Cho đến nay, không một quốc gia nào ở Đông Nam Á miễn thị thực cho du khách đến từ Trung Quốc hay Ấn Độ hoặc cả hai như Thái Lan vừa triển khai. Chỉ sau 1 tháng nhận chức, chính phủ mới của Thủ tướng Thái Srettha Thavisin đã bàn việc miễn thị thực cho khách Trung Quốc và chỉ cần 1 tháng, chương trình này được áp dụng. Ngay sau Trung Quốc, Thái Lan lại miễn thị thực cho khách Ấn Độ và Đài Loan. Không dừng lại ở đó, cho rằng miễn thị thực chưa đủ để tăng du khách đến và thúc đẩy chi tiêu, Thái Lan đang bàn tính đến việc tăng thời hạn lưu trú cho khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trong danh sách miễn thị thực.
Cụ thể, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đang có kế hoạch đề xuất với Nội các nới rộng chính sách miễn visa cho du khách từ hơn 50 quốc gia bằng việc kéo dài thời gian lưu trú từ 30 lên 90 ngày. Chính sách miễn visa "đúng và trúng" của Thái Lan được nhận định chính là chìa khóa thành công của du lịch nước này, kéo dài hàng thập kỷ. Đặc biệt giai đoạn sau Covid-19, các chính sách thị thực mới và đột phá của Thái Lan đã giúp du lịch Thái tăng tốc, tiếp tục bỏ xa các đối thủ trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Tính đến giữa tháng 11, Thái Lan đón hơn 23,4 triệu lượt khách quốc tế, thu về gần 28 tỉ USD. Nhóm 5 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Thái Lan gồm Malaysia (hơn 3,8 triệu lượt), Trung Quốc (2,9 triệu), Hàn Quốc (gần 1,4 triệu lượt), Ấn Độ (1,35 triệu) và Nga (gần 1,2 triệu lượt).
Trong khi đó, Việt Nam đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế trong 10 tháng qua, ngang với Singapore và Indonesia và đứng sau Malaysia (hơn 13 triệu). Những điểm đến khác của Đông Nam Á như Philippines, Campuchia, Lào đạt trên dưới 4 triệu... Những thị trường khách lớn nhất của Việt Nam gồm Hàn Quốc (2,9 triệu), Trung Quốc (1,3 triệu), Đài Loan (660.000 lượt), Mỹ (590.000 lượt), Nhật Bản (460.000 lượt).
Thái Lan hiện miễn thị thực cho công dân của 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 4 cái tên mới nhất vừa được bổ sung vào danh sách gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan và Đài Loan. Trong danh sách miễn visa của Thái Lan đáng chú ý bao gồm tất cả 27 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU); ngoài ra nước này cũng miễn visa cho khách Mỹ, Úc... Đây là những thị trường khách nguồn lớn trên thế giới.
Việt Nam cũng đã có những thay đổi tích cực trong đơn giản hóa thủ tục xin visa (tất cả du khách trên thế giới vào Việt Nam đều có thể lấy e-Visa), tăng thời hạn lưu trú cho cả khách e-Visa (từ 30 lên 90 ngày) và miễn visa (từ 15 lên 45 ngày) kể từ tháng 7.2023. Ngoài ra, hiện Việt Nam miễn visa cho công dân 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, so với Thái Lan là chênh lệch quá lớn (68). Đối với EU, Việt Nam miễn visa cho 7 nước thành viên là Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan.
Vào tháng 7 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực du lịch cho 27 quốc gia thành viên EU. Trong khi đó, từ nhiều năm trước, Thái Lan đã "xóa trắng" visa đối với thị trường khách EU. Chưa kể, không chỉ EU, hầu hết những thị trường khách còn lại mà Thái Lan miễn visa đều rất quan trọng, đảm bảo khả năng cung cấp một lượng du khách lớn hàng năm. Còn mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cũng đề xuất miễn visa cho du khách đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Bộ trưởng Du lịch Thái Lan Sudawan Wangsupakijkosol cho biết, biện pháp tăng thời hạn lưu trú cho du khách từ những thị trường được miễn visa sẽ giúp thúc đẩy hơn hiệu quả của chính sách này, đặc biệt là khách đến từ Trung Quốc và Kazakhstan vừa được miễn visa trong 5 tháng, kéo dài cho đến tháng 2.2024.
