Việc lau dọn bàn thờ, bày mâm ngũ quả ngày Tết được các gia đình Việt coi trọng và được xem là một trong những việc để thể hiện lòng biết ơn, hiếu kính với ông bà tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên trong mỗi gia đình cũng thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất hoặc chính giữa nhà.
Lau dọn bàn thờ sao cho đúng?
Ông Hoàng Triệu Hải - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương cho biết, thông thương, sau khi cúng đưa ông Táo về trời từ 23 tháng Chạp đến ngày 30 Tết là thời gian các gia đình Việt sẽ dọn dẹp, lau chùi bàn thờ, ảnh thờ và các vật dụng trên bàn thờ tổ tiên.
Theo ông Hải, ở các đền, chùa, người phụ trách chính sẽ là người mang các vật dụng lần lượt xuống để lau chùi. Ở quê thì công việc này do người trưởng họ, trưởng chi hoặc con trưởng đứng ra phụ trách. Và dù là ai thực hiện thì một lưu ý quan trọng nhất khi lau dọn bàn thờ là kiêng di dời bát hương.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương hướng dẫn, việc lau bàn thờ sẽ được bắt đầu bằng cách dùng cây phất trần phẩy cho sạch bụi, sau đó dùng khăn sạch thấm vào rượu ngâm gừng (rượu gừng) lau chùi bát hương, ngai thờ, bài vị rồi mới đến các đĩa bát thờ cúng. Sau cùng là lau sạch ban thờ, lọ hoa.
|
Sau khi lau dọn xong thì sắp xếp bài vị và ngai ở trong cùng, bát hương thần linh thường được đặt ở vị trí cao nhất, hai bên thì một bên là bát hương gia tiên và tổ cô ông mãnh.
"Một sai lầm thường gặp nhất hiện nay là một số gia đình để lư đồng hoặc hai con hạc sau bát hương. Về nguyên tắc, bát hương lư trầm bằng đồng phải để phía trước ban thờ, hai con hạc ở hai bên, chứ không phải để phía sau bát hương. Phía sau bát hương chỉ để bài vị hoặc là ngai, có thể có ảnh bài vị cạnh bát hương, ảnh của ông cha tổ tiên.
Sau bát hương là mâm bồng ngũ quả, có thể để 1 mâm ở giữa hoặc 2 mâm ở bên, 5 chén nước để ở ngoài cùng, 2 bên ban thờ là 2 chân đèn để nến.
Còn theo TS Dương Hoàng Lộc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, đến dịp gần Tết, nhà nào cũng lau dọn bàn thờ sạch sẽ, các lư đồng được mang đi đánh bóng để sạch sẽ bụi bẩn của năm cũ, chào đón một năm mới sáng láng hơn.
Theo TS Lộc, hiện vẫn còn một số gia đình lau dọn bàn thờ bằng cách nấu nước ngũ vị hương vẩy nước lên bàn thờ, trong bếp để tẩy uế. Công việc lau dọn bàn thờ có thể mở đầu bằng việc chùi rửa và đánh bóng lư đồng, thay bát nhang, làm sạch bàn thờ, không để vướng bụi.
Ông Lộc cho hay, một số gia đình vẫn lau dọn bằng cách dùng khăn nhúng nước sạch cho ướt rồi lau bụi sạch sẽ. Riêng tượng Phật, tượng ông Địa, ông Thần tài thì được "tắm" bằng rượu để thơm tho, thanh tẩy bụi bặm.
Việc lau dòn bàn thờ phải được thực hiện với thái độ tôn trọng, bát hương phải để yên một chỗ không được bê lên bê xuống làm mất sự tôn nghiêm, tôn kính, kể cả tượng Phật, trừ khi thấy quá bụi mới bê xuống để lau chùi.
Khi sắp xếp bàn thờ, TS Dương Hoàng Lộc lưu ý mọi người cần nhớ nguyên tắc "đông bình, tây quả". Tức là đứng hướng bàn thờ nhìn ra rồi để bình bông ở tay phải, mâm ngũ quả để bên trái.
Bày mâm ngũ quả
Một sư thầy tại chùa ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết, ngày Tết, người Việt thường dùng những sản vật cây trái do chính mình tạo ra để dâng lên ông bà tổ tiên, trời đất. Sở dĩ người Việt chuộng số 5 vì có 5 yếu tố cấu thành lên vũ trụ, ngũ hành. Số 5 cũng thể hiện ước muốn ngũ phúc lâm môn của người Việt gồm: phú, quý, thọ, khang, ninh.
Ở miền Nam, các gia đình Việt thường chọn những loại trái tròn trịa như bưởi da xanh, dưa hấu ruột đỏ để thờ. Dân gian quan niệm, ngày đầu năm khi hạ lễ, bổ ra quả dưa hấu đỏ au, mọng nước thì năm đó gia chủ làm ăn phát tài.
|
Do cách phát âm mà cách lựa trái cây bày mâm ngũ quả của người miền Nam cũng rất thú vị, ám chỉ cho ước nguyện về đời sống hưng thịnh. Ví dụ: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, thơm (dứa)… với nghĩa: “Cầu vừa đủ xài thơm”, hay mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài với nghĩa "Cầu sung vừa đủ xài",...
Trong khi đó, mâm ngũ quả của người miền Bắc lại thường có chuối vì nải chuối có tượng hình như bàn tay Phật, bao bọc, che chở con người qua vạn sự bình an. Ngoài ra, mâm ngũ quả miền Bắc còn có bưởi, đào, quýt, hồng.
Dù vậy, do cách phát âm nên người miền Nam không cúng chuối vào ngày Tết vì chuối đọc phát âm giọng miền Nam là “chúi”, có nghĩa mọi chuyện không thành. Người miền Nam còn kiêng cúng trái lê (nghĩa lê lết), sầu riêng (buồn phiền quanh năm)…
Ngày nay, vì điều kiện cuộc sống dư dả, nhiều nhà mâm cúng đã nhiều loại trái hơn, miễn là đẹp mắt nhưng người ta vẫn quen gọi là “mâm ngũ quả”.
"Theo quan niệm nhà Phật, mâm ngũ quả bắt buộc có những quả gì mà quan trọng là nó đã thể hiện được tấm lòng thành kính, tri ân của con cháu với ông bà tổ tiên, đất trời trong thời khắc thiêng liêng của năm mới", vị sư thầy chia sẻ.
Bình luận (0)