Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) được phát hiện lần đầu tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12.2019. Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, tính đến 18 giờ ngày 2.2.2020, tổng số ca nhiễm nCoV (viêm phổi Vũ Hán) trên thế giới là 14.642, trong đó tại Trung Quốc là 14.462 ca; tổng số ca tử vong là 305 (tại Trung Quốc 304 ca, tại Philippines 1 ca); tổng số trường hợp mắc bên ngoài Trung Quốc là 180 trường hợp tại 26 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Một Việt kiều nhiễm nCoV sau khi quá cảnh Vũ Hán 2 giờ
Tại Việt Nam, tính đến 16 giờ chiều qua đã ghi nhận 7 người mắc nCoV, gồm: 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi); 3 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, 1 công dân Việt Nam là lễ tân ở Nha Trang (Khánh Hòa) có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc và bệnh nhân mới nhất là 1 công dân Mỹ gốc Việt trên đường về Việt Nam có quá cảnh tại Vũ Hán.
Sáng 2.2, Bộ Y tế đã công bố ca nhiễm nCoV thứ 7 điều trị tại Việt Nam. Theo đó, ngày 14.1, ông T.K.H (73 tuổi, người Mỹ gốc Việt) bay từ Mỹ về Việt Nam trên chuyến bay ký hiệu 660 của Hãng hàng không China Southern. Ngày 15.1, ông H. quá cảnh tại sân bay của Vũ Hán trong 2 giờ. Ngày 16.1, ông H. về tới sân bay Tân Sơn Nhất và di chuyển đến một khách sạn tại P.5, Q.3 để lưu trú.
Từ ngày 26.1, ông H. có biểu hiện ho nhiều, không sốt. Đến chiều 31.1, ông H. được đưa vào Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TP.HCM). Tại đây, ông được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 1.2 tại BV Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur TP.HCM khẳng định ông H. nhiễm nCoV.
|
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết bệnh nhân H. hiện được điều trị cách ly nghiêm ngặt trong phòng áp lực âm. Phòng này không cho không khí tự thoát ra ngoài mà phải thông qua bộ lọc hepafilter trước khi thoát ra, nhằm ngăn sự lây lan virus ra môi trường xung quanh. Còn nhân viên y tế khi vào chăm sóc bệnh nhân phải được trang bị bảo hộ nghiêm ngặt.
“Sáng nay (2.2) bệnh nhân khỏe, ăn được. Bệnh nhân không sốt, nhịp tim thở điều nhưng vẫn phải thở ô xy qua mask, dùng thuốc kháng sinh, kháng virus. Cũng trong ngày 2.2, bệnh nhân được xét nghiệm và chụp X-quang lại phổi”, TS-BS Châu thông tin.
Ngày 1.2, hệ thống phòng dịch của thành phố đã lập tức tiến hành điều tra dịch tễ quá trình lưu trú và tiếp xúc của bệnh nhân H. nói trên. Hiện Trung tâm kiểm soát bệnh tật của TP.HCM đã lập danh sách 15 người từng tiếp xúc với bệnh nhân H., gồm 7 nhân viên và 8 khách đang lưu trú trong khách sạn để theo dõi tình trạng sức khỏe đến hết ngày 15.2.
“Những người này hiện chưa có biểu hiện bất thường về sức khỏe và được hướng dẫn tự cách ly. Hệ thống phòng dịch đang tiến hành điều tra các địa điểm bệnh nhân lui tới và 26 khách đã lưu trú tại khách sạn trong thời gian bệnh nhân lưu trú mà đã trả phòng. Đối với phòng bệnh nhân đã lưu trú khách sạn đã thực hiện khử khuẩn; Đồng thời khử khuẩn toàn bộ khách sạn, đặc biệt là hệ thống máy lạnh, hành lang, khu vực tiếp tân, các vật dụng cầm tay của người bệnh”, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật của TP.HCM nói và cho biết thêm, trung tâm tiếp tục tăng cường công tác giám sát tại khách sạn và các khu vực có liên quan.
Nhiều BV lập khu cách ly tách biệt
Trong chiều 2.2, Sở Y tế TP.HCM đã họp với các đơn vị liên quan để bàn kế hoạch phòng chống dịch. PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chỉ đạo tất cả cơ sở y tế trực thuộc khẩn trương và sẵn sàng triển khai khám sàng lọc và tiếp nhận điều trị người bệnh nghi ngờ nhiễm nCoV; tổ chức diễn tập quy trình cho nhân viên y tế có tham gia khám, theo dõi, điều trị và quản lý người nghi ngờ mắc bệnh để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống dịch bệnh xảy ra tại đơn vị.
