Dám nghĩ, dám làm
"Quan sát bóng đá Việt Nam, tôi thấy có một vấn đề: các đội phụ thuộc vào ngoại binh nhiều quá. Do đó, tôi muốn xây dựng tập thể CLB Hà Nội bớt phụ thuộc vào cầu thủ ngoại. Tôi đang nỗ lực làm điều này, nhưng cần thêm thời gian", HLV Daiki Iwamasa chia sẻ sau trận đội Hà Nội thua Nam Định.
Sau 4 trận, tân HLV Nhật Bản giúp CLB Hà Nội thắng 2, thua 2. Thành tích này thực ra không có nhiều điều đáng nói. 2 bại tướng của thầy trò ông Daiki là CLB TP.HCM và CLB Khánh Hòa, đều là đối thủ dưới cơ. Còn 2 đội mà CLB Hà Nội đã thua là CLB Nam Định và CLB Thanh Hóa, đều đang có phong độ rất cao.
Tức là nhìn vào con số 6 điểm sau 4 trận đã qua, HLV Daiki không đáng chê, nhưng cũng chưa có gì đáng khen. Mọi thứ còn ở phía trước.
Tuy nhiên, những gì HLV Daiki đang làm ở đội đương kim á quân V-League có thể khởi đầu một cuộc cách mạng.
Một trong những hình ảnh tiêu biểu cho thay đổi của ông Daiki, đó là việc gạch tên Hùng Dũng khỏi 3 trận gần nhất của CLB Hà Nội. "Tôi chưa nghĩ ra câu chuyện gì hay ho để nói về trường hợp của Hùng Dũng cả", HLV Daiki chia sẻ.
Dù sự thật đằng sau sự vắng mặt của Hùng Dũng là do chấn thương hay không đáp ứng yêu cầu chuyên môn (vốn sự thật chỉ người trong đội mới tỏ tường), việc HLV người Nhật Bản sẵn sàng xoay tua con người với tiêu chí cứ thể hiện tốt, phù hợp với lối chơi pressing giàu năng lượng mới mẻ là được thi đấu, đang từng bước thay đổi diện mạo CLB Hà Nội.
Nếu ông Daiki không ngồi ghế huấn luyện, chưa chắc số phút ra sân của Quan Văn Chuẩn, Vũ Đình Hai, Nguyễn Văn Trường hay Nguyễn Hai Long đã tăng "đột biến". Lê Văn Xuân, Đậu Văn Toàn vốn quen với vai trò phương án hai, cũng có cơ hội thể hiện.
Và trở lại với phát biểu về ngoại binh của ông Daiki. Chuyện lâu nay các đội V-League cậy nhờ ngoại binh là rất phổ biến. CLB Nam Định đang bay trên "đôi cánh" Rafaelson (13 bàn) và Hendrio (5 bàn). CLB Thanh Hóa đã ghi 21 bàn, thì đến 8 bàn trong số đó (xấp xỉ 40%) thuộc về Rimario.
CLB Bình Định dù có lực lượng nội binh kém nổi trội, nhưng vẫn nằm trong tốp 5 bởi Alan Grafite (6 bàn) và Leo Artur (5 bàn) "nhả đạn" ổn định. Còn nếu ngoại binh kém, hãy nhìn trường hợp của CLB Thể Công Viettel với thứ hạng 13.
Với công thức xếp ngoại binh ở những vị trí trọng yếu như tiền đạo, tiền vệ trung tâm, trung vệ... đã trở thành bài vở nằm lòng của phần đông các đội V-League, việc muốn xây dựng đội bóng bớt phụ thuộc vào cầu thủ ngoại rõ ràng là lựa chọn mạo hiểm. Dù HLV Daiki có đang dẫn dắt CLB Hà Nội với ít nhất 5, 6 tuyển thủ quốc gia ở mỗi đợt triệu tập.
Chưa chắc thành công
Ở V-League, làm cách mạng chưa bao giờ đơn giản. Thay đổi tư duy vận hành và văn hóa bóng đá ở đội bóng vốn dĩ no nê vinh quang như CLB Hà Nội càng khó khăn hơn.
Cựu giám đốc kỹ thuật Daniel Enriquez (người Uruguay) từng được bổ nhiệm làm việc tại đội Hà Nội ở V-League 2020 và ra đi sau... 2 tháng. Chia sẻ với người viết, Enriquez nói rằng mọi cải cách mà ông đề xuất đều bị từ chối, bởi người trong đội nói: "Chúng tôi đã vô địch, chúng tôi không cần phải thay đổi".
Từ sau thời HLV Chu Đình Nghiêm, CLB Hà Nội đã bổ nhiệm 6 HLV từ chính thức tới tạm quyền, trong đó có 4 thầy ngoại (Park Chung-kyun, Chun Jae-ho, Bozidar Bandovic, Daiki Iwamasa) và 2 thầy nội (Lê Đức Tuấn, Đinh Thế Nam). Tuy nhiên, không HLV nào trụ quá 1 mùa.
HLV tạm gọi là thành công nhất (Chun Jae-ho) đã vô địch V-League và Cúp quốc gia ở mùa giải 2022. Nhưng nghịch lý là, dấu ấn của ông Chun Jae-ho lại rất mờ nhạt. Đó là mùa giải mà đội Hà Nội vô địch nhờ lứa chủ chốt vẫn đang ở đỉnh cao phong độ, hơn là đẳng cấp HLV trưởng.
CLB Hà Nội đang ở giai đoạn chuyển giao. Bên cạnh thế hệ Văn Quyết, Thành Lương hoặc đã luống tuổi, hoặc rời đi, hàng loạt trụ cột như Văn Hậu, Quang Hải, Việt Anh sang đội khác, lứa kế cận của đội bóng thủ đô cũng chưa cho thấy triển vọng.
Đây là thời điểm phù hợp để CLB Hà Nội chấp nhận tâm thế "đập đi xây lại" với luồng triết lý mới, dựa trên con người mới. Cơ hội luôn đi kèm rủi ro, nhưng không chấp nhận rủi ro thì không nắm bắt được cơ hội.
Để xây dựng nền móng cho CLB Hà Nội thống trị V-League giai đoạn 2016 - 2022, HLV Phan Thanh Hùng đã tốn rất nhiều thời gian, trong đó có quãng 5 năm liền chỉ đoạt 1 chức vô địch V-League.
Đội Hà Nội có sẵn lòng dành cho ông Daiki vài năm để xây đội? Với tần suất thay tướng dồn dập trong 3 năm qua, e rằng... khó nói!
Bình luận (0)