Sử dụng ống hút lệch một bên giảm nhăn da mặt?
“Hút lệch” ý chỉ cách đặt ống hút lệch sang một bên miệng và bặm môi (không chu miệng) để hút thức uống, đang được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, quan tâm. Được biết, đây là cách dùng ống hút của nhiều ca sĩ, người nổi tiếng.
Chị Bùi Ngọc Anh Thư (21 tuổi, ở quận Tân Phú, TP.HCM) đã thay đổi thói quen hút ống hút bình thường sang cách “mới” này.
Chị Thư chia sẻ: “Vì nghe bạn bè và thông tin trên mạng xã hội nói hút như vậy sau này sẽ hạn chế tạo nếp nhăn ngay miệng nên mình làm theo. Lúc mới làm cũng chưa quen lắm, nhưng giờ mình chuyển sang cách hút này luôn rồi. Chưa biết có đỡ nhăn hay không nhưng nhìn dễ thương, với cũng đỡ trôi son nữa...”.
Chị Đỗ Giao Nhi (21 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng cho rằng cách đặt ống hút lệch sang một bên miệng và bặm môi cũng mang lại lợi ích: “Lúc đầu mình cũng không tin lắm, chỉ làm theo thử cho biết thôi, sau đó cảm giác cách này giúp cơ miệng bớt căng hơn nhiều”.
Mặt khác, vẫn có nhiều người dù biết “trào lưu” này nhưng không thực hiện theo, thậm chí cho rằng nó có thể gây nhiều tác hại như méo miệng, lệch mặt, khó hút thức uống hơn cách truyền thống… Nhiều luồng ý kiến nổi lên có khả năng gây hoang mang, tạo cảm giác mơ hồ, bán tín bán nghi đối với bộ phận công chúng quan tâm vấn đề này.
Chưa có bằng chứng khoa học ngăn lão hóa
Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Quý, Phòng khám Da - thẩm mỹ y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, hút ống hút là một hành động phức tạp, liên quan đến sự phối hợp của nhiều cơ trên khuôn mặt, gồm các nhóm cơ chính:
Cơ vòng miệng (Orbicularis oris): Bao quanh miệng, co lại để tạo lực và áp suất âm trong miệng, giúp hút chất lỏng.
Cơ má (Buccinator): Nằm sâu trong má, giữa hàm trên và hàm dưới, hỗ trợ hút bằng cách ép má vào răng, ngăn má bị phồng ra khi uống.
Cơ gò má lớn và nhỏ (Zygomaticus major và minor): Kéo dài từ xương gò má đến góc miệng. Vai trò nâng nhẹ khóe miệng, hỗ trợ trong việc giữ ống hút cố định.
Cơ nâng môi trên (Levator labii superioris): Từ xương gò má và mũi kéo xuống môi trên. Vai trò nâng môi trên để giữ ống hút đúng vị trí.
Cơ cắn (Masseter) và cơ thái dương (Temporalis): Nằm ở bên mặt và thái dương. Vai trò giữ hàm ổn định trong khi cơ khác hoạt động để hút.
Cơ cằm (Mentalis): Nằm ngay phía dưới môi dưới, ở phần cằm. Vai trò co nhẹ để kiểm soát chuyển động môi dưới trong khi hút.
Khi hút ống hút, cơ vòng miệng co lại để khép môi, tạo áp lực âm. Đồng thời, cơ má hoạt động để giảm không khí trong khoang miệng, tạo lực hút. Các cơ khác như cơ gò má và cơ nâng môi trên giữ ống hút cố định. Cơ hàm và cơ thái dương đảm bảo vị trí hàm ổn định.
Nói về tác dụng của cách “hút lệch”, bác sĩ Quý cho biết: “Không có bằng chứng khoa học chứng minh rằng hút ống hút lệch, không chu miệng sẽ giúp ngăn ngừa lão hóa vùng miệng và má. Những lời đồn này có thể xuất phát từ quan niệm rằng việc sử dụng cơ miệng quá mức (như chu miệng mạnh) có thể tạo nếp nhăn quanh miệng (smoker’s line). Tuy nhiên, việc hút ống hút, dù theo cách nào, chỉ tác động rất nhỏ đến cơ mặt và không đủ để tạo sự khác biệt rõ rệt về lão hóa”.
Lão hóa cơ mặt là kết quả của nhiều yếu tố như mất collagen và elastin, teo cơ giảm mỡ dưới da, tổn thương da do tia UV, ô nhiễm môi trường, thói quen biểu cảm lặp đi lặp lại (chu miệng, cau mày, hút thuốc), thiếu sự chăm sóc da và cơ mặt… Do vậy, cả hai cách hút đều không có ảnh hưởng lớn đến việc ngăn ngừa hoặc gây lão hóa. Tuy nhiên, hút ống hút quá nhiều, đặc biệt là với lực mạnh và thường xuyên, có thể tạo thêm áp lực lên cơ vòng miệng.
“Nếu thực hiện quá thường xuyên và kéo dài động tác chu miệng có thể hình thành nếp nhăn động (do cử động cơ lặp đi lặp lại, giống như nếp nhăn do cau mày hoặc cười). Trong khi đó, đặt ống hút lệch một bên và hút không chu miệng sẽ giảm áp lực lên cơ vòng miệng. Tuy nhiên, lực hút có thể tạo ra sự căng cơ không đồng đều ở các vùng má hoặc miệng, nhưng mức độ tác động này không đáng kể”, bác sĩ Quý nói thêm.
Các thói quen vô tình thúc đẩy lão hóa cơ mặt
Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Quý, các thói quen sau góp phần khiến cơ mặt nhanh “già” đi:
Nheo mắt thường xuyên: Hình thành nếp nhăn quanh mắt (crow’s feet).
Chu miệng hoặc mím môi mạnh: Gây nếp nhăn quanh miệng (smoker’s lines).
Ngủ nghiêng hoặc úp mặt: Áp lực liên tục lên một bên mặt có thể dẫn đến nếp nhăn cố định.
Nhai một bên: Gây mất cân đối cơ mặt.
Chống cằm lên tay: Tạo áp lực lên vùng má và cằm.
Thiếu bảo vệ da trước tia UV: Làm mất collagen, gây chảy xệ và tạo nếp nhăn.
Biểu cảm căng thẳng (cau mày): Lặp đi lặp lại có thể hình thành nếp nhăn động.
Bình luận (0)