCM. 

Muốn bà con có bữa ăn đầy đủ trong những ngày giãn cách

Anh Tâm chia sẻ: “Công việc đi chợ hàng ngày của mình bắt đầu từ lúc 6 giờ 30. Khi ấy, tập trung tại Nhà văn hoá của phường theo lịch của Đoàn thanh niên thông báo trên group để nhận đơn đi chợ, đơn hàng từ 10 đến 20 tuỳ theo ngày. Sau đó, mình chia đơn hàng theo từng combo hoặc theo các cửa hàng, siêu thị và cùng với một đoàn viên đi đến từng chỗ bán để mua những món đồ theo đơn hàng của người dân yêu cầu. Khi hoàn tất việc mua hàng thì quay về tập trung tại nhà văn hoá của phường, phân chia các mặt hàng theo từng đơn kèm tiền dư và đánh dấu trên từng đơn hàng. Cuối cùng, mình gọi cho từng hộ cư dân chuẩn bị nhận các mặt hàng trước khi đến giao khoảng 5 đến 15 phút".
Anh Tâm cho biết thêm khi giao các đơn hàng mình phải đưa tận tay, chờ người dân kiểm tra lại hàng hóa và tiền thừa. Công việc cứ lặp đi lặp lại trong ngày như thế cho đến giờ nghỉ trưa và buổi chiều vẫn tiếp tục công việc cho đến khi hết đơn hàng.

Bộ đội đi chợ hộ dân, chuyển giúp siêu thị hàng ngàn combo mỗi ngày

Thanh niên tình nguyện trong đội hình đi chợ của P.Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức (TP.HCM) vào siêu mua hàng cho người dân

Thanh Hậu

Anh Tâm cũng cho biết: “Bản thân mình cũng như các đoàn viên khác trung bình một ngày đi chợ giúp cho từ 10 đến 20 đơn hàng tùy theo khu vực có hộ dân nhiều hay ít. Khó khăn chung đa phần là trong đơn hàng của hộ dân là không có mặt hàng mà họ yêu cầu đó hay mặt hàng đó tại siêu thị không đủ số lượng. Thường những trường hợp như thế này tôi phải gọi lại cho hộ dân đó trao đổi là có nên đổi mặt hàng hay là phải mua đúng đơn đó, nếu thế thì mình phải chạy tiếp qua một siêu thị khác để tìm hàng mua đúng theo yêu cầu của họ”.

Thanh niên tình nguyện trong đội hình đi chợ của P.Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức (TP.HCM) vào siêu mua hàng cho người dân

Thanh Hậu

Tâm kể: “Trong quá trình đi chợ, mình có một kỷ niệm mua đơn hàng cho một gia đình chỉ có 2 ông bà lớn tuổi. Hôm đó lúc giao hàng trời mưa, khi giao đơn hàng bà rất mừng vì bà nói bữa giờ bà không có đồ ăn gì trong nhà nay nhờ có các cháu đi chợ giúp bà vui lắm, bà sợ nhà trong hẻm sâu nên không có ai hỗ trợ. Trong đơn hàng còn dư 23.000 đồng, bà gửi cho chúng tôi để dành uống nước, bà thuyết phục mãi nhưng tôi không dám nhận vì tôi nghĩ trong lúc này bản thân mỗi gia đình điều có những khó khăn riêng mình nên giúp người ta còn không hết nữa sao nhận của họ được".