Các BV, đơn vị y tế khi cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán ca nghi nhiễm nCoV thì lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur TP.HCM và BV Bệnh nhiệt đới TP (giúp gợi ý chẩn đoán khi chưa có kết quả của Viện Pasteur); hạn chế vận chuyển người bệnh khi chưa cần thiết. Khi người nghi nhiễm có diễn biến nặng hoặc xác định dương tính với nCoV thì chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới. Trường hợp BV Bệnh nhiệt đới sử dụng hết giường dự phòng, người bệnh được chuyển đến BV Chợ Rẫy hoặc 3 BV nhi của TP.HCM (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP). Trung tâm cấp cứu 115 và các trạm cấp cứu vệ tinh của TP.HCM chịu trách nhiệm khám sàng lọc và vận chuyển bệnh nhân cấp cứu ngoài BV về BV Bệnh nhiệt đới...
BV Bệnh nhiệt đới và BV Nhi đồng thành lập 2 đội cơ động phản ứng nhanh tại mỗi BV. BV Nhi đồng 2 thành lập 1 đội cơ động. Các đội cơ động phản ứng nhanh được trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, thuốc cấp cứu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị trên địa bàn TP và khu vực phía nam khi có yêu cầu và điều động của Bộ Y tế. BV Bệnh nhiệt đới chịu trách nhiệm tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do nCoV mới ban hành của Bộ Y tế cho các BV trên địa bàn TP và các phòng khám đa khoa.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, cho biết dù BV đang sửa chữa nhưng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 7 giường bệnh cách ly, có đầy đủ ô xy, thuốc men, thiết bị. Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2, cũng cho biết BV đã sẵn sàng 30 giường bệnh cách ly tại khoa nhiễm, trong đó có 10 giường dành cho bệnh nhân nặng. Sức chứa tối đa của Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 là 200 giường, khi cần thiết có thể trưng dụng cách ly vì khoa này nằm riêng biệt, không ảnh hưởng đến khoa khác.
Với vai trò một “đầu mối” điều trị, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết tại BV khu cách ly được chia 2 khu vực, nhiều phòng. “Người nghi ngờ sẽ nằm khu riêng với bệnh nhân đã xác định dương tính. Muốn vào phòng bệnh phải qua 2 - 3 lớp cửa, có buồng đệm để thay đồ tránh lây nhiễm”, TS-BS Châu nói và cho biết BV Bệnh nhiệt đới đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình tiếp nhận, cách ly, lấy mẫu xét nhiệm các bệnh nhân nghi nhiễm nCoV. Các bệnh nhân nghi nhiễm sẽ được đưa vào Khoa Nhiễm D (50 giường) để cách ly, theo dõi và điều trị. Nếu số bệnh tăng vượt khả năng tiếp nhận, sẽ bố trí phù hợp tại các khoa khác. Hiện tại, BV bảo đảm đủ thuốc, dịch truyền, trang thiết bị y tế phục vụ điều trị bệnh và trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế. BV cũng đang được Bộ Y tế, UBND TP, Sở Y tế hỗ trợ khẩn cấp để có thể ứng phó hiệu quả nếu số lượng bệnh tăng lên.
“Do đã nhiều lần tiếp nhận bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc các bệnh dịch nguy hiểm (H5N1, Ebola, MerCoV...) và được phòng hộ lây lan tốt nên tâm lý các nhân viên y tế tại BV vẫn ổn định và sẵn sàng chiến đấu chống dịch với quyết tâm cao nhất”, TS-BS Châu khẳng định.
Hàng ngàn cuộc gọi đến đường dây nóngTừ 7 giờ sáng 2.2, Bộ Y tế thêm 1 tổng đài đường dây nóng tư vấn miễn phí về phòng, chống dịch bệnh nCoV đi vào hoạt động là 1900 9095. Đường dây nóng mới này hoạt động song song với tổng đài 1900 3228 được công bố trước đó, hoạt động 24/7. Trong ngày 2.2 có 21 người trực online, đến 15 giờ cùng ngày, đã tiếp nhận 5.511 cuộc gọi đến, thời điểm cao nhất là 1.209 cuộc gọi/giờ; kết nối thành công ước đạt 95,1%. Có đến 80% cuộc gọi tập trung vào các nội dung sau: dấu hiệu triệu chứng của bệnh và cách phòng chống; phát hiện về người nghi nhiễm bệnh và khai báo y tế; thủ tục nhập cảnh trong thời gian có dịch; thông tin phát hiện nơi bán khẩu trang giá cao và tình hình khẩu trang khan hiếm trên thị trường; các địa chỉ xét nghiệm viêm phổi Vũ Hán...(L.Châu)
|
Bình luận (0)