Cách mẹ bầu nhiễm Covid-19 có thể vượt qua an toàn

28/09/2021 14:00 GMT+7

Nhiều mẹ trẻ đang mang bầu vô cùng lo lắng trong mùa dịch này, họ sợ nhiễm Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến con, sợ không dùng được nhiều loại thuốc thì nếu chẳng may nhiễm bệnh phải như thế nào…

Cũng đang mang bầu và chẳng may phát hiện mình bị nhiễm Covid-19, nhưng bằng những cách này mà chị Lê Minh Thùy (30 tuổi, sống tại Q.1, TP.HCM) đã vượt qua an toàn. Câu chuyện của mẹ bầu Minh Thùy sẽ giúp cho nhiều mẹ trẻ khác giảm bớt những lo lắng, cũng như có thêm kinh nghiệm để vượt qua được mùa dịch bệnh nguy hiểm này.

Đừng để tinh thần bị ảnh hưởng

Hiện tại chị Thùy đang mang bầu ở tuần 25 và khi biết mình nhiễm Covid-19 là ở tuần thai 23, nhưng triệu chứng đã có từ tuần thứ 22 mà chị cứ nghĩ là mình bị cảm lạnh, hay cảm cúm gì thôi.
“Những ngày đầu khi bắt đầu có triệu chứng, mình chỉ bị hắt hơi, sổ mũi, có đau họng nhẹ. Sau đó ít hôm, mình bắt đầu bị sốt nhẹ. Lúc đó cảm giác có chút lo lắng vì sợ sốt sẽ ảnh hưởng đến con. Mình gọi cho bác sĩ mình theo khám, lúc đó bác sĩ khuyên nên mua que test nhanh về test thử. Tuy nhiên do mình cũng đã tiêm được 1 mũi vắc xin trước đó, nên bác sĩ cũng trấn an rằng nếu test ra dương tính thì có thể sẽ không có triệu chứng quá nguy hiểm. Còn về em bé, bác sĩ cũng không thể đưa ra được kết luận rằng em bé có sao hay không cho dù là mình chỉ bị cảm thông thường đi chăng nữa, vì không thể gặp trực tiếp kiểm tra sức khỏe cũng như siêu âm”, chị Thùy kể lại.

Vợ chồng chị Thùy và con đã vượt qua được dịch bệnh an toàn

Tuy nhiên, chị Thùy vẫn luôn giữ vững niềm tin rằng con sẽ khỏe, mẹ rồi cũng sẽ hết bệnh, vì chị biết nếu lo lắng quá thì cũng không giải quyết được vấn đề hiện tại rằng mình đang có những cảm giác khó chịu do triệu chứng mang lại, mà ngược lại còn làm cho sức khỏe tinh thần của mình tệ đi, mà chính sức khỏe tinh thần là tác nhân ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên đến em bé trong bụng.
Những ngày sau đó, chị Thùy cho biết bắt đầu có những triệu chứng nặng hơn như sốt cao, người uể oải. Chị đã quyết định xông sả, vỏ cam, gừng và dầu xanh như quan niệm dân gian, nhưng vẫn không có hiệu quả. Chị càng cảm thấy người uể oải nhiều hơn, lâng lâng và không đi nổi, vì vậy quyết định ngủ thật sớm và chỉ dùng dung dịch điện giải để hạ sốt vì chị Thuỳ muốn hạn chế tối đa việc dùng thuốc dù rằng phụ nữ mang thai vẫn có thể dùng được paracetamol để hạ sốt.
“Sáng hôm sau thì những dấu hiệu hắt xì, chảy mũi càng nhiều hơn, cũng như có triệu chứng nghẹt mũi một bên. Khi mình test thì có kết quả dương tính và sau đó chồng cũng vậy. Lúc test cũng hồi hộp lắm, nhưng khi ra kết quả dương tính, không hiểu sao mình lại rất bình tĩnh và ngay lập tức trong đầu chỉ nghĩ 1 điều và nói ngay với chồng: “Hay quá, vậy là vợ sắp có kháng thể rồi, và con mình chắc chắn cũng sẽ có kháng thể chống lại Covid khi chào đời”. Chồng mình khi nghe nói vậy cũng bật cười và cảm thấy bình tâm hơn khi thấy vợ tinh thần vẫn tốt”, chị Thuỳ nhớ lại thời khắc đón nhận kết quả dương tính.

Bác sĩ ơi! Vì sao nhiều người đắn đo khi tiêm vắc xin Covid-19 | Trò chuyện cùng chuyên gia trong đại dịch

Hạn chế uống thuốc nhất có thể

“Bắt đầu từ hôm đó, mình mới tìm hiểu nhiều hơn về diễn biến bệnh này thế nào, triệu chứng nặng ra sao, làm sao để tự theo dõi tại nhà… tất cả những thông tin đó mình chỉ xem duy nhất 1 nguồn từ bác sĩ Trương Hữu Khanh. Khi tìm hiểu về bệnh thì càng cảm thấy tự tin hơn vì mình hiểu được bệnh”, chị Thùy kể.
Vài ngày sau đó là chuỗi những ngày chị bị mất khứu giác, khô họng và cảm giác đau rát, cơ thể mệt mỏi sau mỗi lần ăn, ăn uống cảm thấy không ngon miệng, nhưng vì em bé, chị vẫn phải cố gắng ăn uống đầy đủ, uống cam, chanh hoặc tắc hàng ngày, cũng như bổ sung thêm vitamin tổng hợp cho mẹ bầu để giúp cơ thể vực dậy.
“Trong suốt quá trình bị mất khứu giác, có những hôm mình không thở được bình thường, cảm thấy khi nằm khó thở hơn rất nhiều và thường phải kê cao gối để tạo cảm giác dễ thở. Suốt quá trình mắc Covid-19, hằng ngày mình vẫn tập thở theo các bài tập thở của yoga mà mình vẫn hay tập để giúp dễ thở hơn, cũng như xông mũi bằng dầu xanh hoặc tỏi trong những ngày cảm thấy thở khó khăn dù là ngồi hay nằm. Có những đêm vì quá đau rát họng, mình phải dùng mật ong để ngậm cho dịu lại mới đi ngủ được. Rửa mũi, khò họng bằng nước muối sinh lý là những việc làm thường xuyên hằng ngày để giúp cho triệu chứng trở nên dễ chịu hơn”, chị Thùy kể.