Trong giai đoạn đầu tiên, việc tăng thời gian lưu trú sẽ bao gồm chủ yếu các quốc gia trong và xung quanh châu Âu như Vương quốc Anh, Đức, các quốc gia Scandinavi và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS), bao gồm Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan.
Bà nói: "Chính sách miễn thị thực đã mang lại cơ hội chưa từng có cho Thái Lan để thu hút khách du lịch nước ngoài. Bộ cùng với Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đang thảo luận về kế hoạch kéo dài thời gian miễn thị thực sang các nước châu Âu, nơi có hầu hết du khách chi tiêu cao, nhằm khuyến khích họ ở lại Thái Lan lâu hơn".
Bà Sudawan cho biết thêm, du khách châu Âu chiếm khoảng 20% lượng khách du lịch nước ngoài và là nhóm lớn thứ hai sau du khách đến từ châu Á. Năm ngoái, thời gian lưu trú trung bình của người châu Âu là 18,55 đêm/người với mức chi tiêu trung bình là 66.000 baht mỗi chuyến.
"Năm nay, chi tiêu của du khách châu Âu có xu hướng tăng lên khoảng 80.000 baht mỗi chuyến".
TAT đã đặt mục tiêu doanh thu từ du khách nước ngoài là 2,5 tỉ baht vào năm 2024, trong khi khách du lịch Thái Lan sẽ đóng góp thêm 1.000 tỉ baht cho ngành, tạo nên tổng doanh thu du lịch 3.500 tỉ baht vào năm tới.
Sudawan cho biết: "Chúng tôi đặt mục tiêu tăng hơn nữa doanh thu từ du khách nước ngoài vào năm 2025 lên 3.000 tỉ baht. Điều này có thể đạt được vì ngành hàng không trên toàn thế giới dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn vào giữa năm 2024, khôi phục các chuyến bay từ các nước châu Âu đến Thái Lan".
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 8, Thủ tướng Srettha đã xác định du lịch là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thái Lan.
Ngoài nhanh chóng miễn visa cho các thị trường khách lớn, Thái Lan đồng thời yêu cầu các hãng hàng không bổ sung thêm nhiều tuyến bay và hợp lý hóa hoạt động của sân bay để giảm thời gian chờ đợi cho du khách.
Đặc biệt, chính phủ Thái Lan cũng có kế hoạch cho phép các địa điểm giải trí về đêm ở một số khu vực ở Bangkok, Phuket, Chiang Mai và Chonburi hoạt động đến 4 giờ sáng bắt đầu từ tháng 12 tới.
Các nước ở Đông Nam Á tương đồng về mặt tài nguyên thiên nhiên cũng như di sản lịch sử; sở hữu những giá trị văn hóa, ẩm thực ngang nhau, nhưng chỉ có nước nào "nhanh tay" hơn và linh hoạt trong chính sách, đặc biệt là thị thực, mới có thể đưa du lịch vượt lên, bỏ xa các đối thủ còn lại.
Thủ tục visa chậm, Việt Nam mất khách vào tay Thái Lan...
Theo Sở Du lịch TP.HCM, nút thắt visa đã mở khi triển khai visa điện tử ở tất cả thị trường, nhưng thực tế hồ sơ, thủ tục liên quan đến duyệt visa vẫn còn chậm và chưa thật sự thông thoáng, mất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục.
Trong khi, số lượng các nước được Việt Nam miễn thị thực còn quá thấp so với những quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Những yếu tố trên dẫn lượng khách từ các thị trường trọng điểm, thị trường mới, tiềm năng vẫn mất chi phí cao, tốn nhiều thời gian, để được duyệt thủ tục. Do đó, du khách và đối tác dần chuyển sang các thị trường khác cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong lĩnh vực du lịch như Thái Lan, Singapore.
Sở vì thế kiến nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ xin cấp thị thực theo đoàn của các doanh nghiệp lữ hành (theo hình thức trực tiếp).
Bình luận (0)