Cách ly y tế bao lâu thì an toàn?

09/04/2020 07:31 GMT+7

Thực tế cho thấy, nếu quản lý không tốt người nhập cảnh, người tiếp xúc, người nghi ngờ mắc bệnh thì sẽ xảy ra tình trạng siêu lây nhiễm Covid-19 khiến công tác điều tra, xử lý ổ dịch của các cơ quan chức năng gặp vô cùng khó khăn.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM), cho biết nhiều thông tin cho rằng thời gian ủ bệnh kéo dài, ngay cả ở Trung Quốc cũng bàn, nhưng sau hơn 80.000 ca mắc Covid-19 ở Trung Quốc, thì WHO kết luận là chỉ có 14 ngày, thời gian ủ bệnh nhanh nhất là 2 ngày, trung bình là 5 - 6 ngày, chậm nhất là 14 ngày. Muốn ủ bệnh kéo dài hơn cũng không được vì quy luật của vi rút là vậy. Nên có nhiều người dương tính ở ngày cuối cùng của cách ly, dù trước đó âm tính với Covid-19. Nhưng khi mắc bệnh thì không phải 14 ngày sẽ hết mà có người 2 - 3 ngày hết, có người đến 20 ngày mới hết, tùy khả năng miễn dịch của từng người.
“Thời gian ủ bệnh là ngày tiếp xúc với người bệnh (vi rút), sau đó phát bệnh. Nhưng có thể lần tiếp xúc đầu tiên không bị lây mà bị lây nhiễm ở lần tiếp xúc sau, hoặc không bị người này mà bị lây từ người khác. Phải tính toán thật chính xác mới biết mình bị lây từ ai, vào ngày nào để ra
14 ngày ủ bệnh, nhưng rất khó. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào tính chất của vi rút, nó chờ thời gian phát tán ra triệu chứng và phát tán vi rút ra ngoài. Như Covid-19 vào cơ thể sẽ nằm vùng cổ họng, kiếm tế bào hầu họng và nhân lên, thời gian ủ bệnh tối đa là 14 ngày”, bác sĩ Khanh nói.

Sẵn sàng tự cách ly thêm 14 ngày

 
Khuyến cáo của chuyên gia y tế đối với những người đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung (14 ngày) nên tự cách ly thêm 14 ngày nữa, được nhiều người cách ly đồng tình vì an toàn cho gia đình và cộng đồng.
Điển hình như trường hợp 2 vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, P.Trung Mỹ Tây, Q.12 (TP.HCM) đi qua Úc thăm con được khoảng 3 tháng rồi về nước hôm 22.3. Về tới sân bay, 2 người làm thủ tục khai báo y tế rồi lên xe khách về thẳng khu cách ly tập trung ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM ngay trong đêm. Đến ngày 6.4 thì đủ thời gian cách ly 14 ngày, nhưng do chưa có kết quả xét nghiệm lần 2 nên vợ chồng bà phải chờ đến sáng 8.4 mới có thể lên xe về nhà. Bà Ngọc Anh chia sẻ: “Tôi thấy việc này cũng cần thiết bởi trong thời gian này, Thủ tướng có chỉ thị cách ly xã hội nên cần hạn chế ra đường. Tôi sẽ ở nhà thêm 2 tuần”.
Tương tự, nữ du học sinh Lê Trần Hồng Hà (Q.12) khẳng định: “Khi rời khỏi khu cách ly, em cũng sẽ tự giác cách ly tại nhà thêm 14 ngày nữa để đảm bảo an toàn cho cả gia đình”. Ngày 8.4, nhiều bạn trẻ tại khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM cũng chia sẻ với PV Thanh Niên rằng sẵn sàng cách ly thêm ở nhà để chẳng may có dương tính với vi rút SARS-CoV-2 thì sẽ không lây cho người thân.  
 Sỹ Đông
Theo bác sĩ Khanh, hiện do điều kiện cách ly, những người cách ly không tuân thủ và có thể bị lây ở ngày cách ly cuối cùng, thậm chí là bị lây ngay tại cổng. Do vậy, việc ra về là phải cách ly 14 ngày tiếp là cần thiết, nếu không thì sẽ lây cho gia đình trước tiên.
Về nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng, theo bác sĩ Khanh, VN chưa thật sự kiểm soát và truy ra hết các nguồn lây từ BV Bạch Mai, hay quán bar Buddha. Do vậy, có thể còn sẽ thấy thêm một vài ca được phát hiện từ quán bar Buddha, BV Bạch Mai do người liên quan không chịu khai, không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ nên không quan tâm. Ngoài ra, còn có nguồn bệnh ngoại nhập.
Theo bác sĩ Khanh, giai đoạn này dù có hay không có ca bệnh, thì vẫn phải làm cách ly xã hội, hạn chế tiếp xúc, mang khẩu trang, rửa tay, đoàn kết phát hiện ra những ca nghi ngờ để báo cho y tế dự phòng để chặn lại. Với ngành y, ngoài tự bảo vệ mình thì xem người nào có “viêm phổi lạ” là cảnh báo ngay. Người dân cũng không nên đi thăm bệnh thời điểm này.
“Trong đại dịch thì việc lây lan thứ phát ra cộng đồng là không tránh khỏi. Nhưng hiện nay chưa có biện pháp đánh giá được chỗ nào có điểm nguy cơ dịch bệnh nhiều và ít, chỉ biết là điểm nguy cơ là ở bar Buddha và BV Bạch Mai. Do vậy, chỉ có cách ly xã hội là tốt nhất”, một chuyên gia về dịch tễ học nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.