Chị Thùy tập thở theo những bài tập yoga mỗi ngày

Một điều đặc biệt là trong suốt quá trình nhiễm Covid-19, chị Thùy không dùng bất cứ một viên thuốc nào, vì đang mang bầu.
“Bác sĩ cũng không khuyến nghị mình dùng thuốc do không có dấu hiệu đông máu, hay những dấu hiệu nguy hiểm khác, nên tất cả chỉ dùng những liệu pháp thiên nhiên và dân gian để giúp cho cơ thể cảm thấy dễ chịu cũng như tự để sức đề kháng của cơ thể đánh nhau với Covid-19”, chị Thùy chia sẻ.
Sau khi tự theo dõi và điều trị tại nhà vài hôm thì cả nhà chị Thùy cũng được đưa vào Bệnh viện dã chiến thu dung số 6 để tiếp tục theo dõi và cách ly tập trung.
“Cơ bản khi vào bệnh viện, triệu chứng của mình cũng đã thuyên giảm khá nhiều, chỉ có chồng mình do bị sau cùng nên bắt đầu có những triệu chứng và một vài triệu chứng rất lạ, làm mình cũng hơi ngạc nhiên như mắt đỏ ngầu, tay bị u lên 1 cục ngay cổ tay. Nhưng vì lúc đó đang trong bệnh viện nên cũng được nhân viên y tế hỏi thăm và kiểm tra nồng độ oxy thường xuyên nên mình cũng cảm thấy an tâm hơn khi ở nhà”, chị Thuỳ nhớ lại.

Lấy con làm động lực

Chị Thùy cho biết trong thời gian gần đây khi tham gia vào các diễn đàn hoặc group các mẹ bầu, chị thấy có rất nhiều câu hỏi xoay quanh đến vấn đề tiêm vắc xin, vì các mẹ lo lắng rất nhiều thứ. Nhưng cá nhân chị thấy việc tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai và cho con bú thật sự rất cần thiết trong giai đoạn này.
“Mọi lo lắng của các mẹ có thể không sai, bản thân mình khi lựa chọn việc tiêm vắc xin cũng đã trải qua những cảm giác lo lắng tương tự, nhưng với tình hình hiện nay, khả năng và rủi ro khi mắc Covid sẽ cao hơn rất nhiều lần so với những vấn đề liên quan đến em bé. Vậy thì giữa 2 rủi ro, rõ ràng rủi ro về tính mạng do Covid nó cấp bách và quan trọng hơn. Nghĩ vậy mà mình và chồng đã cùng đưa ra quyết định rất nhanh chóng cho việc tiêm vắc xin mà không chần chừ. Và có thể vì mình đã được tiêm 1 mũi vắc xin nên đã vượt qua Covid-19 một cách nhẹ nhàng và giảm thiểu những triệu chứng nguy kịch giống như một vài trường hợp đáng tiếc xảy ra gần đây”, chị Thùy gửi gắm.

Mỗi ngày chị Thùy trò chuyện cùng con để trấn an và giúp cho con hiểu rằng con là động lực cho mẹ và mẹ sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con

Đối với chị Thùy yếu tố quan trọng nhất giúp chị chiến thắng được Covid-19 vẫn là yếu tố tinh thần: “Bản thân mình từ rất lâu kể từ khi Covid gây ra biết bao nhiêu vấn đề cho xã hội, mình chọn cách lắng nghe những điều tích cực thay vì những câu chuyện buồn, hoặc những thông tin không xác thực. Cuộc sống của mình, mình có quyền lựa chọn điều tốt đẹp thay vì thu nạp những điều làm mình cảm thấy sợ hãi và lo lắng. Đặc biệt khi có em bé, suy nghĩ của người mẹ sẽ truyền đến con rất nhanh, chỉ cần mẹ cảm thấy vui thì em bé cũng sẽ cảm nhận được niềm vui. Vì vậy đặc biệt với những mẹ bầu, mình nghĩ các mẹ càng phải nên giữ cho tâm trí và tinh thần lạc quan, vui tươi nhất có thể vì mình không chỉ sống cho một mình mình nữa mà còn vì con”.
Từ kinh nghiệm của mình, chị Thùy khuyên: “Nếu lỡ mẹ bầu có nhiễm Covid-19 thì việc trò chuyện cùng con cũng sẽ là cách kết nối để con hiểu được mẹ đang phải trải qua những ngày tháng như thế nào, khó chịu ra sao với căn bệnh này, và mẹ cũng sẽ là người trấn an bé, giúp cho bé hiểu rằng con là động lực cho mẹ và mẹ sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con. Ngoài ra, dù là F0 và đang mang bầu, nhưng mình vẫn cố gắng duy trì sinh hoạt như bình thường, cố gắng vận động khi có thể, khi nào mệt quá thì nằm nghỉ chứ không gắng sức”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.