Giao hàng cho người dân

Thanh Hậu

Một ngày đi chợ của mình để giúp bà con cũng khá thú vị

Chia sẻ về cách thức và quy trình đi chợ giúp bà con tên địa bàn P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức (TP.HCM), Nguyễn Thị Mỹ Nhàn, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nói: “Hiện tại, thành phố đang giãn cách và siết chặt với phương châm “ai ở đâu thì ở yên đó”, mình và các bạn xung phong đi chợ giúp bà con để họ vẫn có đủ lương thực, nhu yếu phẩm sinh hoạt thoải mái hơn. Một ngày đi chợ của mình để giúp bà con cũng khá thú vị. Đó là nhận phiếu mua hàng và tiền của dân trước 18 giờ tối hôm trước, sáng hôm sau mình tranh thủ thức dậy thật sớm để mua kịp giao hàng cho dân nấu cơm trưa. Vì là con gái thường xuyên đi chợ cho mẹ nên việc tìm kiếm và mua thế nào cho đúng và hợp lý của em cũng không mấy khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn trong vấn đề đi chợ của em là vận chuyển, bởi có khi người dân gửi mua quá nhiều đồ: nào tã em bé, dầu ăn, nước tương, nước mắm, gạo… Một lần đi chợ em phải đi một lúc 2, 3 đơn hàng để kịp giao đến các hộ dân và trung bình một ngày mình đi chợ giúp cho 30 hộ dân”.

Thanh niên tình nguyện trong đội hình đi chợ của P.Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức (TP.HCM) chuẩn bị chuyển hàng đến nhà người dân

Thanh Hậu

Cũng tham gia đi chợ giúp dân tại P.Tăng Nhơn Phú B trong những ngày qua, Phan Hà Thuý Uyên (22 tuổi), giáo viên Trường tiểu học Phạm Văn Chính, TP.Thủ Đức, bày tỏ: “Đối với em tham gia vào công tác tình nguyện đi chợ giúp bà con một phần giúp bà con yên tâm ở nhà để phòng, chống dịch tốt. Phần là vì muốn bà con có bữa ăn đầy đủ trong đợt giãn cách này”.

Thanh niên tình nguyện trong đội hình đi chợ của P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức (TP.HCM) vào siêu mua hàng cho người dân

Bích Trâm

Theo cô giáo Thúy Uyên, trung bình một ngày mình đi chợ giúp cho khoảng 10 - 20 đơn hàng của các hộ dân mà thời tiết không phải lúc nào cũng mát mẻ khô ráo nhiều lúc đi mua hàng trời nắng nóng, nhưng đôi khi trời lại mưa to ảnh hưởng đến việc di chuyển nên có khi có nhiều đơn hàng tới tận 19 giờ tối mình mới giao được cho bà con.
“Mặc dù đối với mình giao hàng như thế là quá trễ cứ sợ bà con trách nhưng khi nhận được hàng họ vẫn vui mừng niềm nở với mình và chính những nụ cười vui vẻ, niềm nở đó của người dân đã làm cho bản thân cảm thấy ấm lòng để tiếp tục công việc mỗi ngày đi chợ giúp bà con”.

Chạy 4 tiếng không mua hết 1 đơn, tình nguyện viên đi chợ hộ choáng váng

Thông tin các đơn hàng triển khai qua Zalo, in giấy hoặc link trực tuyến

Chị Nguyễn Thị Minh Hồng, Bí thư Thành đoàn TP.Thủ Đức, cho biết: “Chúng tôi đã triển khai thanh niên tình nguyện hỗ trợ giúp người dân đi chợ đến tất cả 34 phường trên địa bàn TP.Thủ Đức (mỗi phường có khoảng 40 thanh niên tình nguyện tham gia). Cách thức thực hiện như sau. Đầu tiên, phường triển khai đến các hộ dân thông tin các đơn hàng bằng 3 hình thức qua Zalo, in giấy gửi các hộ dân hoặc qua link trực tuyến của phường. Người dân chọn hàng và gửi về cho tổ trưởng tổ dân phố tổng hợp, sau đó gửi về cho đội tình nguyện để các bạn đi chợ giúp và giao hàng đến tận nhà cho người dân. Đội thanh niên tình nguyện sẽ nhận đơn trước 1 ngày và đi mua hàng cho người dân vào ngày hôm sau. Hóa đơn mua hàng sẽ gửi cùng thực phẩm cho người dân. Danh sách số điện thoại đường dây nóng theo từng phường cùng các đơn vị siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn được cung cấp công khai để tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân đăng ký mua hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.