Cách giúp học sinh lấy từ 8 điểm/môn kỳ thi tốt nghiệp THPT

29/06/2022 07:35 GMT+7

Học sinh lớp 12 cần học và ôn thi như thế nào để đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sắp tới?

Thí sinh tham gia trong một kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM

ĐỘC LẬP

"Chiêu" học và làm bài thi các môn: toán, lý, hóa

Trao đổi với PV Thanh Niên, một số sinh viên chia sẻ bí quyết ôn thi để đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Ở môn toán, Nguyễn Hữu Hòa, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, lưu ý, nếu thí sinh đặt mục tiêu làm bài đạt điểm cao thì thí sinh chỉ nên dành khoảng 15 phút để làm 20-25 câu đầu trong bài thi trắc nghiệm vì phần này khá dễ.

“Tuy nhiên, thí sinh cần cẩn thận để không mất điểm ở những câu này”, Hòa lưu ý.

Cũng theo Hòa, nếu thí sinh đặt mục tiêu đạt 8 điểm môn toán thì phải làm được 40/50 câu trong đề thi. Lý do là đề thi có câu hỏi được sắp xếp theo mức độ khó tăng dần. "Vì thế, trước khi tính đến chuyện làm những câu khó ở mức độ vận dụng cao thì thí sinh phải làm chắc ở phần vận dụng trở xuống, tức là từ câu 1 đến câu 40", nam sinh viên chia sẻ.

Thi tốt nghiệp THPT: ôn thi làm sao để trở thành… thủ khoa?

Về cách ôn tập môn toán ở nhà, Hòa khuyên: “Học sinh nên luyện theo các chuyên đề riêng lẻ để tối ưu hóa tốc độ, sau đó giải đề thi thử để quen với việc phân bổ thời gian”.

Từng học chuyên khối A ở bậc THPT, Trần Văn Mạnh, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, cho rằng thí sinh muốn đạt điểm cao các môn toán, vật lý, hóa học thì trước hết phải nắm chắc nội dung trong sách giáo khoa.

“Đối với môn hóa, tôi thường vẽ sơ đồ tư duy để hệ thống kiến thức đã học, tránh nhầm lẫn các kiến thức với nhau", Mạnh chia sẻ.

Thí sinh làm bài thi môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại TP.HCM

Độc Lập

Về phương pháp học môn vật lý, Mạnh cho biết học công thức cơ bản, vận dụng vào từng trường hợp khi hiểu được vấn đề đồng thời liên hệ, tìm hiểu những gì mà môn học có liên quan đến đời sống thực tế.

Còn với môn toán, Mạnh cho rằng thí sinh thường sẽ mắc lỗi ở việc đọc không kỹ đề thi.

Theo dõi đề thi các môn thi thuộc khối A những năm gần đây, Mạnh nhận xét: “Lý thuyết chiếm phần lớn số lượng câu hỏi, những câu này không đòi hỏi cao việc phân tích. Chính vì vậy, học sinh chỉ cần học chắc kiến thức cơ bản nhất của từng chương: định nghĩa, ký hiệu, công thức có trong sách giáo khoa là cơ bản có thể làm bài tốt”.

Để tự tin thi tốt nghiệp THPT, Mạnh lưu ý: “Thí sinh nên thu thập các câu hỏi lý thuyết từ đề thi chính thức của Bộ GD-ĐT trong những năm trước. Bên cạnh đó, học sinh cần nắm vững công thức trong sách giáo khoa để làm các câu hỏi bài tập ở mức nhận biết và thông hiểu”.

Môn văn: cần xác định từ then chốt để không bị lạc đề

Đối với môn văn, Nguyễn Thị Minh Dung, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khuyên thí sinh cần chú ý những từ then chốt khi đọc đề bài để không bị lạc đề.

"Phần văn xuôi, thí sinh cần nắm kỹ những nội dung cơ bản trong tác phẩm, hiểu về nhân vật thông qua các đoạn hội thoại, hiểu về thông điệp của tác giả thông qua chính nhân vật để xâu chuỗi lại vấn đề. Thí sinh không cần phải ghi nhớ tất cả nội dung trong tác phẩm vì điều đó dễ rối và không rút ra được ý trọng tâm", Minh Dung lưu ý.

Thí sinh cần đọc kỹ đề thi

ĐỘC LẬP

Còn đối với thơ, Dung cho rằng thí sinh nên chú ý những đoạn trọng tâm về ý nghĩa và nghệ thuật để phân tích tốt hơn.

“Học văn là tự khai thác suy nghĩ, cảm nhận của mình. Để cải thiện được kỹ năng viết, các bạn cần phải đọc tác phẩm và những gì có liên quan đến tác phẩm sẽ giúp bạn cải thiện khả năng tư duy văn học của mình. Đặc biệt, học sinh phải biết vận dụng nhiều kỹ năng và kiến thức từ học tập cũng như trong cuộc sống để làm bài thi môn văn thật tốt", Dung khuyên các sĩ tử trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.