“Ngộp” với kiến thức triết học hàn lâm
Nội dung khó hiểu, cách giảng bài khô khan, dài dòng, ngôn ngữ giáo trình nhiều từ chuyên ngành… là những lý do khiến sinh viên “ám ảnh” với môn triết học.
Học môn đại cương vào năm 1, Nguyễn Hoàng Phúc, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho rằng triết học là một môn học cực kỳ khó. “Ở bậc THPT, tôi học phân ban tự nhiên, ít học các môn xã hội nên khi học môn này tôi bị rối. Có quá nhiều định nghĩa phải học mà giảng viên lại giảng khó hiểu, dù có đọc trước giáo trình nhưng tôi vẫn không theo kịp. Tôi học trực tuyến 30% nhưng có nhiều bạn vào lớp triết học chỉ để điểm danh rồi thoát ra khỏi phòng”, Hoàng Phúc kể.
Còn Bùi Trí Dũng, sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói: “Một nguyên nhân khiến sinh viên nhàm chán với triết học và tìm cách nghỉ học là do cách dạy của giảng viên quá hàn lâm, không thực tế, không có ví dụ thực tiễn. Tôi nghĩ nên có sự so sánh các nền triết học khác nhau trên thế giới vì mỗi bộ phận có ưu và nhược điểm riêng”.
Với những môn đại cương, người học phải vận dụng kiến thức môn học để liên hệ lý luận thực tiễn vào cuộc sống, học tập, trong các hoạt động hằng ngày |
đào ngọc thạch |
Áp dụng kiến thức triết học vào thực tiễn cuộc sống
Trong khi đó, không ít sinh viên vẫn nhìn nhận được tính hấp dẫn của môn học bị cho là khô khan này.
Chẳng hạn, Nguyễn Phương Vy, sinh viên khoa chính trị-hành chính (ĐH Quốc gia TP.HCM), hào hứng nói: “Triết học nghiên cứu về những vấn đề chung và cơ bản của con người, thế giới quan và vị trí của con người trong thế giới quan, sự tồn tại, kiến thức, giá trị, quy luật, ý thức và ngôn ngữ. Khi giảng bài, giảng viên luôn lồng ghép những câu chuyện về thế giới xung quanh giúp tôi hiểu rõ hơn về vấn đề đang học”, Phương Vy nói.
Theo Nguyễn Ngô Thiên Hải, sinh viên khoa báo chí-truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cái hay của môn triết là tập cho sinh viên cái nhìn nhiều chiều khi xem xét và kết luận một vấn đề. “Để đạt điểm cao ở môn học này thì cần hạn chế học thuộc lòng và cụ thể hóa kiến thức trừu tượng vào những việc trong cuộc sống để thấy rõ bản chất của nó. Tôi nghĩ chỉ nên học thuộc những phát biểu của những nhà triết học nổi tiếng”, nam sinh chia sẻ cách học.
Còn theo quan sát của Phạm Khắc Hiếu, sinh viên khoa báo chí-truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lượng sinh viên bỏ tiết hoặc học để qua môn chiếm tỷ lệ khá lớn ở các môn đại cương, trong đó có môn triết học. Nam sinh viên nhận xét: “Nếu chịu nhìn nhận thấu đáo, sinh viên sẽ dễ dàng áp dụng kiến thức triết học vào thực tiễn cuộc sống. Sinh viên nên chia nhỏ vấn đề ra để phân tích, gắn vấn đề đó vào cuộc sống hằng ngày thì mới có thể nhớ lâu”.
Sinh viên năm 1 thường cảm thấy khó khăn với những môn đại cương |
thành công |
Giáo viên linh động, đề theo hướng mở
Trao đổi PV Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khá, Trưởng khoa Giáo dục chính trị Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chỉ ra một số nguyên nhân khiến sinh viên cảm thấy nhàm chán khi tiếp xúc với các môn đại cương, triết học. Một trong số đó là do người học chưa đánh giá đúng vị trí, vai trò của môn học.
“Nhiều sinh viên cho rằng đây là môn bắt buộc, môn chung trong chương trình đào tạo nên phải học. Bên cạnh đó, triết học thường được dạy vào năm 1 nên học sinh THPT mới lên ĐH vẫn còn quen với cách học ‘cầm tay chỉ việc’, chưa có kinh nghiệm tự học nên dễ bị ‘ngộp’. Điều này cần phải khắc phục để học sinh phát huy khả năng nghiên cứu độc lập của bản thân”, thầy Khá nói.
Ngoài ra, một bộ phận sinh viên chỉ tập trung học các môn chuyên ngành, bị ảnh hưởng suy nghĩ kinh tế thị trường, thực dụng, cái gì giúp ích trực tiếp cho cuộc sống sau này thì mới học còn những môn chung thì cho rằng không cần thiết, học chỉ để tốt nghiệp… cũng là điều mà thầy Khá quan sát được.
Về ý kiến cho rằng kiến thức giáo trình quá dài dòng, thầy Khá thông tin: "Giáo trình giảng dạy hiện đã khắc phục được hạn chế về mặt cấu trúc và nội dung. Kiến thức được sắp xếp đúng theo logic của tư duy lý luận và vận dụng lý luận vào thực tiễn, hạn chế tính hàn lâm, kinh nghiệm giáo điều, đảm bảo tính hệ thống, phản ánh đúng bản chất khoa học... Sinh viên có thể tự đọc giáo trình để hiểu và vận dụng nhận thức khoa học vào trong chuyên ngành của bản thân hoặc vào các vấn đề trong cuộc sống", thầy Khá lưu ý.
Để sinh viên có thích thú với môn học hay không thì vai trò của người thầy hết sức quan trọng. Thầy Khá nhận định: "Giáo trình chỉ là kiến thức cơ bản, trên cơ sở ấy, giảng viên phải cập nhật thông tin, đặc biệt là kiến thức khoa học, kiến thức thực tiễn để minh họa sinh động trong giờ dạy và phải liên quan đến chuyên ngành học của sinh viên. Giáo viên dạy triết học cho các ngành khoa học tự nhiên thì phải có ví dụ liên quan đến thành tựu của các ngành này. Giảng viên dạy triết học cho ngành văn học thì phải có hiểu biết về văn học, lịch sử… để minh họa".
Ngoài ra, thầy Khá cho biết: “Hiện nay, cách ra đề sẽ theo hướng mở để kiểm tra sự hiểu biết của sinh viên, hạn chế chép thuộc lòng kiến thức trong giáo trình, phải có câu hỏi suy luận. Người học phải vận dụng kiến thức môn học để liên hệ lý luận thực tiễn vào cuộc sống, học tập, trong các hoạt động hằng ngày. Nhiều sinh viên khi tìm ra sự liên kết giữa triết học và đời sống đã thay đổi nhận thức, cảm thấy yêu thích môn học này".
Bình luận (0)